Nguy cơ nợ dây chuyền
Chưa ai tính toán đầy đủ quy mô nợ dây chuyền giữa các doanh nghiệp (DN) với nhau. Một lãnh đạo ngân hàng nói số nợ xấu của các DN tại ngân hàng còn thống kê được chứ nợ xấu giữa các DN và nợ nhà nước với DN rất khó thống kê. Các khoản nợ này ngày càng có nguy cơ phình to và không thể giải quyết dứt điểm bởi nguồn ngân sách luôn có hạn mà yêu cầu đầu tư phát triển thì mỗi năm mỗi gia tăng.
Tình trạng này khiến cho cộng đồng DN hụt hơi, đuối sức và không ít DN làm ăn chân chính phải đứng trên bờ vực phá sản. Theo công bố của HĐND tỉnh, do yêu cầu về phát triển kết cấu hạ tầng, nhiều dự án, công trình trọng điểm đã được đầu tư làm cho nợ xây dựng cơ bản tại Quảng Nam khá lớn. Tính đến ngày 31.12.2013, tổng nợ xây dựng cơ bản của tỉnh lên đến 4.045 tỷ đồng, nhưng chỉ bố trí kế hoạch vốn “trả nợ” là 2.598 tỷ đồng cho năm 2014. Vì vậy, tính đến thời điểm hiện nay, ngân sách tỉnh còn nợ 1.447 tỷ đồng (tỉnh quản lý là 663 tỷ đồng, cấp huyện, xã là 510 tỷ đồng, nợ từ nguồn trung ương hỗ trợ là 274 tỷ đồng). Thống kê này cho thấy mới chỉ nợ đọng xây dựng cơ bản đã lớn như thế thì con số tổng mức nợ dây dưa, dây chuyền, chiếm dụng lẫn nhau của toàn nền kinh tế Quảng Nam sẽ lớn đến cỡ nào.
Nợ dây chuyền không còn đơn giản qua con số thống kê trong các báo cáo tài chính, kể cả khả năng giấu nợ, làm giả sổ sách để đấu thầu hay vay vốn. Nền kinh tế rơi vào sự bất an trước các khoản nợ dây chuyền. Theo các chuyên gia tài chính, nợ ngân hàng có tiêu chí phân loại. Nợ đến mức nào đó sẽ bị “liệt” vào nợ xấu khá rõ. Còn nợ dây chuyền không thể thống kê và định dạng hay chẳng có văn bản pháp lý nào để xử lý nó. Tình trạng chiếm dụng vốn diễn ra phổ biến và nghiêm trọng dẫn đến nguy cơ mất khả năng chi trả, làm đổ vỡ dây chuyền các cơ sở kinh tế, tác động đến hệ thống ngân hàng và làm tê liệt các hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, các DN nhà nước nợ nhau có thể khoanh nợ, giãn nợ bằng các chỉ đạo hành chính từ chính quyền để tiếp tục tồn tại và duy trì sản xuất. Số nợ này không bị tính lãi. Còn các DN nhỏ, các nhà thầu phụ cho các DN lớn, vốn chủ sở hữu chỉ có 10 - 15 tỷ đồng thì nợ hơn 10 tỷ đồng chỉ có nước phá sản và DN nợ người làm công, người làm công nợ nhà phân phối, sản xuất… Giới ngân hàng Quảng Nam nói nợ DN với nhau hay nợ nhà nước DN thì không tính lãi. Còn DN nợ ngân hàng buộc phải trả lãi dù có lâm vào cảnh khó khăn. Trên thực tế, ngân sách cấp khoản trả nợ nhỏ giọt hàng năm ấy chỉ đủ để DN trả lãi ngân hàng, còn khi tất toán khoản nợ thì rốt cuộc DN vẫn phải “gồng mình” trả gốc ngân hàng. Danh sách nhiều DN lâm vào nợ xấu, phá sản hay chờ phát mãi tài sản để trả nợ tại Quảng Nam có không ít lâm vào tình cảnh bị nợ dây chuyền, không thể có đủ nguồn tài chính để trả nợ ngân hàng. Nhiều DN làm ăn chân chính vì nợ dây chuyền đã lỡ nhiều kế hoạch sản xuất kinh doanh, từ DN tốt trở thành DN xấu.
Nhiều người nói chỉ cần ngân sách có tiền, chính quyền trả được một phần nợ đọng xây dựng cơ bản, nhiều DN sẽ hồi sinh. Còn không, liệu nhà nước có dám tính đến việc chuyển các khoản nợ của chính quyền với DN sang hình thức nhà nước nợ ngân hàng để cứu những DN không đáng chết vì kiểu nợ này? Nói một cách cụ thể, để tránh nguy cơ đổ vỡ dây chuyền trong cộng đồng DN, có lẽ chính quyền nên nghĩ đến các biện pháp mạnh, kiểu như lập đề án thanh toán công nợ chứ không chỉ mỗi năm căn cứ trên nguồn ngân sách cấp để dành khoản trả nợ cho DN như hiện nay là điều cần tính đến.
NAM KHA