Tăng thị phần hàng Việt: Dễ mà khó!

TÙY PHONG 04/06/2014 09:15

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển thị trường nội địa gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020. Dự kiến hàng Việt Nam sẽ chiếm đến 80% thị phần vào năm 2020. Tuy nhiên, sự thành bại của chương trình này không phải chỉ do người tiêu dùng quyết định mà phụ thuộc rất nhiều vào việc thay đổi thái độ ứng xử của DN đối với thị trường nội địa và với người tiêu dùng.

Quyết định của Chính phủ đã tạo nên một hàng rào bảo vệ lẫn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Đây là điều quan trọng giúp DN Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với nhiều thương hiệu đến từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc ngay thị trường nội địa. Cuộc vận động  “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang tạo cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam trước thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng hóa bằng 0% khi Hiệp định thương mại ASEAN – Trung Quốc (ASEAN+1) sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2015. Việc ưu tiên chọn hàng Việt rõ ràng không đơn giản là một hành vi kinh tế. Ủng hộ hàng nội, bảo vệ nền sản xuất trong nước là thể hiện lòng yêu nước. Sự quay lưng với hàng sản xuất trong nước thời gian qua không hẳn do tâm lý sính ngoại, mà do DN đã đánh mất lòng tin của người tiêu dùng. Nó xuất phát từ sự thiếu tôn trọng và sự quan tâm chăm sóc khách hàng, chất lượng dịch vụ hậu mãi kém và thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết về chất lượng sản phẩm. Bởi đã có một thời gian khá dài, không ít DN chỉ xem thị trường nội địa như một nơi tiêu thụ sản phẩm loại hai hoặc hàng xuất khẩu bị lỗi.

Một điều dễ thấy và suy ngẫm rằng lòng yêu nước dù không khó để khơi dậy, nhưng không dễ để nuôi dưỡng. Không thể cổ động người dân yêu nước chỉ qua hành vi mua sắm mà còn thay đổi nhận thức về hàng hóa do DN Việt Nam sản xuất. Trong một thị trường quốc tế hầu như không còn rào cản, hàng Việt, dịch vụ Việt phải tốt hơn Trung Quốc, đẹp hơn Hàn Quốc… và giá rẻ, hợp với túi tiền của người tiêu dùng thì mới có thể thuyết phục và khơi gợi niềm tự hào của người Việt Nam. Chính sự lựa chọn của người tiêu dùng, tự nó đòi hỏi các DN phải phấn đấu cạnh tranh. Trong cuộc đua mà người tiêu dùng là giám khảo thường xuyên đó, nhiều thương hiệu có đẳng cấp đã lớn mạnh, nhiều doanh nhân trưởng thành, góp phần giảm bớt tâm lý sính dùng hàng ngoại ở người tiêu dùng. Sự can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước lúc này để hàng Việt chất lượng ra đời là điều cần thiết, nhưng tạo động lực phát triển và tạo ra một thế hệ doanh nhân mang khát vọng Đại Việt mới quan trọng hơn. Một thế hệ sẽ đưa hàng Việt không chỉ chiếm lĩnh thị phần nội địa mà còn gây tiếng vang trên thị trường quốc tế. Điều này mới chính là đích đến và định nghĩa của hàng Việt!

TÙY PHONG

TÙY PHONG