Chờ Luật Đầu tư công
Có lẽ ít ai nghi ngờ về mục tiêu của những khoản đầu tư mà chính quyền cấp tỉnh, huyện và các ngành nêu ra. Tất cả dự án đều đang rất cấp thiết với nhu cầu dân sinh. Vốn được đổ rất nhiều vào các công trình lớn nhỏ, phân tán khắp nơi với mục tiêu thường được nhắc tới là tạo ra nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế dài hạn hay cải thiện phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít công trình thiếu hiệu quả hay tiêu tốn một lượng vốn đầu tư ở mức quá cao.
Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra đời tháng 10.2011, thừa nhận tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án, vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Các dự án thi công quá dài, hiệu quả kém, phân tán nguồn lực đã không đáp ứng được yêu cầu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ thị ấy hàm nghĩa Nhà nước không còn nhiều nguồn lực và sự kiên nhẫn để “tiếp sức” cho những dự án đầu tư công dàn trải, manh mún, lãng phí. Chính quyền Quảng Nam tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải và tăng cường huy động các nguồn vốn phát triển khác. Sự điều chỉnh về chủ trương ấy là điều tốt, nhưng hậu quả từ những công trình, dự án đang dang dở ở các địa phương khi không có vốn tiếp tục đầu tư, thi công hoặc công trình thiếu vốn đầu tư và nợ đọng xây dựng cơ bản lớn (hơn 2.000 tỷ đồng) chưa biết xử lý như thế nào, đến đâu để không mất vốn nhà nước vẫn đang nan giải câu trả lời.
Chuyện đầu tư công kém hiệu quả hay thiếu vốn triền miên luôn được nói tới như một căn bệnh cần phải kê đơn, bốc thuốc, nhưng dường như nó đã trở thành một con bệnh đã lờn thuốc. Một khi tốc độ chứ không phải là chất lượng tăng trưởng GDP được sử dụng làm thước đo quan trọng nhất cho thành tích phát triển kinh tế thì nghiễm nhiên một điều là địa phương sẽ chạy theo các lợi ích cục bộ, tìm mọi cách để tăng tốc GDP, kéo theo nguồn lực bị phân bổ kém hiệu quả. Dường như, mỗi khi địa phương hay ngành xin dự án, xin bổ sung quy hoạch, vì lợi ích chung, tỉnh, huyện đã không nói lời từ chối, tiếp tục phê duyệt dự án và thiếu cả cơ chế giám sát. Hiệu quả kinh tế - xã hội của công trình, tác động tích cực lên mức sống của người dân chính là thước đo, là tiêu chí phê duyệt hay bác bỏ một công trình đầu tư công vẫn chưa được tính đến bởi việc chậm tiến độ và đầu tư dàn trải của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước vẫn còn tồn tại.
Cả nền kinh tế đang bàn tán đến chuyện xử lý hàng tồn kho doanh nghiệp, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các khoản nợ dây dưa, chiếm dụng lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp cũng nguy hiểm không kém và đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của doanh nghiệp thì chưa ai tính toán một cách đầy đủ. Không biết có bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Quảng Nam “chết một cách oan uổng” vì vướng phải các công trình nợ vốn đầu tư? Vì gói ngân sách năm nào cũng phải dành để trả nợ, nhưng không thể nào dứt điểm vì nợ dây dưa cứ lũy kế hàng năm vì khối lượng công trình luôn vượt quá vốn đầu tư mà khả năng ngân sách có thể cân đối được. Mọi hy vọng đổ dồn về Luật Đầu tư công sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, quy định rõ trách nhiệm và các chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân, cũng như người đứng đầu các tổ chức, cơ quan có liên quan đến quản lý đầu tư, có đủ khả năng để chấm dứt tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải hay không?
NHẬT PHONG