Làng trầm cảnh Trung Phước

VŨ CHÁNH LÂM 07/07/2014 09:40

Qua khỏi đèo Le (ranh giới hai huyện Nông Sơn và Quế Sơn) sẽ bắt gặp cánh rừng trồng bạt ngàn. Ngoài cây bản địa, nhiều hộ dân còn trồng xen vào hàng trăm ngàn cây dó bầu - một loại cây nguyên liệu cho làng trầm cảnh Trung Phước (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn).

Khá lên nhờ trầm

Vừa đến làng, đã nghe mùi hương trầm lan tỏa ngây ngất. Những cây dó trở nên quyến rũ khi được người thợ tài hoa chế tác thành những cây trầm cảnh. Ông Nguyễn Trường Bộ, chủ một cơ sở sản xuất trầm cảnh ở Trung Phước, tâm sự: “Chủ nhân của mỗi hộ sản xuất hôm nay trước đây đều có hoàn cảnh nghiệt ngã. Cuộc sống của họ lang bạt qua từng cánh rừng để tìm trầm nhưng chẳng có ai khá lên được, cuối cùng đồng tiền làm ra không đủ mua thuốc chữa bệnh, nên quay về…”. Giã từ cảnh “ngậm ngải tìm trầm”, ông Bộ đưa cây dó hoang dã về ươm thử trong vườn nhà. sau thời gian ngắn, cây bén rễ đâm chồi, xanh tốt. Từ vài cây dó cách đây hơn 25 năm, bây giờ núi rừng huyện Nông Sơn, nhiều người làm theo ông Bộ, nơi nào cũng trồng giống cây cho trầm hương. Tháng 5.1985, ông Bộ là người sáng chế từ cây dó bầu cổ thụ ra trầm cảnh đầu tiên của làng. Cây trầm cảnh đó bán với giá 20 triệu đồng, tạo nên một cơn sốc trong giới tìm trầm thời đó. Rồi lần lượt nhiều người đến ông học nghề chế tác trầm cảnh, về mở cơ sở sản xuất.

Nghệ nhân làng trầm Trung Phước đang tạo dáng cho cây trầm cảnh.Ảnh: V.C.L
Nghệ nhân làng trầm Trung Phước đang tạo dáng cho cây trầm cảnh.Ảnh: V.C.L

Hiện nay trên địa bàn xã Quế Trung có hơn 40 cơ sở sản xuất trầm cảnh, hàng mỹ nghệ bằng trầm, thu hút hơn 300 lao động, đời sống khá lên và làng cũng đổi thay. Từ những ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, nay nhà lầu kiên cố mọc lên, như một phố thị của trung tâm huyện. “Chúng tôi rất mừng với những cơ sở sản xuất trầm cảnh, nhờ vậy mà nhiều người thất nghiệp có việc làm, đời sống ổn định, giảm đi gánh nặng của xã hội và còn đóng góp ngân sách địa phương…” - ông Nguyễn Kim Dũng, nguyên Chủ tịch UBND xã Quế Trung tâm sự. Các chủ cơ sở sản xuất trầm cảnh cho biết làng nghề phát triển trong thời gian gần đây, hiện có nhiều khách hàng từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc tìm về hợp đồng tiêu thụ. Sản phẩm của làng trầm Trung Phước khá đa dạng, từ những sản phẩm có giá hàng trăm triệu đồng cho đến những sản phẩm đơn giản, được thị trường ưa chuộng như chuỗi hạt, tượng nhỏ làm bằng trầm... “Nếu một mẩu trầm khoản 20g giá trị 50 nghìn đồng mà qua tay một thợ điêu khắc thì có thể sẽ tăng lên gấp 10 lần” - ông Võ Anh Vũ, một chủ cơ sở ở làng trầm Trung Phước cho biết.

 Mở rộng thị trường

Theo một tư liệu, người Nhật không đốt trầm như người Việt Nam. Cây trầm cảnh khi mua về được họ để trong một lồng kính có bộ điều chỉnh nhiệt. Khi có khách hoặc gia đình muốn thưởng thức chỉ cần điều chỉnh nhiệt độ trong lồng kính đến 37,50C là cây trầm cảnh này sẽ tỏa mùi hương ngào ngạt. Người Nhật đãi khách bằng trà và hương trầm như vậy.

Trầm cảnh, mỹ nghệ bằng trầm, ngoài việc trang trí trong nhà, trang sức trên người cho đẹp, còn có tác dụng phòng chống những côn trùng độc, chữa được nhiều bệnh. Theo đông y, trầm có có vị cay, tính ấm, hơi ngọt, có tác dụng vào 3 kinh: tỳ, vị và thận (tỳ kinh, vị kinh và thận kinh) của cơ thể. Trầm có tác dụng giáng khí, hạ đờm, bổ nguyên dương, bổ thận khí, trợ sức cho công năng vận hóa của tỳ thận. Ngoài ra, còn có tác dụng trợ tim, mạnh tim, lợi tiêu hóa, trị tiêu chảy, chống nôn. Tác dụng rất hay trong trường hợp bị chướng khí nghịch làm khó thở, hen suyễn thở dốc và bệnh đang nguy phát, có những cơn nấc không dứt được. Một điểm lưu ý là người có chứng âm hư hỏa vượng (người đang sốt, khô gầy) thì tuyệt đối không được dùng trầm. Ngoài tác dụng trên, trầm hương còn chế ra hàng mỹ phẩm săn sóc da, nước hoa, xà phòng… Thị trường tiêu thụ trầm mạnh nhất là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Những năm trước đây, nhiều cơ sở sản xuất trầm cảnh ở Trung Phước tiêu thụ sản phẩm qua con đường trung gian, giá trị đạt thấp hơn so với trực tiếp. Bây giờ nhiều cơ sở sản xuất ra loại trầm cảnh cao cấp, thông qua nhiều kênh thông tin mà các chủ cơ sở này biết được các hội chợ quốc tế tại Trung Quốc, thế là sản phẩm được bán tận gốc hoặc ký kết hợp đồng không qua trung gian. Theo ước tính, doanh thu hằng năm của làng trầm cảnh Trung Phước đạt khoảng 10 tỷ đồng - con số không nhỏ đối với một làng nghề tự phát. Để tạo bước phát triển bền vững cho làng nghề trầm cảnh Trung Phước, năm 2010 huyện Nông Sơn quy hoạch cụm công nghiệp - thương mại - dịch vụ với diện tích 30ha, trong đó ưu tiên phát triển nghề trầm cảnh, đồng thời tiến hành làm thủ tục đăng ký thương hiệu cho sản phẩm làng trầm cảnh. Ông Huỳnh Tấn Triều - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết: “Huyện sẽ quan tâm thích đáng với nghề trầm cảnh, tạo thành thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương và giúp nâng cao thu nhập cho người dân”.

VŨ CHÁNH LÂM

VŨ CHÁNH LÂM