Từ chợ phiên Abát
Từ khi chợ phiên Abát (xã Chà Vàl) đi vào hoạt động, nhịp sống của đồng bào Cơ Tu rộn rịp hơn rất nhiều.
Đều đặn các ngày thứ Bảy hàng tuần, đồng bào ở các xã vùng biên Nam Giang cùng nhau tìm về khoảnh sân trước chợ cũ Abát để bày bán, trao đổi các mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ…
Từ thôn Công Dồn (xã Zuôih), cụ Tơ Ngôl Oi vượt hàng chục cây số đường rừng để bán những chiếc gùi truyền thống tại phiên chợ. Cụ Oi cho biết, để làm ra mỗi chiếc gùi, cụ phải mất gần một tháng để đan và được bán với giá từ 700 nghìn đến 1,2 triệu đồng. Như đã thành thông lệ, đồng bào các xã vùng biên Nam Giang mang theo thổ cẩm, cườm, chổi đót… để bày bán và giới thiệu cho khách. Mỗi tấm thổ cẩm được rao bán với giá từ vài trăm nghìn đồng, tùy theo từng loại mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Theo chị Bh’ling Thị Sương, thường thì phụ nữ Cơ Tu chỉ dệt thổ cẩm ở nhà khi có người đặt hàng. Nhưng với chợ phiên thì khác, ai cũng chủ động mang đến, phục vụ khách mua. “Những sản phẩm tự tay mình làm ra nay đã có cơ hội bán cho khách, thấy cũng vui. Từ khi có chợ phiên này, chúng tôi ai cũng thấy phấn khởi” - chị Sương chia sẻ.
Du khách tham quan, mua sắm các mặt hàng truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: LĂNG A CÚI |
Cùng với không gian mặt hàng sản phẩm của làng dệt Công Dồn, còn có những gian hàng thổ cẩm, dệt truyền thống Cơ Tu - Za Ra (xã Tà Bhing). Vốn có chút kinh nghiệm trong công việc kinh doanh, chị Hôih Thị Cúc, thành viên làng nghề dệt truyền thống Za Ra vừa rao bán, vừa giới thiệu về từng mẫu mã, chất liệu sản phẩm của làng nghề cho khách. Chị Cúc cho biết, tất cả sản phẩm từ thổ cẩm, túi xách, ví tiền,… được bày bán tại chợ phiên đều do tự tay các phụ nữ Cơ Tu làng nghề Za Ra làm. “Đến đây để quảng bá sản phẩm cũng như kiếm thêm thu nhập cho chính phụ nữ Cơ Tu trong làng nghề” - chị Cúc nói. Với giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp lạ, những sản phẩm của làng nghề dệt truyền thống Za Ra đã góp phần tạo nên sự khác biệt, nét riêng độc đáo ở không gian phiên chợ vùng cao Nam Giang. Chợ phiên Abát còn thu hút nhiều người bởi không gian mua sắm đa dạng với chợ bò, gà, nông sản… mang hương sắc núi rừng.
Ông Chơ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho rằng, chợ phiên là điểm khởi đầu cho việc giao thương hàng hóa theo phương thức xã hội hóa giữa các vùng miền ở các xã vùng biên Nam Giang. Thông qua phiên chợ nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao thương, tạo nếp sinh hoạt văn hóa cho đồng bào, góp phần phát triển kinh tế, từng bước xây dựng chương trình mục tiêu nông thôn mới. Theo ông Nhiên, việc tổ chức phiên chợ không chỉ giúp đồng bào vùng cao có cơ hội được trao đổi hàng hóa, mặt hàng nông sản, dệt thổ cẩm… với nhau, mà còn là dịp để đổi mới về tư duy buôn bán, tập thói quen giao thương, cũng như vươn lên thoát nghèo bền vững. “Hơn 2 tháng khi phiên chợ đi vào hoạt động, thói quen buôn bán giao thương của đồng bào miền núi cũng đã dần dần hình thành, hy vọng từ đó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong tương lai”- ông Nhiên nói.
LĂNG A CÚI