Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm 2014: Chuyển biến tích cực nhưng còn khó khăn
Lãi suất tiếp tục hạ nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn thấp cho thấy hiệu lực chính sách tiền tệ trong kích cầu hiện nay rất yếu. Việc thúc đẩy tăng trưởng, gỡ khó cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa… là những vấn đề được đem ra luận bàn nhiều nhất tại các phiên họp của chính quyền và cơ quan quản lý gần đây.
Khó khăn vẫn còn
Theo nhận định của các cơ quan quản lý, kinh tế 5 tháng qua đã có những dấu hiệu tích cực. khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn tháng trước và cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, chỉ sau một tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng từ 9% lên 11%; chỉ số hàng tồn kho giảm 16,8%... Sản lượng cây lương thực có hạt vụ đông xuân tăng trên 13 nghìn tấn, sản lượng khai thác thủy sản tăng hơn 1.300 tấn so với vụ mùa năm trước. Dấu hiệu lạc quan dễ nhìn thấy nhất thể hiện ở tốc độ giải ngân và dư nợ tín dụng. Nếu tháng 4, chi đầu tư phát triển chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng, giải ngân khoảng 25% vốn đầu tư xây dựng cơ bản và tín dụng vẫn âm thì đến ngày 30.5, con số chi đầu tư phát triển đạt 1.400 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư bằng 55% kế hoạch năm, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2013 và tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đã trên 25 nghìn tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm, trong đó tỷ lệ cho vay trung, dài hạn chiếm đến 58%...
Sẽ kiểm tra các dự án đầu tư để tháo gỡ khó khăn, tiếp sức cho doanh nghiệp và đẩy mạnh giải ngân vốn cho các chương trình nông lâm thủy sản.Ảnh: T.D |
Ông Đinh Văn Đào - Cục trưởng Cục Thống kê nói sự tăng trưởng phần lớn nhờ vào ngành công nghiệp chủ lực ổn định như may mặc, ô tô, chíp điện tử…, nhưng loại hình này dường như đã đến điểm dừng và xuất khẩu giảm, tồn kho nhiều (42% so cùng kỳ), tăng trưởng tín dụng thấp, dư nợ nông, lâm, thủy sản vẫn không tăng nổi… là nguy cơ của nền kinh tế. Giám đốc Sở Tài chính – ông Phan Văn Chín nói dù thu nội địa tăng nhưng không bền vững. Khả năng thu ngân sách sẽ còn giảm trước biến động của ngành du lịch và sự thiếu hụt những nhân tố đầu tư, sản xuất mới trong thời gian tới. Phó ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai – ông Đỗ Xuân Diện nói dự án của Tân Hiệp Phát tiến độ tốt, mở tất cả 16 gói thầu, khoảng tháng 1.2015 sẽ có sản phẩm và Nhựa Đạt Hòa thì sẽ đến tháng 6 và tháng 7 sẽ có mặt bằng xây dựng nhà xưởng. Nhưng Soda, Trường Hải hiện đang tìm giải pháp trước sự sụt giảm doanh số, còn cầu Cửa Đại thì ngoài 560 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ phải cần đến 220 tỷ đồng nữa mới bảo đảm tiến độ hợp long cầu vào cuối năm nay.
Phân tích những con số trên cho thấy những mục tiêu ổn định kinh tế để Quảng Nam tăng trưởng bền vững hơn đang ngày càng định dạng rõ nét. Tuy nhiên, chi đầu tư phát triển vẫn đang tăng trưởng thấp, thanh khoản doanh nghiệp đang thấp khi tín dụng tăng trưởng yếu ớt… Có bao nhiêu tỷ lệ trong số dư nợ 5% ấy đổ vào nền kinh tế khi nguồn trái phiếu chính phủ vẫn được các ngân hàng ưu tiên mua để “chứng minh” tăng trưởng tín dụng, là một mối băn khoăn. Sự tăng trưởng GDP có được từ đâu, phải chăng chỉ từ đầu tư công và phần khác là từ nguồn vốn bên ngoài. Đây là việc không thể không lo ngại!
Ưu tiên gỡ khó cho doanh nghiệp
Hiện tại, sức mua trên thị trường yếu, đòi hỏi giá cả hàng hóa phải được kéo xuống. Không có nhân tố nào kích cầu mạnh bằng giá rẻ. Nhưng để có sản phẩm giá rẻ, lãi suất phải tiếp tục hạ, doanh nghiệp cần được tiếp sức để duy trì sản xuất, giải phóng hàng tồn. Những yếu tố này tác động lớn đến sự phục hồi của nền kinh tế, nhưng tín dụng bao giờ phục hồi và tăng trưởng nhanh đến với doanh nghiệp thì rất khó dự đoán. Vì thế, để duy trì những thành quả ổn định kinh tế mới đạt được, vốn còn rất mong manh của Quảng Nam, chính quyền đi đến một lựa chọn có tính chất quyết định. Đó là rà soát các chỉ tiêu kinh tế và ưu tiên gỡ khó cho doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, thị trường tiêu thụ tháng 6 và những tháng cuối năm sẽ gặp khó, đầu tư hạn chế, tín dụng ngân hàng sẽ giảm nên cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cần tập trung vốn và tạo các điều kiện thuận lợi khác cho doanh nghiệp trong thẩm quyền của mình. “Phải tạo ngay ra môi trường đầu tư chứ mời doanh nghiệp về mà không giải quyết được về giá đất, chính sách thì cũng như không. Ngay cả dự án mở rộng quốc lộ 1 chỉ còn 12km nữa là hoàn tất, nhưng nếu thiếu sự phối hợp để giải phóng mặt bằng thì tất cả sẽ đứng bánh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, nguy cơ lớn nhất hiện tại vẫn là chuyện lãi suất đã giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu từ nay đến cuối năm vẫn là chuyện rà soát các chỉ tiêu kinh tế để đạt hiệu quả, ổn định môi trường đầu tư, nhất là việc gỡ khó cho doanh nghiệp. Nhanh chóng tìm ra các giải pháp cụ thể để đạt kế hoạch tăng trưởng 11,5% là nhiệm vụ hàng đầu trong tháng 6 và những tháng cuối năm. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân công trình. Quan điểm của tỉnh là chỉ tập trung nguồn lực cho những dự án đầu tư dang dở, chuyển tiếp. Không cấp phép, đầu tư thêm dự án mới nào thuộc nguồn ngân sách nhà nước; chú trọng đầu tư thêm cho nông nghiệp nông thôn; cải cách thủ tục hành chính, ổn định môi trường đầu tư. “Cân đối, tập trung nguồn vốn cho công trình có khả năng hoàn thành năm 2014. Kiểm tra tiến độ thực hiện dự án đầu tư; kịp thời xử lý những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án. Kiên quyết thu hồi các dự án nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết, nhất là các dự án đã dừng triển khai nhưng vẫn cố tình chiếm giữ đất tại các khu, cụm công nghiệp. UBND tỉnh sẽ mở nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại chính sách thuế, tín dụng, tập trung thúc đẩy các dự án đầu tư ngay trong tháng 6 này” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.
TRỊNH DŨNG