Sang Nam Lào đầu tư, không chỉ là kinh tế
Con đường 14D xuyên qua cao nguyên Boloven đến Pakse (Champasak) đã mở ra sinh lộ kinh tế. Vùng đất ấy có thể là “tiền đồn” cho cuộc liên vận hàng hóa quốc tế vào Thái Lan và “hậu phương” cho những chuyến hải hành trên Thái Bình Dương. Liệu đã có bao nhiêu doanh nghiệp (DN) Quảng Nam biết chọn chỗ đầu tư trong tư cách láng giềng trước khi cuộc cạnh tranh dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong tương lai?
Thiếu dự án, giao thương nhỏ lẻ
Cửa khẩu quốc gia Nam Giang – Đắc Tà Oóc giữa Quảng Nam và Sê Kông chính thức được mở vào đầu năm 2006. Chính quyền các tỉnh Nam Lào xác định mục tiêu phát triển con đường xuyên Boloven nối 14D của Quảng Nam với sức hấp dẫn đặc biệt. Nhưng, đã 8 năm đi qua, giao thương qua cửa khẩu này cũng chỉ là những chuyến xe chở đầy máy móc, thiết bị, vật tư sang Lào để xây dựng thủy điện Sekaman 3 và nhập khẩu gỗ, nguyên liệu kính về Quảng Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu mỗi năm tăng dần nhưng không quá 27,8 triệu USD. Chính quyền các tỉnh Nam Lào rất nóng lòng, đưa ra nhiều ưu đãi để nhờ ngoại lực khai phóng tiềm năng vùng đất này. Họ rất ngạc nhiên khi nhiều DN tại Quảng Ngãi, Bình Định, TP.Hồ Chí Minh… đã nhanh chóng xúc tiến nhiều dự án đầu tư như trồng rừng, khai thác khoáng sản tại Sê Kông, Attapeu, Salavan… nhưng DN Quảng Nam với tư cách láng giềng quan hệ tốt đẹp nhiều năm lẫn sự quan tâm, động viên từ hai phía, lại không mấy “mặn mà”.
Con đường sang Nam Lào vẫn đang chờ đợi khai thông. Ảnh: N.K |
Theo thống kê của Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, các DN Việt đã đầu tư tại 4 tỉnh Nam Lào khoảng 1,7 tỷ USD, lớn nhất là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chiếm hơn 90% vốn đầu tư. Riêng Quảng Nam, một hợp đồng trồng cà phê và khai thác vận chuyển gỗ rừng tự nhiên tại Champasak từ năm 1999 của Công ty Nông lâm sản Thu Bồn và hợp đồng mua nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên, tinh chế sản phẩm xuất khẩu của Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam hoặc hợp tác chế biến lâm sản của Lâm trường Trà My được xem là những “dự án kinh tế” đầu tiên của DN Quảng Nam với Nam Lào. Nhưng tất cả DN này đều dừng lại ở những cuộc hợp tác mua bán, không có dự án đầu tư nào cụ thể. Sự có mặt của vài dự án thuộc Công ty TNHH Tân Nghĩa Sơn, Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam hay một văn bản thỏa thuận xúc tiến đầu tư dự án trồng rừng và chế biến gỗ xuất khẩu tại Sê Kông và Attapeu trên diện tích 30.000ha, với tổng vốn đầu tư trên 10 triệu USD, cũng chỉ mới giai đoạn khởi sự. Dẫn chứng trên cho thấy các đầu tư này cũng còn quá ít ỏi so với tiềm lực kinh tế của không ít DN Quảng Nam. Nhiều DN lý giải cho sự “chần chừ” này vì hiện thiếu một con đường giao thương thuận lợi lên Nam Lào!
Cơ hội đầu tư
Cao nguyên Boloven bazan màu mỡ, khí hậu ôn đới, chiếm phần lớn diện tích Nam Lào. Vùng đất từng mệnh danh là mái nhà Đông Dương, giàu tiềm năng thủy điện, khá nổi tiếng về du lịch trong giới lữ hành phương Tây này hiện vẫn còn nghèo và đang được các nhà đầu tư quốc tế “dòm ngó”. DN Nhật Bản, Trung Quốc “xí phần” khá lớn về các dự án đầu tư thủy điện, trồng, khai thác rừng. Còn các DN Việt Nam khai thác gỗ, trồng cao su. Tại các cuộc gặp gỡ gần đây, Bí thư, Tỉnh trưởng Sê Kông Khăm Phởi Bút Đa Viêng cho biết sẽ ưu tiên quỹ đất và các điều kiện khác, sẵn sàng hợp tác đến mức thông thoáng nhất để DN Quảng Nam đầu tư vùng nguyên liệu cây công nghiệp, cây lương thực có giá trị đầu tư cao hoặc đầu tư thủy điện, khai khoáng, khai thác chế biến gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ… Chính quyền cũng cam kết con đường 125km từ bản Phồn (thủ phủ Sê Kông) sẽ hoàn tất trong nay mai. Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Lào Nguyễn Quang Tính nói Tổng lãnh sự quán sẽ là chiếc cầu nối để các DN Việt Nam sang tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trên đất Lào. Sự cam kết này chính là cơ hội cho DN Quảng Nam với tư cách láng giềng sẽ gặp khá nhiều thuận lợi khi quyết định đầu tư.
Con đường dài 125km từ bản Phồn đến Nam Giang sớm muộn gì cũng sẽ được khai mở. Có thể hình dung, chỉ cần vài chục cây số đường từ cửa khẩu Nam Giang là đã gặp chân cao nguyên Boloven. Vùng đất màu mỡ này có đủ điều kiện để tiếp nối với các vùng kinh tế khác, thực sự là lý tưởng cho việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp và du lịch. Đây là những lĩnh vực mà nhiều DN Quảng Nam có đủ kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế đầu tư. Một khi con đường huyết mạch gần nhất đến biển Đông khai thông, chắc chắn sẽ nổ ra những cuộc cạnh tranh đầu tư khốc liệt, không chỉ các DN Đông Nam Á mà các doanh nghiệp Âu, Mỹ…cũng sẽ không thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư. Không gian kinh tế không còn bị đóng khung giữa ranh giới địa phương chật hẹp sẽ kéo các nhà đầu tư đổ bộ mạnh mẽ hơn trước. Một câu hỏi đặt ra rằng DN Quảng Nam có đủ sức để vượt qua sức ép cạnh tranh quá lớn từ các nhà đầu tư giàu tiềm lực tài chính, trong khi hiện tại có khá nhiều ưu đãi, lợi thế để tiến hành những cuộc xúc tiến đầu tư với tư cách một người láng giềng gần gũi nhất. Nếu không muốn trở thành kẻ chậm chân trong mai hậu, việc xúc tiến, tìm hiểu cơ hội đầu tư trước khi cao nguyên này được khai phóng sẽ là điều cần thiết. Liệu có bao nhiêu người có đủ “tầm nhìn xa trông rộng” để thấy Boloven chính là “tiền đồn” cho những chuyến liên vận hàng hóa quốc tế lên tận vùng Đông Bắc Thái Lan và là “hậu phương” vững chắc cho những chuyến hải hành dọc ngang trên Thái Bình Dương, lên tận Đông Bắc Á, xuyên Ấn Độ Dương trong tương lai? Lúc ấy, sang Nam Lào đầu tư sẽ không chỉ là chuyện kinh tế!
NAM KHA