Tiếp cận thị trường Nhật Bản
Hơn 70 lao động Quảng Nam vừa vượt qua vòng tuyển chọn của chương trình “Đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản”. Đây được xem là hướng đi mới của lao động Quảng Nam trong việc tiếp cận thị trường lao động đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật lẫn kỷ luật cao.
Tham gia chương trình “Đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản” có gần 150 ứng cử viên đến từ 3 tỉnh Quảng Nam, Gia Lai và Kon Tum. Đây là chương trình do Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Văn phòng Tổ chức IM Japan tại Việt Nam thực hiện. Ông Yosuke YoDa, đại diện Văn phòng Tổ chức IM Japan tại Việt Nam cho biết mục tiêu của chương trình là đào tạo lao động Việt Nam có trình độ chuyên môn cao, có tinh thần kỷ luật tốt, tác phong chuyên nghiệp” để sau khi hoàn thành khóa thực tập có thể về xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, theo ông Yosuke YoDa, các ứng viên phải trải qua các phần thi, kiểm tra về kiến thức lẫn thể lực rất khắt khe.
Các ứng viên tham dự đợt kiểm tra tuyển chọn của chương trình trong năm 2014.Ảnh: T.ĐỨC |
Anh Nguyễn Đức Tài (một lao động ở huyện Điện Bàn) hy vọng khóa thực tập hướng nghiệp theo chương trình của Nhật Bản sẽ giúp bản thân học hỏi nâng cao tay nghề để sau khi hoàn thành khóa thực tập sẽ dễ tìm kiếm việc làm phù hợp tại Quảng Nam hay ở các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp hiện đại khác của Việt Nam. Cùng chung quan điểm với anh Tài và nhiều lao động được chọn khác, anh Đặng Văn Hà (xã IaBang, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) cũng cho biết, ngoài việc nâng cao tay nghề thì “mình cũng mong học hỏi được tác phong lao động của người Nhật”. Anh Hà vừa tốt nghiệp ngành kiến trúc của một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh nhưng vẫn muốn tham gia chương trình vì cho rằng sẽ có ích cho phát triển sự nghiệp của mình sau này.
Từ đầu năm đến nay, đã có 40 lao động của Quảng Nam được xuất cảnh sang thị trường các nước châu Á theo dạng hợp đồng ký kết lao động có thời hạn, chủ yếu làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong 6 tháng qua, thị trường lao động Hàn Quốc đã tiếp nhận 25 lao động của Quảng Nam, trong đó có 17 lao động đi theo chương trình ký kết mới nhất giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Lao động Hàn Quốc; 8 lao động trở lại làm việc sau khi thực hiện đúng hợp đồng 5 năm với các công ty của Hàn Quốc. Trong tổng số 13 lao động tham gia thị trường Nhật Bản từ đầu năm đến nay có 6 lao động đi theo diện miễn phí do tổ chức IM Japan đài thọ kinh phí. |
Trong nhiều năm qua, chương trình “Đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản” luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của người lao động, bởi người lao động hoàn toàn không phải trả bất cứ chi phí nào cho chuyến thực tập, làm việc tại các công ty hàng đầu Nhật Bản trong vòng 3 năm. Ngoài ra, người lao động còn được nhận lương tháng theo hợp đồng ký kết với từng công ty, được hỗ trợ gần 150 triệu đồng để lập nghiệp sau khi hoàn thành khóa thực tập. Ông Lương Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết từ năm 2006 đến nay đã có hơn 1.300 lao động Việt Nam tiếp cận thị trường lao động Nhật Bản theo chương trình này. “Theo đánh giá của các đối tác, công ty phía Nhật Bản, lao động Việt Nam rất cần cù, chịu khó, ham học hỏi và rất khéo tay. Tuy nhiên, ý thức kỷ luật vẫn là một nhược điểm lớn của lao động Việt Nam” - ông Long nói.
Hiện nay, chi phí để được đi xuất khẩu lao động ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc khá cao, dao động từ gần 6.000 đến 7.000 USD. Đó là chưa nói đến những thủ tục, ràng buộc chặt chẽ khiến người lao động Việt Nam rất khó tiếp cận các thị trường này, nhất là những lao động nghèo. Tuy nhiên, với chương trình tuyển chọn công khai các ứng viên dựa trên năng lực và sức khỏe sẽ là điều kiện rất tốt để người lao động Quảng Nam, nhất là lao động nghèo ở miền núi có điều kiện tiếp cận với những môi trường làm việc chuyên nghiệp và nhận được mức lương cao.
TRẦN ĐỨC