Thăng Bình tái cơ cấu ngành nông nghiệp
UBND huyện Thăng Bình vừa ban hành kế hoạch hành động để thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Mục tiêu chung của kế hoạch là chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ phân tán sang tập trung, nâng cao chất lượng, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
Ưu tiên cánh đồng mẫu
Đến cuối năm 2013, huyện Thăng Bình đã triển khai dồn điền đổi thửa được 5.839ha. Đó là cơ sở để huyện xây dựng được các cánh đồng mẫu ở các địa phương. Tại buổi tọa đàm bàn kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa qua, các đại biểu đều tán thành chủ trương hình thành 33 cánh đồng mẫu trên địa bàn với thời gian thực hiện từ nay đến năm 2020. Huyện thống nhất ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trên đồng ruộng bằng hình thức kiên cố hóa giao thông và thủy lợi nội đồng. Điểm nhấn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp là quy hoạch sản xuất tập trung chuyên canh cho từng loại cây trồng. Cụ thể, sản xuất cánh đồng mẫu đậu phụng tại xã Bình Nam, Bình Quý; cánh đồng bắp ở xã Bình Chánh, Bình Định Nam, Bình Trung, Bình Nguyên; rau an toàn ở Bình Sa, Bình Triều, thị trấn Hà Lam; cánh đồng nếp Hương Bầu ở Bình Giang, Bình Định Nam; cánh đồng lúa chất lượng cao ở thị trấn Hà Lam.
Huyện Thăng Bình ưu tiên hình thành các mô hình chăn nuôi tập trung.Ảnh: N.Q.V |
Buổi tọa đàm đã thống nhất nhiều giải pháp để triển khai thực hiện. Theo đó, đối với lúa nước, huyện sẽ áp dụng chương trình 3 giảm 3 tăng và sử dụng công cụ sạ hàng. Đi đôi với tăng cường quản lý kiểm soát sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”, địa phương sẽ nâng cao đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Hương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong quá trình sản xuất. Trong quy hoạch lại các diện tích cây trồng, cần ưu tiên các vùng chuyên canh, đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại giá trị sản xuất cao. Về thủy lợi, cần huy động mọi nguồn nước từ các hồ tưới tự chảy như Phú Ninh, hồ Cao Ngạn, Phước Hà, Đông Tiển. “Cùng với tận dụng nguồn nước ở các khe suối hồ đập, cần xây dựng thêm các công trình thủy lợi hóa đất màu để khai thác triệt để nguồn nước phục vụ tưới cho cây trồng. Huyện cần nạo vét, tu sửa kênh mương để tiết kiệm nước, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển” - ông Hương nói.
Chăn nuôi tập trung
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình là đến năm 2015 tổng giá trị ngành nông nghiệp đạt mức 1.928 tỷ đồng (theo giá cố định 2010). Trong đó, ngành trồng trọt 730,6 tỷ đồng, chăn nuôi 661,3 tỷ đồng, thủy sản 504,7 tỷ đồng, lâm nghiệp 31,3 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng giá trị ngành nông nghiệp đạt mức 2.306,1 tỷ đồng. |
Thời gian qua, trong lĩnh vực chăn nuôi, Thăng Bình đã coi trọng quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, khu giết mổ tập trung. Mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung tăng lên đã từng bước giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ nay đến năm 2020, một mặt huyện vẫn duy trì chăn nuôi tại các hộ nhưng mặt khác sẽ chú trọng quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, tổ chức chăn nuôi gia trại và trang trại tập trung. Để từng bước thực hiện điều đó, Thăng Bình kêu gọi các doanh nghiệp, các chủ trang trại có đủ nguồn lực để chăn nuôi quy mô lớn ở các điểm quy hoạch tập trung chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi bò vỗ béo, heo, gà... Đến thời điểm này, công tác quy hoạch vùng chăn nuôi đã được xác lập. Theo đó, tại vùng đông của huyện, tập trung chăn nuôi heo nái sinh sản tạo sản phẩm heo sữa, gà vịt, chăn nuôi bò nhốt thâm canh. Tại vùng trung, Thăng Bình đầu tư phát triển chăn nuôi heo thịt hướng nạc, nuôi bò nhốt thâm canh vỗ béo, nuôi trâu, gà siêu trứng, siêu thịt với quy mô gia trại. Còn tại vùng tây của huyện là phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt ở trang trại với quy mô đàn từ 50 con trở lên...
Ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng để tổ chức chăn nuôi tập trung, huyện thống nhất triển khai đồng bộ các giải pháp về giống, thức ăn, thú y và nhất là chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển. Hàng năm, huyện hỗ trợ kinh phí để mua bò đực giống và có kế hoạch hoán đổi trâu đực giống ở các địa phương để tránh đồng huyết. Đối với giống heo, trên cơ sở nuôi thành công heo nái Móng Cái, Thăng Bình đầu tư thực hiện phục tráng, chọn lọc lại đàn nái tốt, cung cấp con giống tại chỗ cho người chăn nuôi. “Kết hợp các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh đã ban hành, Thăng Bình sẽ dành một phần ngân sách để hỗ trợ người chăn nuôi mua con giống, dụng cụ thụ tinh nhân tạo. Ngoài nguồn vắc xin được Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế, huyện sẽ hỗ trợ các nông hộ mua vắc xin để tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm. Cùng với đó, Thăng Bình sẽ hỗ trợ kinh phí xây dựng lò giết mổ đảm bảo vệ sinh môi trường” - ông Vỹ cho biết.
NGUYỄN QUANG VIỆT