Rau hữu cơ của làng Thanh Đông

LÊ HIỀN 10/07/2014 11:12

Gần 3 tháng nay, nông dân thôn Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) đã thực hiện mô hình “Vườn rau hữu cơ sinh thái”, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế và mở ra hướng đi mới trong việc sản xuất rau sạch tại Hội An.
Cầm trên tay phiếu giới thiệu sản phẩm và phương thức đặt mua rau hữu cơ Thanh Đông, một chủ cơ sở kinh doanh hàng ăn uống trong khu phố cổ Hội An ngạc nhiên và vui mừng vì được tiếp cận loại rau có thông tin ban đầu “chất lượng ở mức độ sạch tuyệt đối”. Thông tin trên phiếu ghi rõ: “Vườn rau hữu cơ thôn Thanh Đông là mô hình sản xuất rau hữu cơ đầu tiên tại TP.Hội An, dự án do UBND xã Cẩm Thanh hợp tác với Phòng Kinh tế thành phố và Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị thực hiện. Các loại rau sản xuất theo quy trình hữu cơ được bán theo hình thức giao trực tiếp đến tay người tiêu dùng đối với những đơn đặt hàng từ 5kg trở lên tại một địa điểm giao hàng. Đối với những đơn đặt hàng ít hơn, khách hàng đến nhận rau tại địa chỉ số 57, đường Trần Phú, Hội An. Giá bán rau các loại: 11 nghìn đồng/kg và rau gia vị 30 nghìn đồng/kg…”. Phiếu bán hàng cũng đã ghi đầy đủ số điện thoại, lịch giao hàng và cả địa chỉ email cho khách tiện liên hệ.

Hội thảo đầu bờ tại vườn rau hữu cơ sinh thái. Ảnh: L.H
Hội thảo đầu bờ tại vườn rau hữu cơ sinh thái. Ảnh: L.H

Lần theo địa chỉ ghi trong phiếu bán hàng nói trên, chúng tôi đến thôn Thanh Đông để tìm hiểu mô hình trồng rau hữu cơ của bà con nơi đây. Bà Đinh Thị Xinh, người tham gia dự án cho biết: “Thông qua các buổi tập huấn, tôi được biết, mô hình này đã đem lại thu nhập cao cho nhiều nông dân. Điều quan trọng hơn, trồng rau hữu cơ còn giúp tiết kiệm chi phí, cải tạo chất lượng đất canh tác và đặc biệt là tạo sản phẩm sạch tuyệt đối, an toàn cho người tiêu dùng”. Từ tháng 3 đến nay, bà Xinh đã cùng các hộ dân trong thôn thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ thí điểm tại khu đất Sau Doi với đầy đủ các ao chứa nước, hệ thống phun sương tự động, nhà ủ phân, hun trấu… được khoanh vùng trong diện tích 6.300m2. Theo hướng dẫn, bà con đã sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phân chuồng, than trấu và chế phẩm sinh học để tạo nguồn phân hữu cơ, trồng 2 nhóm rau chính là rau ăn quả và rau ăn lá như rau muống, dền, mồng tơi, khoai lang, cải, đậu bắp, đậu đũa, cà chua, dưa hấu, bí đỏ, ớt…

Khác với sản xuất rau thông thường, quy trình trồng rau hữu cơ hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học. Đất trồng rau được quy hoạch thành vùng, xét nghiệm đảm bảo không ô nhiễm bởi kim loại nặng và các chất độc hại khác, có vùng đệm thích hợp để tránh xâm nhiễm từ bên ngoài. Các hộ phải lấy nước từ giếng khoan, xử lý lọc khử phèn và chứa vào ao, bơm tưới. Khi sản xuất, bà con tuyệt đối không dùng phân hóa học hoặc các chất kích thích sinh trưởng, biến đổi gen mà chỉ được dùng phân hữu cơ đã kiểm soát và áp dụng quy luật đấu tranh sinh học tự nhiên. Theo đó, các hộ đã trồng xen canh các loại cây khác nhau, kết hợp cây có tác dụng dẫn dụ (như hoa cúc vạn thọ), cây xua đuổi (phân xanh) hoặc dùng các chế phẩm tự chế từ thảo mộc như gừng, tỏi, rượu, kết hợp bắt bằng tay để giải quyết vấn đề sâu bệnh. Ông Nguyễn Văn Nguyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Thanh cho biết, khi tham gia mô hình này, các bên liên quan như công ty phân phối, người tiêu dùng, liên nhóm, ban điều phối dự án sẽ cùng tham gia giám sát thường xuyên. Việc kiểm soát nghiêm ngặt, truy xuất nguồn gốc có thể dẫn tới xử phạt đối với hộ sản xuất không tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật canh tác.

Sau hội thảo đầu bờ vào tháng 5, đến nay sản phẩm rau hữu cơ làng Thanh Đông đã được một số khách hàng ở các cơ quan đơn vị và các nhà hàng, khách sạn tin tưởng đặt hàng tiêu thụ. Sau khi được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau theo quy trình hữu cơ, sắp tới, sản phẩm này sẽ được giới thiệu, cung cấp cho các trường mầm non, tiểu học tại Hội An. Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết: “Việc xây dựng và phát triển mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Cẩm Thanh cũng là điểm tham quan thú vị cho du khách khi muốn tìm hiểu đời sống, sản xuất của nông dân bản địa”.

LÊ HIỀN

LÊ HIỀN