Thách thức đầu tư xanh
Chiến lược tăng trưởng xanh của Quảng Nam đã được xác định. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vẫn là điều không dễ khi ngân sách hạn chế và thiếu cơ chế, chiến lược thu hút nguồn lực đầu tư ở tầm vĩ mô.
Hội An, hình ảnh đô thị sinh thái mới đang được các nhà đầu tư, tài trợ quan tâm. Ảnh: TRỊNH DŨNG |
Thiếu nguồn lực thực hiện
Ô tô Trường Hải, kính nổi Chu Lai, thiết bị vệ sinh Inax, thiết bị ngành may Groz Becker, Indochina Capital, Victoria hay Golden Sand… đầu tư tại Quảng Nam dù đã cho ra những sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng dường như vẫn còn quá nhỏ bé so với tiềm lực. Vì vậy, đưa ra những dự án, sản phẩm, mô hình tăng trưởng mới theo ý tưởng tăng trưởng xanh là lựa chọn số một, thể hiện sự thay đổi tư duy hướng về chất lượng của lãnh đạo Quảng Nam. Một năm trước, tại diễn đàn tăng trưởng xanh đầu tiên trên bình diện cấp tỉnh do Quảng Nam tổ chức đã mở đường cho sự phát triển các dự án động lực. Các dự án thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hội An hợp tác với UNESCO và Đại học Mỹ thuật quốc gia Hàn Quốc; những mô hình thành phố xanh của Hội An, Tam Kỳ; các sản phẩm đặc trưng từ các huyện, thành phố Quảng Nam và những dự án cơ hội đầu tư trọng điểm… đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhà tài trợ và các định chế tài chính. Sáu biên bản ghi nhớ thư quan tâm đầu tư đã được Quảng Nam ký kết với Bộ Kế hoạch – đầu tư hay Hàn Quốc, Mỹ… được xem là hy vọng đầu tiên để hiện thực hóa ý tưởng tăng trưởng xanh này. Thế nhưng, cho đến nay, chưa thấy một dự án hay hợp tác đầu tư nào chính thức được ký kết.
Theo TS. Trần Du Lịch, chiến lược tăng trưởng xanh vẫn là ý tưởng mới tại Việt Nam. Ngay các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam lâu nay cũng chỉ có khoảng 5% sử dụng công nghệ sạch. Vai trò của địa phương chỉ chiếm khoảng 30%, còn phụ thuộc đến 70% vào chính sách vĩ mô của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương khi muốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ý tưởng này. Đó là điều rất khó, nếu không muốn nói là “bất khả thi”. Vì vậy, tất cả khát vọng tăng trưởng khó có thể giải quyết trong ngắn hạn nên câu chuyện tăng trưởng xanh vẫn là câu chuyện dài… |
Dự án “Trung tâm khí điện đạm” chỉ mới lọt vào danh mục dự án ưu tiên kêu gọi, còn công bố của đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á rằng ngân hàng này và các đồng tài trợ tiềm năng sẽ giúp hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Hội An về nâng cao hiệu quả cấp nước, thu gom xử lý, tái sử dụng nước thải và phát triển đô thị sinh thái… cũng vẫn đang ở thì tương lai. Chủ tịch UBND TP.Hội An – ông Lê Văn Giảng nói Hội An đã chọn mô hình xây dựng thành phố sinh thái trên cả hai phương diện: sinh thái tự nhiên và sinh thái xã hội. Nhiều dự án trọng điểm đã và đang triển khai như dự án xử lý chất thải rắn bảo vệ môi trường, dự án cải tạo hệ thống điện sinh hoạt OPEC, JBIC, dự án nhà máy cấp nước sinh hoạt, bảo tồn biển Cù Lao Chàm, phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu sử dụng và phát thải túi ni lông tại xã Tân Hiệp, xây dựng lò đốt rác thải thành phố từ các nguồn tài trợ đã làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của thành phố. Nhưng để thực thi sứ mệnh tăng trưởng xanh, rất cần thêm nhiều dự án đầu tư với kinh phí lớn. Khả năng ngân sách địa phương không thể thực hiện được, chỉ trông chờ vào viện trợ, nhưng điều này sẽ rất khó.
Vướng mắc từ cơ chế chính sách
Theo các nhà kinh tế, vướng mắc lớn nhất của các nhà đầu tư là cơ chế, chính sách. Nếu các quy trình đầu tư được đơn giản hóa với vai trò và trách nhiệm rõ ràng giữa chính quyền và cơ quan quản lý thì thêm khả năng các nhà đầu tư, nhà tài trợ sẽ sẵn sàng trút “hầu bao” để phối hợp với chính quyền thực hiện các dự án xanh. Thế nhưng trên thực tế lại không phải như vậy. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã luôn cam kết sẽ hỗ trợ các sáng kiến và dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh thông qua các chính sách, cơ chế ưu đãi và các sáng kiến đầu tư chiến lược. Quảng Nam cũng đã tiến hành hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường chính sách cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư khoa học công nghệ, thị trường. Nhưng tiến trình này vẫn không thể đạt như ý muốn. Dư nợ tại các ngân hàng thương mại cho chương trình đầu tư công nghệ vẫn bằng không. Nói đúng hơn là chuyện tìm ra cơ chế tài chính để hiện thực hóa đầu tư là không dễ. Bởi hầu hết các hoạt động công nghiệp đều tốn kém và đa số các mô hình kinh doanh thuộc công nghiệp xanh chưa được thử nghiệm hoặc thông dụng.
Sản phẩm theo hướng tăng trưởng xanh sẽ thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu địa phương. Ảnh: T.DŨNG |
Theo TS. Phạm Hoàng Mai (Bộ Kế hoạch – đầu tư), thách thức lớn nhất là chi phí đầu tư rất lớn. Phải cần đến hàng tỷ USD từ năm 2013 – 2020 cho biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, nhất là năng lượng trong khi thiếu chính sách thu hút nguồn lực. Dù hiện tại, có trên 60 quỹ, 20 cơ chế tài chính, doanh nghiệp FDI đang theo đuổi tăng trưởng xanh để nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và chính sách hỗ trợ phát triển khu vực miền Trung ngày càng gia tăng…, nhưng cũng không dễ gì tiếp cận nguồn vốn này. TS. Trần Du Lịch - Trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung khẳng định áp dụng tăng trưởng xanh cho việc phát triển các ngành công nghiệp ít các bon, công nghệ sạch… là bước đi đúng đắn, nhưng sẽ rất khó thực hiện.
Chính quyền Quảng Nam và các nhà đầu tư vẫn phải thừa nhận việc cam kết đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh là lựa chọn có tính quyết định của Quảng Nam để tiến đến phát triển bền vững. Nhưng để hiện thực hóa các cơ hội đầu tư này vẫn là chuyện đầy khó khăn khi các nguồn lực đầu tư đều khan hiếm và cơ chế chính sách chưa phù hợp. Theo tính toán của UBND tỉnh, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng bình quân mỗi năm hơn 2.000 tỷ đồng tại Chu Lai và nhiều tỷ đồng khác hỗ trợ ban đầu triển khai các dự án… nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Hiện tại Chu Lai có rất nhiều dự án đầu tư tăng trưởng xanh đã xác định được việc tìm nguồn thì cũng không tự định đoạt được.
TRỊNH DŨNG