Một cửa… chưa thông

TÙY PHONG 25/06/2014 10:29

Tiếp nhận và xử lý 21 bộ hồ sơ của nhà đầu tư trong vòng 6 tháng qua được xem là thành công bước đầu của cơ chế “một cửa liên thông” (có hiệu lực từ ngày 1.1.2014). Song việc vận hành đến mức thông thoáng cao nhất của cơ chế này nhằm cải thiện, xác lập môi trường đầu tư hấp dẫn của riêng Quảng Nam vẫn là chuyện không dễ dàng.

Khởi động cơ chế

Chiều 23.6, hai gian phòng “một cửa liên thông” thuộc Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam vắng vẻ, không có bóng dáng  nhà đầu tư nào đến nộp hồ sơ hay làm thủ tục đầu tư. Nhân viên văn phòng nói “một cửa liên thông” không quyết định được mỗi ngày sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư đến làm việc. Số lượng nhiều hay ít, đông hay vắng tùy thuộc vào dự án đầu tư được xúc tiến, nhưng hiện tại, Quảng Nam đang rất thiếu các nhà đầu tư đến để xúc tiến dự án. Theo thống kê của cơ quan này, đến cuối tháng 5.2014, Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh đã tiếp nhận 21 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư. Nhiều nhất là các hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, thỏa thuận địa điểm, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, xin cấp giấy phép xây dựng và xin giao, thuê đất. Hiện đã có 6 hồ sơ của nhà đầu tư được giải quyết xong, 13 hồ sơ đang trong quá trình thẩm định và 2 hồ sơ thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường buộc phải bác bỏ, trả lại cho nhà đầu tư vì không thực hiện đúng quy định.

Nhà đầu tư sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận các thủ tục đầu tư tại Quảng Nam nhờ cơ chế “một cửa liên thông”. Ảnh: T.PHONG
Nhà đầu tư sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận các thủ tục đầu tư tại Quảng Nam nhờ cơ chế “một cửa liên thông”. Ảnh: T.PHONG

Ông Võ Văn Hùng - Phó trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh nói hiện tại các cơ chế ưu đãi gần như ngang nhau giữa các địa phương thì thái độ, cách hành xử tốt sẽ ảnh hưởng đến quyết định chọn địa điểm đầu tư của giới doanh nghiệp. Sáu tháng qua, mới chỉ là giai đoạn khởi động cơ chế “một cửa liên thông” nhưng sự phối hợp trong việc tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ giữa các sở, ban ngành đã có hướng thuận lợi. Số lượng hồ sơ và số thủ tục đã tăng lên từng tháng. Nếu quý I.2014, chỉ có 9 hồ sơ, 4/9 thủ tục thì đến quý II.2014 đã có 12 hồ sơ và 6/9 thủ tục tiếp nhận qua “một cửa liên thông”. Nhiều nhà đầu tư nói nhờ cơ chế này, họ không còn phải phân vân hay khó xử trước một rừng văn bản, ít dần cảnh phải loay hoay “lội qua” nhiều cửa, mà chưa biết đâu là cánh cửa cuối cùng cho một giấy phép hay thủ tục để tiến hành suôn sẻ một dự án đầu tư.

Khó vận hành cơ chế

Cơ chế “một cửa liên thông” bao gồm 9 thủ tục: thông báo thỏa thuận, giới thiệu địa điểm dự án; đăng ký thành lập doanh nghiệp; thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng; đăng ký, thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; góp ý thiết kế cơ sở; giao đất, cho thuê đất; cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tiếp nhận và xử lý 21 hồ sơ đầu tư trong vòng 6 tháng qua được xem là thành công của giai đoạn khởi động, thử nghiệm cơ chế “một cửa liên thông” trong khi nguồn lực đầu tư về nhân sự, hạ tầng cải cách vẫn còn hạn hẹp. Nhưng để cơ chế này vận hành suôn sẻ đến mức thông thoáng cao nhất vẫn là chuyện không dễ dàng. Không ít nhà đầu tư cho rằng dù Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện cơ chế, nhưng cơ quan này không thể toàn quyền quyết định. Họ cũng chỉ là nơi tiếp nhận và “trung chuyển” hồ sơ, thủ tục đầu tư đến sở, ban ngành chủ trì giải quyết thủ tục và trả kết quả cho nhà đầu tư. Liệu sự thông thoáng có được mở hay vẫn là sự lòng vòng vì thiếu sự hợp tác giữa các sở, ban ngành, địa phương và các cơ quan quản lý như thường thấy lâu nay? Đây là khó khăn đầu tiên khi sơ kết 6 tháng. Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh cũng thừa nhận cơ chế “một cửa liên thông” vẫn chưa thông. Hiện vẫn có nhiều nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tiếp tại các sở chuyên môn, không qua bộ phận “một cửa liên thông”. Thời gian giải quyết thủ tục chưa bảo đảm đúng như yêu cầu của cơ chế này. Cụ thể, có 5/6 hồ sơ đã phải trả kết quả đều chậm so với quy định từ 3 - 5 ngày; 7 hồ sơ chậm tiến độ. Nguyên nhân được tính đến là ngoài chất lượng hồ sơ không bảo đảm yêu cầu, buộc phải sửa đổi bổ sung, có hồ sơ vướng quy hoạch phải xin ý kiến cấp trên thì cũng còn quá nhiều hồ sơ gần đến hạn trả kết quả theo quy định thì sở chủ trì mới có văn bản yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ, nên “một cửa liên thông” không thể giải quyết đúng thời hạn.

Trên thực tế, nhà đầu tư rất muốn nhìn thấy rõ ràng sự thay đổi về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư. Quy chế “một cửa liên thông” ra đời dường như đã đáp ứng được “yêu cầu” của doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu từng nói rằng cơ chế này là một thử nghiệm để tiếp cận, chia sẻ khó khăn cùng giới đầu tư nên cần có sự đồng thuận giữa các sở, ban ngành, địa phương và luôn cải cách để tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư đến Quảng Nam. Sáu tháng qua, chưa thể kết luận cuộc thử nghiệm này thành công hay thất bại trước những khó khăn như đã đề cập. Tuy nhiên, một điều dễ hiểu là việc ban hành một văn bản thì dễ nhưng thực thi sẽ vẫn là bước đi còn gian nan hơn. Một chủ trương đúng sẽ rất cần đến những con người thừa hành toàn tâm, đủ năng lực vì đại cuộc hơn là lợi ích của một ngành hay địa phương. Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh cho biết sắp tới sẽ đánh giá hiệu lực và năng lực thừa hành cơ chế. Cơ quan này một lần nữa kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư trên địa bàn nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, góp phần thu hút đầu tư vào Quảng Nam.

TÙY PHONG

TÙY PHONG