Nghĩa vụ thuế dưới góc nhìn doanh nghiệp
Tất cả doanh nghiệp (DN) đều muốn cơ quan thuế hỗ trợ để DN thực hiện nghĩa vụ của mình với Nhà nước, cũng là cách để định danh thương hiệu, uy tín trên thương trường…
Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Nam:
“Chính sách thuế phức tạp”
Kê khai thuế đầy đủ, đúng hạn là trách nhiệm tự giác của DN. Khi minh bạch tài chính, thuế, thực hiện tốt chất lượng, năng suất sản phẩm, an sinh xã hội thì uy tín, thương hiệu DN sẽ gia tăng. Quan điểm của DN là chủ động nộp thuế, nhưng nhiều trường hợp do chính sách thuế phức tạp, văn bản thuế như “ma trận” nên DN gặp khó. Cụ thể, ngành thuế cho rằng máy ATM như một hoạt động tín dụng nên không được khấu trừ thuế ATM, trong khi trên thực tế, 97% ATM là phục vụ dịch vụ, 3% mới như thẻ tín dụng. Không ai dại gì dùng thẻ tín dụng rút tiền (mất 4%/lần rút) mà chủ yếu thanh toán qua các đơn vị chấp nhận thẻ. Vì vậy, ngành thuế cần xem xét lại vấn đề này.
DN chậm nộp thuế, chây ì thì bị phạt là đúng, nhưng không phải DN nào cũng giống nhau. DN đã phàn nàn rất nhiều về điều này nên cơ quan thuế cần tính toán lại bởi chế tài phạt chậm nộp quá cao, không khác gì như cho vay nặng lãi (18 - 20%), trong khi các văn bản và quá trình “hiểu biết” về chính sách thuế còn chưa ăn khớp, đã vô tình đẩy DN vào thế khó.
Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ:
“Từ phải nộp chuyển sang được nộp thuế”
Siêu thị luôn khẳng định vai trò then chốt trong việc tham gia bình ổn giá thị trường, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng, tham gia tích cực và vận động người tiêu dùng hưởng ứng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Siêu thị tự hào với mục tiêu chất lượng, tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam và mọi quy định về kiểm soát chất lượng, trong đó có việc thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế đúng và đủ. Chúng tôi công khai tất cả khoản thu và doanh thu bằng các phần mềm bán hàng đúng quy chuẩn, thể hiện cụ thể mức thuế giá trị gia tăng cho từng hóa đơn bán hàng hằng ngày.
Ngành thuế đã có những bước tiến đáng kể trong cải cách thủ tục hành chính như kê khai thuế, thực hiện quy trình “một cửa”, hóa đơn tự in. Điều đó đã mang lại lợi ích thiết thực, giúp DN chủ động quảng bá thương hiệu. Siêu thị xác định thành công của DN luôn gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ nhà nước. Sản xuất kinh doanh phải có nghĩa vụ nộp thuế, từ chỗ coi “phải” nộp thuế chuyển sang “được” nộp thuế. Đó cũng là chỉ dấu sức khỏe lành mạnh về tài chính và năng lực sản xuất, kinh doanh của DN.
Ông Phan Công Huê - Kế toán trưởng Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn:
“Điều chỉnh giá điện sẽ đóng góp vào ngân sách ngày càng tăng”
Geruco Sông Côn đã được hỗ trợ tận tình và nhanh chóng khi có vướng mắc liên quan đến các chế độ, chính sách thuế. DN luôn tôn trọng chính sách, pháp luật thuế nên công tác kê khai nộp thuế đầy đủ, kịp thời không để tồn đọng thuế, tạo dựng văn hóa và nâng uy tín DN trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, hiện tại, sự biến động tăng giá vật tư, nhân công đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh và trả nợ vốn vay dài hạn. Giá bán điện thấp chưa được điều chỉnh, thị trường phát điện cạnh tranh đã vận hành từ tháng 7.2012, nhưng đến nay vẫn chưa minh bạch, chưa công khai trong mọi hoạt động của ngành điện, tiền bán điện thu được chậm so với hợp đồng. Thời gian kê khai nộp thuế chậm nhất là ngày 20 đầu tháng sau nhưng thời gian thu tiền bán điện từ EVN sớm nhất là 30 ngày, có tháng trên 60 ngày chưa thanh toán được tiền bán điện nên DN phải đi vay để nộp thuế, gây khó khăn cho DN. Nếu nhà nước điều chỉnh giá điện, thị trường phát điện minh bạch hơn thì việc đóng thuế cho ngân sách nhà nước sẽ ngày càng gia tăng.
Bà Nguyễn Thị Như Nguyệt - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP May Trường Giang:
“Nên miễn, giảm, giãn thuế cho DN”
DN đã được cơ quan thuế giúp đỡ rất nhiều trong việc kê khai thuế thông qua một phần mềm hỗ trợ. Nhưng DN luôn đứng trước một “rừng” văn bản về chính sách thuế, thay đổi liên tục nên đã gặp không ít khó khăn. Sản xuất kinh doanh ngày càng khó đạt được tăng trưởng cao, doanh thu tăng ít vì đã đến lúc thị trường bão hòa, nhưng nộp thuế vẫn là nghĩa vụ quan trọng của DN. Càng rõ ràng, minh bạch thuế bao nhiêu càng thuận lợi cho DN. Hiện tại, chi phí cao nên hiệu quả sản xuất sẽ không cao. Với những DN lành mạnh về tài chính thì không bị áp lực nộp thuế, còn những DN gặp khó khăn thì đó là điều hết sức nan giải. Nếu được miễn, giảm, giãn hoặc gia hạn thuế thì DN sẽ có nguồn vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn, giảm bớt áp lực vay ngân hàng, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ông Trịnh Quốc Dũng - Trung tá, Phó Giám đốc nội chính Viettel Quảng Nam:
“Ứng dụng công nghệ thông tin kê khai thuế”
Cơ hội kinh doanh ngày càng gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ. Nhưng chi nhánh đã luôn chấp hành nghiêm các chính sách, pháp luật thuế, kê khai và nộp thuế đầy đủ, kịp thời, không để tình trạng nợ đọng thuế. Viettel đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kê khai thuế và đang cung cấp sản phẩm Viettel CA phục vụ cho công tác kê khai thuế qua mạng (Vtax). Nghĩa vụ thuế được Viettel đặt lên hàng đầu nên dù trước đây, việc nộp thuế tại Hà Nội, nhưng chi nhánh đã yêu cầu nộp thuế tại địa phương. Hàng tháng báo cáo nếu không nộp đầy đủ, kịp thời thì người được giao nhiệm vụ sẽ bị xử lý kỷ luật nên chi nhánh luôn lọt vào danh sách những “người” nộp thuế kịp thời và đầy đủ. Tuy nhiên, hiện việc trao đổi và cập nhật thông tin, chính sách mới từ cơ quan thuế đến DN vẫn còn chậm nên Cục Thuế Quảng Nam cần triển khai rộng rãi việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kê khai thuế về các chi cục, nhằm tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí cho DN.
NAM KHA