Tạo động lực phát triển kinh tế rừng
Những năm gần đây, phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu ở Quảng Nam đã tạo động lực cho cả hai ngành công nghiệp và nông lâm nghiệp phát triển theo hướng ổn định và bền vững.
Mở rộng vùng nguyên liệu
Là một tỉnh có tiềm năng về tài nguyên rừng và đất rừng, Quảng Nam có cả lợi thế về gỗ rừng tự nhiên và nguyên liệu gỗ rừng trồng đa dạng. Những năm gần đây, với sự hỗ trợ từ các chương trình trồng rừng của Chính phủ và các tổ chức quốc tế nên diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng tăng trưởng đáng kể. Nhờ vậy, độ che phủ rừng của Quảng Nam đã được nâng cao, đạt xấp xỉ 49%, là một trong những tỉnh, thành có độ che phủ rừng chiếm khá cao. Những năm qua Quảng Nam đã tiến hành quy hoạch và hình thành những vùng rừng kinh tế tập trung trồng cây nguyên liệu cao su, keo lai... ở các huyện miền núi, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ phát triển. Tính đến nay, riêng diện tích trồng cây cao su, keo lai trên địa bàn của tỉnh đã lên đến 28.500ha (cây cao su 10.000ha, keo lai 18.500ha). Cây cao su, keo lai hoàn toàn thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện tự nhiên và ngày càng được mở rộng lên các vùng rừng núi phía tây của tỉnh.
Quảng Nam được xem vùng nguyên liệu mây dồi dào nhưng thời gian do khai thác và cung cấp nguyên liệu thô nên chưa mang lại kinh tế cao. |
Sau hơn 10 năm tập trung đầu tư rừng trồng, hình thành các vùng nguyên liệu, nhiều làng quê nghèo thuộc Hiệp Đức, Nam Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Núi Thành, Tiên Phước... trở nên sôi động bởi bạt ngàn rừng cây cao su, keo lai đang cho giá trị kinh tế cao. Việc hình thành các vùng rừng nguyên liệu tập trung đã tạo động lực cho nhiều công ty ươm giống, các nhà máy chế biến mủ, lâm sản ra đời, giải quyết nhiều lao động địa phương. Cùng với Nhà máy chế biến mủ cao su Sông Trà do Tập đoàn Cao su Việt Nam đầu tư với công suất 1.000 tấn/năm, gần đây nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến gỗ có quy mô lớn đã đầu tư ở nhiều huyện miền núi, tạo đột phá trong phát triển kinh tế rừng. Từ nhà máy băm dăm gỗ đầu tiên ở Quảng Nam được xây dựng ở Chu Lai của Công ty TNHH SX-TM&DV Nam Chu Lai, đến nay toàn tỉnh có đến 15 cơ sở chế biến băm dăm gỗ với quy mô lớn ra đời ở nhiều huyện miền núi.
Theo số liệu của Sở Công Thương, hiện nay ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy và lâm sản đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 35 nghìn lao động, chiếm trên 22% tổng số lao động tham gia sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp toàn tỉnh với các loại sản phẩm chính là gỗ xẻ, đồ gỗ (dân dụng, xây dựng), hàng cói, hàng mây tre đan, sơn mài, tre nứa ghép, nguyên liệu giấy... Trong đó, các sản phẩm từ mây tre đan, cói và đồ gỗ mỹ nghệ có thế mạnh về xuất khẩu. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp về gỗ 6 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 1,3 triệu USD (tăng 314% so với cùng kỳ năm trước).
Đầu tư chế biến sâu
Mặc dù có một nguồn tài nguyên rừng phong phú, số lượng các doanh nghiệp chế biến gỗ tăng nhanh qua các năm, nhưng ngành công nghiệp chế biến lâm sản ở Quảng Nam vẫn còn điểm “nghẽn”. Số lượng cơ sở chế biến trên địa bàn khá nhiều, song cơ sở chế biến sâu, chế biến gỗ cao cấp còn rất hạn chế. Các sản phẩm từ gỗ như đồ mộc, gỗ xẻ, ván gỗ nhân tạo chưa có thương hiệu, chưa đáp ứng chất lượng theo nhu cầu của thị trường. Riêng nguyên liệu dăm gỗ, trung bình mỗi năm sản xuất đạt trên 120 nghìn tấn nhưng chủ yếu để xuất khẩu chứ chưa chế biến sâu như sản xuất ván sợi, giấy, sản phẩm cao cấp… Phần lớn các loại gỗ rừng trồng đều sử dụng cho sản xuất dăm gỗ sẽ gây lãng phí tài nguyên, giảm giá trị nguyên liệu gỗ, thu nhập của người trồng rừng thấp, tính bền vững của rừng trồng giảm. Xét về tổng thể cơ cấu ngành nghề trong công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh cho thấy chưa thể hiện sự gắn kết hữu cơ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chế biến liên tục gỗ rừng trồng. Sản phẩm của doanh nghiệp này chưa là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp tiếp theo.
Khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã khuyến cáo các địa phương hạn chế thu hút đầu tư các dự án chế biến lâm sản mà chỉ dừng lại ở chế biến băm dăm gỗ; ưu tiên khuyến khích, có cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ đầu tư các dự án chế biến sâu về lâm sản. Hiện nay, Quảng Nam đang tạo mọi điều kiện cho Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam triển khai xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam tại xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức. Mới đây, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam với quy mô hơn 11ha. Nhà máy này chuyên sản xuất các sản phẩm từ tre, gỗ với công suất 200.000m3 sản phẩm/năm. Giai đoạn 1 (từ nay đến hết tháng 6/2015), Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam sẽ đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất sản phẩm gỗ MDF công suất 80.000 m3/năm trong năm 2015 và sẽ triển khai đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm ván thanh công suất 40.000m3/năm trong năm 2015. Đây được xem là dự án động lực, được đầu tư sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần giải quyết lợi ích hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp vì mục đích phát triển kinh tế theo hướng ổn định và bền vững.
TRUNG LỘ