Khó xử lý nợ thuế

TRỊNH DŨNG 11/06/2014 10:35

Nợ thuế khó đòi, chờ xử lý… ngày càng gia tăng, nhưng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để thu hồi nợ cho ngân sách.

Doanh nghiệp khai thác vàng gặp khó

Không ai có thể ngờ rằng Besra, trước đây được biết đến với tên gọi là Olympus Pacific Minerals là nhà đầu tư lớn nhất và đóng thuế cao nhất trong ngành khai thác vàng ở Việt Nam từ năm 1993 lại lâm vào tình cảnh khó khăn. Hai doanh nghiệp mà họ sở hữu là Công ty TNHH khai thác vàng Bông Miêu (Tam Lãnh, Phú Ninh) và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (Phước Đức, Phước Sơn) đang nợ thuế và gặp khó khăn khi chi trả các khoản nợ. Theo các công ty này, mặc dù tháng 4.2014 Bộ Tài chính đã quyết định bãi bỏ, không truy thu khoản thuế xuất khẩu 250 tỷ đồng mà Tổng cục Hải quan đã áp định, nhưng việc ấn định truy thu thuế khiến hai doanh nghiệp này gặp khó khăn trong vòng hơn một năm qua. Việc ấn định truy thu thuế cũng làm giới hạn điều kiện vay vốn của công ty với các cơ sở tín dụng.

Vàng Bông Miêu đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Vàng Bông Miêu đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Theo Cục Thuế Quảng Nam, dự toán thu năm 2014 đối với Công ty TNHH Vàng Phước Sơn là 233,2 tỷ đồng, nhưng 5 tháng đầu năm, đơn vị chỉ nộp được 9,4 tỷ đồng, mới đạt 4,03% dự toán, giảm đến 69 tỷ đồng so với các năm. Còn Công ty TNHH khai thác vàng Bông Miêu theo dự toán giao là 17,6 tỷ đồng, nhưng chưa nộp đồng thuế nào trong 5 tháng qua. Nợ thuế lớn, kéo dài và ngày càng lâm vào khó khăn hơn. Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam – ông Ngô Bốn nói, cuối năm 2012 các công ty đã nợ thuế đến 120 tỷ đồng,  tới 2014 thì số nợ tiếp tục gia tăng. Năm 2016, giấy phép đầu tư sẽ hết hiệu lực, nếu không có biện pháp xử lý thì nguy cơ các khoản nợ ấy sẽ bị bỏ lại. “UBND tỉnh cần chỉ đạo việc xử lý nợ thuế này vì tài nguyên vẫn được khai thác mà không đóng thuế. Mọi sự giải thích đều không ổn. Không thu được đồng thuế nào trong mấy tháng qua là chuyện không bình thường” - ông Bốn nói. Theo một tính toán khác thì chuyện nợ thuế của hai công ty vàng này cũng đã khiến hai huyện Phước Sơn và Phú Ninh khó khăn về ngân sách, bởi toàn bộ các khoản thu từ hai công ty này đều để lại cho các huyện sử dụng.

Tìm hướng hỗ trợ nhà đầu tư

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trên thực tế, sau khi cấp giấy phép đầu tư, cơ quan quản lý này luôn lên lịch kiểm tra định kỳ, quản lý tốt đầu tư, giúp doanh nghiệp triển khai đầu tư hiệu quả, giải quyết những vướng mắc và hàng năm đều có báo cáo kiểm toán độc lập. Nhưng không thể can thiệp sâu vào nội bộ kinh doanh lời hay lỗ của riêng công ty. Các cơ quan quản lý cũng phải thừa nhận rằng doanh nghiệp FDI đã đóng góp không nhỏ vào tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ khi khu vực này đã tăng 41,2% giá trị sản xuất hàng năm. Số thu ngân sách của doanh nghiệp FDI cũng đứng thứ hai số thu ngân sách Quảng Nam với trên 550 tỷ đồng mỗi năm. Nhìn vào kết quả xuất khẩu gần 276 triệu USD, chiếm 66% tổng giá trị và đóng góp khoảng 15% tổng thu ngân sách, có thể rút ngay kết luận về vai trò của khu vực kinh tế FDI, bất kể số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh lớn hơn khu vực FDI rất nhiều. Vì vậy, mỗi một doanh nghiệp FDI làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản sẽ vẫn là chuyện đáng tiếc.

Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, hiện đã có 31/90 doanh nghiệp FDI giấy phép còn hiệu lực tại Quảng Nam nợ thuế. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ, gặp khủng hoảng từ các công ty mẹ, và cũng không loại trừ cả việc doanh nghiệp chờ giảm thuế nên số nợ dài hạn trên 90 ngày gia tăng. Trên một diễn trình khác, một số doanh nghiệp đang chờ xử lý miễn, giảm, xóa nợ tiền thuế đất do di chuyển địa điểm và chờ xử lý bù trừ số tiền giải tỏa đền bù vào số tiền sử dụng đất, thuê đất phải nộp… đã dẫn đến tăng nợ.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay các công ty vàng có vấn đề về quản lý tài chính, chi phí và nhiều áp lực khác, nhưng tiềm năng, điều kiện sản xuất vẫn còn tốt. Họ cho biết là sẵn sàng bán cổ phần của mình ở New Zealand, Úc châu, Thụy Sĩ để tái đầu tư. Cưỡng chế là giải pháp cuối cùng bởi có quá nhiều sự chi phối về nợ nần và lao động. Vấn đề quan trọng hiện tại là tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, không chỉ hai công ty vàng này mà hầu hết doanh nghiệp đang gặp khó để nhà đầu tư phục hồi sản xuất.

Một kế hoạch kiểm tra, xác định lỗ để tư vấn cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đã được ngành thuế lên lịch tiến hành trong thời gian sớm nhất. Hy vọng sẽ không có thêm doanh nghiệp FDI nào nữa phải nhận lấy một “đoạn kết buồn” như Công ty TNHH Hội An – Okinawa cách đây vài năm…

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG