Gọi vốn viện trợ

TRỊNH DŨNG 13/05/2014 10:21

Ngân sách hạn hẹp không đủ để đầu tư phát triển. Việc tìm kiếm, kêu gọi tài trợ từ nước ngoài, bổ sung sự thiếu hụt vốn đầu tư là một trong những kênh quan trọng tại Quảng Nam.

Hiệu quả từ nguồn vốn viện trợ

Ngày 10.5.2014, nhà máy nước Hội An đã khánh thành sau 18 tháng thi công. Nhà máy công suất 21.000m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư hơn 11,5 triệu USD (trong đó hơn 5,6 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Vương quốc Na Uy tài trợ) đã chính thức cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 14.000 hộ dân và các khu du lịch dịch vụ, công nghiệp… toàn Hội An, chấm dứt “cơn khát” nước sạch từ nhiều năm qua của người dân địa phương. Theo Sở Kế hoạch – đầu tư, nhà máy này chỉ là một trong những dự án khả dụng từ nguồn vốn viện trợ nước ngoài của 67 dự án ODA với tổng vốn khoảng 377,6 triệu USD thực hiện tại Quảng Nam trong vòng 14 năm qua. Quảng Nam đang tiếp tục triển khai 20 dự án khác với tổng vốn đầu tư khoảng 4.715 tỷ đồng từ viện trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức, Chính phủ Hàn Quốc, Italia, Na Uy, Đan Mạch, Cơ quan phát triển Pháp...

Kè biển, vệ sinh môi trường là những lĩnh vực các nhà tài trợ, định chế tài chính quan tâm.
Kè biển, vệ sinh môi trường là những lĩnh vực các nhà tài trợ, định chế tài chính quan tâm.

Trong khi đó, từ nguồn vốn viện trợ, hiệu quả tưới tiêu của hệ thống thủy lợi Phú Ninh đã được cải thiện từ 15.874ha (năm 2007) lên 23.869ha vào năm 2014; thêm 50.000 nhân khẩu được sử dụng nguồn nước sạch từ các dự án phát triển ngành nước; 1.700 nhân khẩu có công trình vệ sinh cải tiến, 550.000 hộ đã được sử dụng điện chất lượng tốt và giá cả phải chăng, tỷ lệ thất thoát điện trung bình trong quá trình phân phối đã giảm từ 25% năm 2005 xuống còn 7 - 10%. Danh sách người dân địa phương được hưởng lợi từ các dự án viện trợ nước ngoài ngày càng nhiều. Đó là tỷ lệ người dân sống trong phạm vi 2km từ đường giao thông có thể đi lại trong mọi điều kiện thời tiết đã tăng từ 76% năm 2006 lên mức 84% và thời gian đi đến trường học và chợ gần nhất đã giảm được 7,7% vào năm 2014; gần 7.000 hộ dân vùng trung du và miền núi đã được nhận tiền hỗ trợ để trồng rừng trên diện tích khoảng 15.217ha từ nhiều năm qua. Theo ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, nguồn ODA đã được cung cấp rộng rãi từ đồng bằng đến miền núi, bao gồm nhiều lĩnh vực. Phần lớn các dự án đều phục vụ dân sinh và phát triển đô thị. Chính nguồn vốn viện trợ này đã tạo ra những công trình phúc lợi cho cộng đồng địa phương, ảnh hưởng tích cực đến năng lực sản xuất, nhất là tại các khu vực khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo cao.

Đường giao thông nông thôn tại Duy Xuyên, một trong những dự án hoàn thành khả dụng từ vốn viện trợ nước ngoài. Ảnh: T.D
Đường giao thông nông thôn tại Duy Xuyên, một trong những dự án hoàn thành khả dụng từ vốn viện trợ nước ngoài. Ảnh: T.D

Tìm vốn

Theo Sở Kế hoạch – đầu tư, danh mục thiết yếu đưa ra để đầu tư đến năm 2020 cần tổng nguồn vốn gần 37.000 tỷ đồng. Đó là khối lượng vốn khổng lồ, ngân sách không thể đáp ứng nổi. Theo tính toán, nguồn vốn chương trình hỗ trợ theo mục tiêu hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng và nguồn trái phiếu chính phủ hàng năm khoảng 800 tỷ đồng. Hai nguồn vốn này không thể điều tiết được mà phải theo đúng mục tiêu, chương trình. Còn nguồn ngân sách tập trung thì phân cấp 50% cho các huyện, thành phố. Dự kiến khả năng ngân sách chỉ bảo đảm cân đối khoảng 50% cho các công trình trọng điểm. Khả năng huy động vốn viện trợ trong vài năm tới cũng chỉ khoảng 250 triệu USD (khoảng 5.000 tỷ đồng). Vì vậy, do nguồn vốn đầu tư hạn chế, một mặt chính quyền đặt tiêu chí hợp lý, hiệu quả trong việc phân bổ và sử dụng các nguồn vốn đầu tư; bố trí đủ vốn đối ứng, thậm chí dãn tiến độ thực hiện dự án yếu nguồn lực, mặt khác, lên kế hoạch tìm mọi cách kêu gọi tài trợ vốn từ các tổ chức nước ngoài.

Những món nợ vay nước ngoài này là một trong những nguồn lực tài chính chủ yếu để cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực quản lý. Quảng Nam tiếp tục chú trọng kêu gọi vốn tài trợ ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, tăng cường cơ sở hạ tầng nông thôn, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, nâng cấp đô thị, giao thông, thủy lợi, cấp điện, nước sạch... Tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án này lên đến gần cả tỷ USD. Đó là các dự án khơi thông và nạo vét sông Trường Giang, nâng cấp các tuyến giao thông nội tỉnh, huyện, nâng cấp hạ tầng các đô thị loại 4, 5, cấp thoát nước cho các thị trấn, kè chắn sóng, khu tránh bão... Theo Sở Kế hoạch – đầu tư, đây là những lĩnh vực mà các nhà tài trợ, các định chế tài chính... quan tâm nhiều nhất hiện nay. Ông Trần Văn Tri nói hiện Quảng Nam tập trung hoàn thành hồ sơ, thủ tục đăng ký vốn viện trợ Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) giai đoạn 2015 - 2017 và chuẩn bị các điều kiên tổ chức hội thảo WB khu vực duyên hải miền Trung; tiếp tục đề xuất 10 dự án trên 150 triệu USD tìm viện trợ. Đây là cơ hội cho Quảng Nam tiếp cận các nguồn vốn ODA, bổ sung thêm nguồn vốn để tái thiết, phát triển Quảng Nam trong bối cảnh các địa phương đang tranh thủ tìm mọi cách “lôi kéo” nguồn ODA.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG