Bán vé tham quan phố cổ Hội An: Nhiều giải pháp linh hoạt
Đã có nhiều ý kiến trái chiều kể từ khi TP.Hội An siết chặt việc bán vé tham quan phố cổ cũng như cách thức soát vé. Tổ chức lại hoạt động bán vé theo hướng đa dạng hóa các kênh phân phối sẽ là hướng đi chính của thành phố trong thời gian đến.
Tạo thuận tiện cho du khách
Hiện giá vé tham quan phố cổ Hội An gồm 2 loại là 120 nghìn đồng/khách quốc tế (xem 5 điểm di tích) và 80 nghìn đồng/khách Việt Nam, xem 3 điểm di tích trong tổng số 23 điểm di tích và 1 điểm nghệ thuật cổ truyền. Ngoài ra, mỗi tấm vé tham quan còn có 1 ô chung để du khách thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật và tham quan không gian phố cổ (chợ, mua sắm, đi dạo trên các con đường phố cổ). Kể từ khi có chủ trương siết chặt vé tham quan phố cổ, thành phố đã chỉ đạo Trung tâm VH-TT Hội An phối hợp với các ban ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp chống thất thu vé như tổ chức quầy vé và kiểm soát vé tại các đầu đường vào khu phố cổ. Ngoài ra, để tránh sự hiểu lầm và phản ứng của một bộ phận du khách khi có nhu cầu đi vào phố nhiều lần, thành phố cũng ra những quy định cụ thể như mọi du khách vãng lai, không lưu trú tại Hội An khi vào khu di sản chỉ mua vé một lần và có giá trị trong 24 tiếng đồng hồ. Đối với khách lưu trú nhiều ngày ở Hội An cũng chỉ mua một vé tham quan, sau tour tham quan nếu có nhu cầu vào lại khu phố cổ chỉ cần mang theo cùi vé sẽ được tự do vào.
Hơn 85% tiền từ bán vé cho khách tham quan phố cổ phân bố lại công tác bảo tồn di tích.Ảnh: T.V.L |
Đặc biệt, thành phố cũng đã áp dụng nhiều chế độ miễn giảm cho các đối tượng như miễn 100% phí tham quan cho đối tượng là học sinh dưới 16 tuổi; nhà báo, nhà nghiên cứu và hội viên Hội di sản Việt Nam; giảm 50% phí tham quan cho nhân dân các xã, thôn đặc biệt khó khăn, người có công cách mạng, cán bộ lão thành cách mạng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, người khuyết tật, công dân trên 60 tuổi… Riêng đối với khách đi theo đoàn do các công ty lữ hành tổ chức, thành phố cũng có cơ chế miễn giảm như miễn 1 vé dành cho đoàn đủ 15 người hay miễn phí thuyết minh đối với đoàn đủ 8 người… “Phải nói rằng, việc tiến hành các giải pháp chống thất thu vé tham quan phố cổ là một chủ trương đúng đắn của thành phố nhằm không chỉ tạo sự công bằng cho du khách và những doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn đóng góp nguồn lực tái đầu tư cho công tác bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hội An” - ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định.
Theo ông Bay, kể từ khi triển khai những giải pháp trên, doanh thu bán vé tham quan phố cổ đã tăng gần 50%. Từ nguồn thu này thành phố đã bố trí hơn 85% kinh phí cho trùng tu di tích và chi trả cho các chủ di tích tập thể và tư nhân trong việc duy tu bảo dưỡng, tổ chức phục vụ khách tham quan. Ngoài ra, các dịch vụ, hoạt động bên trong phố cổ như hệ thống loa phát nhạc, đèn lồng trang trí, nhân sự, an ninh, nghệ nhân, cộng tác viên nghệ thuật… cũng được chi trả từ nguồn tiền bán vé này. “Có ý kiến cho rằng thành phố không nên phát hành vé tham quan mà nên sử dụng nguồn thu từ thuế của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu di sản. Nhưng thực tế cho thấy, số tiền thuế mỗi năm chỉ khoảng 4 tỷ đồng trong khi mức bình quân cho việc trùng tu một di tích hiện nay là khoảng 5 tỷ đồng” - ông Bay giải thích. Qua 18 năm (1995 - 2013) kể từ khi triển khai hoạt động bán vé tham quan phố cổ, tổng số tiền từ bán vé là hơn 370 tỷ đồng, nộp vào quỹ bảo tồn trùng tu di tích hơn 262 tỷ đồng.
Đa dạng công tác bán vé
Dù bước đầu đạt được những kết quả tích cực nhưng không phủ nhận việc bán vé, soát vé thời gian qua cũng đối diện với nhiều phản ứng tiêu cực từ phía du khách và doanh nghiệp du lịch. Không ít doanh nghiệp thắc mắc việc bán vé gộp chung các điểm di tích còn mang tính áp đặt nhân viên làm nhiệm vụ soát vé quá cứng nhắc, giải thích chưa thấu đáo, thậm chí có thái độ nóng nảy khi thuyết phục du khách mua vé tham quan… Tuy nhiên, theo ông Bay, không thể tách bán vé theo từng điểm tham quan vì Hội An là một công trình khép kín bao gồm nhiều loại hình từ nhà ở, nhà thờ tộc, miếu đình, hội quán, cầu, chùa đến bến cảng, chợ, sông, phong tục tập quán, lối sống… “Thành phố đang tính toán để có phương án ổn định, lâu dài và hiệu quả hơn đối với hoạt động bán vé tham quan khu phố cổ” - ông Bay nói. Trong đó, sẽ mở rộng việc bán vé ngay tại điểm tham quan, bãi đậu đỗ xe cũng như tại nhà hàng khách sạn nhằm tạo thuận lợi nhất cho du khách khi có nhu cầu.
Bà Đinh Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An cho biết, hiện tại phòng đã làm việc với 12 khách sạn, resort lớn trên địa bàn thành phố để triển khai hình thức bán vé tại chỗ, hầu hết doanh nghiệp lưu trú đều đồng ý với phương án này, nhưng chỉ còn vướng cách thức bán và tỷ lệ hoa hồng trên mỗi đầu vé cho doanh nghiệp. “Chủ trương đã có, doanh nghiệp cũng đã tiếp xúc xong, chỉ còn chờ Trung tâm VH-TT thành phố làm tiếp bước 2 là tổ chức tập huấn cách bán vé cũng như thống nhất mức chiết khấu hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào thôi” - bà Thủy nói. Còn theo ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An, ngoài hình thức bán vé trên hiện, thành phố đang phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) xây dựng phương án “Hộ chiếu di sản kết hợp vé điện tử”. Với phương án này sẽ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách khi mua vé tham quan, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý theo dõi mọi đối tượng khách khi vào tham quan các điểm di tích trong khu phố cổ thông qua việc chuyển tải thông tin và hình ảnh của du khách bằng hệ thống máy tính qua thẻ điện tử nhằm đơn giản hóa việc kiểm soát vé tại điểm. “Vé điện tử không chỉ giúp kiểm soát tốt lượng khách vào phố cổ mà còn có giá trị như là một món quà lưu niệm của khách sau khi tham quan Hội An. Đây là một phương án mới có sự ứng dụng của khoa học công nghệ, đang được tổ công tác xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào đầu năm 2015” - ông Phùng nói.
THÂN VĨNH LỘC