Động lực mới

TRỊNH DŨNG 16/06/2014 12:33

Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo lập kết cấu hạ tầng, chia sẻ sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước và quản lý rủi ro thiên tai trong liên kết vùng chính là khởi sự cho việc đưa vùng duyên hải miền Trung thành khu vực năng động, phát triển bền vững.

Nghèo trên “đống tài nguyên”

Miền Trung giàu hay nghèo? Câu hỏi này vẫn luôn đặt lên bàn nghị sự nhiều diễn đàn tại vùng duyên hải miền Trung lâu nay, từ xúc tiến đầu tư hay các liên kết phát triển. Những cuộc tranh luận đều đi đến một cái nhìn là miền Trung “rất giàu” bởi nguồn tài nguyên quá sức dồi dào, không thua kém gì với các miền đất khác. Về vị trí địa lý, miền Trung là mặt tiền của Đông Nam Á, nằm trên đường trung chuyển Đông - Tây, lợi thế để khai thác dịch vụ cảng biển. Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư phân tích, miền Trung đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, trở thành khu vực năng động, một địa chỉ hấp dẫn để mở những cuộc làm ăn lớn. Nhưng sao miền Trung đến nay vẫn nghèo, vẫn là khu vực chậm phát triển so với hai đầu đất nước? Câu hỏi khá bức xúc, đầy nỗi niềm này không chỉ của riêng hàng triệu người dân trong vùng!

Lãnh đạo các cơ quan quản lý và nhà đầu tư trao đổi về phát triển miền Trung.Ảnh: T.DŨNG
Lãnh đạo các cơ quan quản lý và nhà đầu tư trao đổi về phát triển miền Trung.Ảnh: T.DŨNG

Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch – đầu tư) Bùi Tất Thắng cho rằng 9 tỉnh, thành vùng duyên hải miền Trung giống nhau nhiều điểm. Từ tự nhiên, nhân lực, vốn và cả cơ cấu kinh tế. Sự nỗ lực riêng lẻ của từng địa phương suốt mấy chục năm qua tuy có mang nhiều kết quả nhưng thiếu sự liên kết, tổng thể thế mạnh tự nhiên của vùng vẫn ở dạng tiềm năng, nguồn lực đầu tư bị phân tán. Thống kê của Bộ Kế hoạch - đầu tư cho thấy trừ Đà Nẵng, GDP bình quân đầu người của các tỉnh trong vùng chỉ đạt khoảng 55 - 60% mức bình quân cả nước. Hiện trong vùng có đến 7 khu kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch và lọc hóa dầu (chiếm 80%). Mặc dù tỷ trọng phi nông nghiệp tương đối cao nhưng quy mô các ngành lĩnh vực này còn chưa đủ lớn. Kết quả giảm nghèo cũng luôn gặp khó khăn. Ngoại trừ  Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, hầu hết các tỉnh đều còn tỷ lệ nghèo trên 13%, cao nhất là Hà Tĩnh lên tới trên 20,7%.

Câu trả lời dường như đã bắt đầu được tìm thấy tại diễn đàn “Phát triển bền vững vùng duyên hải miền Trung” khi Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, các định chế tài chính, chính quyền các tỉnh vùng duyên hải miền Trung đều cho rằng bởi nguồn lực đầu tư hạn chế (chỉ có khoảng 40 - 50% nhu cầu), địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra và sự thiếu nước ngọt là những khó khăn lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vùng duyên hải miền Trung.

Liên kết để phát triển

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, một trong những tổ chức tài chính hỗ trợ hàng đầu cho vùng duyên hải miền Trung cho rằng sự hình thành các “trục phát triển” đã kết nối được những khu vực lân cận, song sự kết nối đó chưa mạnh mẽ. Việc quản lý tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa có sự thống nhất và khoa học mà chỉ quản lý dựa vào địa giới hành chính.

“Khu vực miền Trung cần có cách tiếp cận theo vùng, hình thành một cơ chế cho khu vực trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, liên kết phát triển, nhất là cảng biển, sân bay, du lịch. Điều này sẽ giúp cả khu vực cùng dùng chung các nguồn lực để phát triển, phát huy tối đa đồng vốn đầu tư trong bối cảnh tài chính hạn hẹp”.
(Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)

Không phải là chuyện xác định “nhạc trưởng” cho phát triển kinh tế mà chính là xác định thứ tự ưu tiên đầu tư cho sự sống còn của miền Trung tại diễn đàn phát triển bền vững đầu tiên tại miền Trung đã buộc các giới chức chính quyền quyết định ra một “Tuyên bố chung Hội An”. Dự báo với sự liên kết này sẽ giúp vùng huy động được nguồn lực nội vùng để giải quyết các vấn đề cản trở sự phát triển chung, nhất là liên kết, kết nối các khu công nghiệp bằng hệ thống cảng biển để phát triển giao thương, vận tải, du lịch và quy hoạch đầu tư hạ tầng, cùng xử lý các vấn đề thiên tai và xóa đói giảm nghèo.

“Tuyên bố chung Hội An” sẽ khởi động cho định hướng phát triển bền vững cũng như sự cam kết của Chính phủ về môi trường pháp lý cho khu vực này.  Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vùng duyên hải miền Trung vẫn là khu vực kinh tế kém phát triển, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, lại là khu vực chịu nhiều thiên tai nặng nề, đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 1/3 so với cả nước, nhưng sự hỗ trợ, đầu tư của Chính phủ vẫn thấp hơn so với hai đầu đất nước. Vì vậy, cần kêu gọi các đối tác phát triển, nhà đầu tư tiếp tục hỗ trợ miền Trung trong việc huy động các nguồn lực tài chính khả thi cao để hoàn thiện quy hoạch, đầu tư hạ tầng.

Dân miền Trung chờ đợi “tuyên bố” này bước ra khỏi các trang giấy để nhanh chóng trở thành con đường ngắn nhất giúp phát triển bền vững.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG