Kích thích phát triển kinh tế
Gia tăng phát triển kinh tế, thu hồi nợ đọng, kịp thời điều chuyển, giải ngân, ưu tiên bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm… để đạt mục tiêu tăng trưởng 11,5% là những vấn đề đã được luận bàn, xác định tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa VIII.
|
Thúc đẩy giải ngân tín dụng và gia tăng sản xuất phát triển kinh tế là một trong những mục tiêu hàng đầu. Ảnh: TÙY PHONG |
Tăng trưởng chưa cao
Theo UBND tỉnh, 6 tháng qua, tăng trưởng kinh tế đã đạt sự ổn định, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 11% so cùng kỳ 2013. Cơ cấu kinh tế tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Giá cả, thị trường ổn định, lãi suất vốn vay, nợ xấu, hàng tồn kho có xu hướng giảm dần đã góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát chung của cả nước. Nông nghiệp phát triển, năng suất, sản lượng vụ đông xuân tăng mạnh, đầu tư cho khu vực miền núi, nông thôn gia tăng, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt thêm nhiều kết quả, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội... Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cũng thừa nhận tốc độ tăng GRDP vẫn thấp hơn so với kế hoạch. Giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ thấp. Sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp hạn chế, thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng thu ngân sách 6 tháng qua đã có những tín hiệu khả quan với thu nội địa hơn 2.800 tỷ đồng, đạt 56% dự toán, tăng 30% cùng kỳ. Nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách đạt tỷ lệ khá cao (thu từ thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 61,8% và tăng gần 50% so với cùng kỳ) đã “thực chứng” cho nỗ lực sản xuất kinh doanh của giới doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi “vòng xoáy” khó khăn. Cụ thể, chỉ số hàng tồn kho cao, tình trạng thiếu việc làm lan tràn, sản xuất công nghiệp chưa lấy lại đà tăng trưởng. Dấu hiệu rõ nhất là số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng và nợ xấu vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao (3,5%).
Một chỉ dấu đáng lo ngại khác phải kể đến là số thu từ các doanh nghiệp nhà nước địa phương giảm đáng kể so với cùng kỳ, thu từ tiền sử dụng đất ở đa số các huyện đạt thấp. Sự “thiếu hụt” trên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư bố trí từ nguồn thu này. Một thống kê khác cho thấy tình trạng nợ thuế vẫn tiếp tục gia tăng. Nếu cuối năm 2013 nợ thuế khoảng 701,7 tỷ đồng thì đến ngày 31.5.2014, số nợ thuế đã tăng lên 736,1 tỷ đồng, chưa kể khoản nợ từ cơ chế vượt trội của tỉnh trước đây ngày càng tăng và khó có khả năng thu hồi (154,8 tỷ đồng vào cuối năm 2013). Ngoài ra, nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng đã “sinh thêm” nhiều dự án, công trình trọng điểm đầu tư đã để lại món nợ xây dựng cơ bản đến 1.447 tỷ đồng và 150 tỷ đồng nợ đọng tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2010 trở về trước chưa biết bao giờ thu hồi được.
Tập trung phát triển kinh tế
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng nhiệm vụ quan trọng của Quảng Nam là tập trung phát triển kinh tế. Thay vì đưa ra những cam kết chung chung, một loạt giải pháp kích thích phát triển cụ thể cho 6 tháng còn lại của năm 2014 đã được đưa ra. Giải pháp hàng đầu vẫn là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, hàng tồn, mở rộng thị trường và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng trưởng kinh tế, kịp thời xử lý, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp và nhân dân… Trên bình diện đầu tư, quan điểm của chính quyền là nhanh chóng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên vốn đối ứng ODA, sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư xây dựng cơ bản, thúc đẩy tiến độ giải ngân, thanh quyết toán các nguồn vốn đúng quy định. “Rà soát, điều chuyển nguồn vốn hợp lý, ưu tiên các công trình đã có khối lượng, khả năng hoàn thành, hiệu quả năm 2014, xử lý nợ đọng, tiếp tục rà soát các dự án đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm cam kết” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói.
Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã triển khai tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách hỗ trợ vốn vay cho ngư dân đóng tàu vỏ sắt, công suất lớn, bám biển sản xuất, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việc thực thi các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bãi bỏ thủ tục hành chính không phù hợp, công khai thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả “một cửa liên thông”, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, trực chiến, chủ động ứng phó kịp thời trong mọi tình huống, kiềm chế tai nạn giao thông… cũng được xác định như một “mệnh lệnh” phải được thực thi hoàn hảo.
Theo ông Võ Hồng, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, muốn đạt tăng trưởng GRDP 11,5% như kế hoạch, tất cả đều kỳ vọng vào năng lực điều hành và các giải pháp kích thích đưa ra thực sự hiệu quả. Chính quyền và cơ quan quản lý cần tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nâng cao thương hiệu và giá trị của hàng hóa sản xuất trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, chủ động tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Giải cứu nguồn thu, quản lý sử dụng vốn ngân sách cũng cần ưu tiên đặt lên hàng đầu. “Sử dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi trong trường hợp cần thiết, khẩn trương rà soát nợ tiền thuế do thực hiện cơ chế ưu đãi trước đây của tỉnh để trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhằm tạo sự minh bạch về môi trường đầu tư, góp phần giảm nợ đọng thuế phát sinh trên địa bàn và làm lành mạnh hóa nền tài chính của tỉnh. Kịp thời điều chuyển, giải ngân các nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu, ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm. Không để xảy ra tình trạng sử dụng không hết kế hoạch vốn bị Trung ương thu hồi, chỉ xem xét cho tạm ứng đối với dự án, nhiệm vụ chi thật sự búc xúc không thể trì hoãn và có giải pháp cân đối vốn để hoàn trả ngân sách” - ông Hồng nói.
TÙY PHONG