Tăng trưởng kinh tế: Thiếu an toàn, bền vững
Trong vòng 4 tháng qua, sản xuất gia tăng, thu ngân sách khá..., nhưng đằng sau sự tăng trưởng này vẫn còn nhiều nỗi lo về sự “an toàn, bền vững” của kinh tế Quảng Nam.
Tăng trưởng khả quan vẫn lo
Sở Kế hoạch - đầu tư nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Nam trong vòng 4 tháng qua đã có dấu hiệu khả quan. Đó là dựa vào các chỉ số đều tăng so với cùng kỳ năm 2013: sản xuất công nghiệp tăng 9,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 42,6%; giá trị xuất khẩu khoảng 187 triệu USD, tăng 20,6%; kim ngạch nhập khẩu tăng 45,6%; vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước do địa phương quản lý khoảng 660 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước đã xấp xỉ 35% dự toán với hơn 2.390 tỷ đồng, tổng chi ngân sách hơn 3.500 tỷ đồng, bằng 30% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển khoảng 1.145 tỷ đồng. Cục trưởng Cục Thống kê – ông Đinh Văn Đào cho rằng xuất khẩu tăng cao, đầu tư cải thiện, công nghiệp giữ nhịp độ tăng 9,5% là một xu hướng tốt. Mặt khác, tiêu dùng, sức cầu cả nước giảm nhưng tại địa phương vẫn tăng đến 42,6% là những yếu tố tích cực của nền kinh tế Quảng Nam. Nông nghiệp Quảng Nam với sản lượng lương thực vụ đông xuân khoảng hơn 262 nghìn tấn, tăng gần 2.500 tấn so với vụ đông xuân năm ngoái và sản lượng khai thác thủy sản tăng 900 tấn, được Sở NN&PTNT đánh giá được mùa cao nhất từ trước đến nay.
Giải tỏa mặt bằng triển khai dự án mở rộng quốc lộ 1. Ảnh: T.D |
Từ những con số thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp đang có chiều hướng tăng trong khi chỉ số hàng tồn kho có xu hướng giảm, một số chuyên gia, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước đã ít nhiều lạc quan khẳng định nền kinh tế Quảng Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp và không ít chuyên gia kinh tế cho rằng các con số thống kê “tầm vĩ mô” kia vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng của thị trường. Ông Lê Việt Anh - giám đốc một công ty vận tải biển nói rằng, thời điểm này năm ngoái các doanh nghiệp dệt may vẫn còn đầy ắp hợp đồng xuất khẩu đến cuối năm, còn năm nay thì thưa thớt hơn. Chỉ số hàng tồn kho có xu hướng giảm trong khi sản xuất công nghiệp tăng trở lại vẫn chưa thể là tín hiệu tốt. Tổng giám đốc một công ty thép cho rằng chỉ số hàng tồn kho giảm là do doanh nghiệp không dám sản xuất nữa. Đồng thời doanh nghiệp phải bán hàng dưới giá thành để duy trì dòng tiền, cứu thanh khoản và giảm sức ép nợ nần. Đó là chưa kể chỉ số này tăng còn có phần do chi phí sản xuất tăng. Nông nghiệp cũng đang khó khăn không kém. Giá lúa đã thấp tới mức người dân chỉ còn lãi khoảng 4 triệu đồng/ha cho 3 tháng lao động khổ nhọc. Giá nông sản èo uột, ớt, bầu bí, đậu phụng… đều rớt giá, người trồng thua lỗ. Hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp đã giảm mạnh. Hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được nên bị chôn vốn. Có khi bán được hàng nhưng không thu được tiền… Hiện nội lực của các doanh nghiệp như quả bóng đã xì hết hơi. Bóng có bay được hay không tùy thuộc vào sự tiếp sức của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Ưu tiên chính sách
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Nam dù khả quan nhưng vẫn chậm là do tổng cầu không như mong muốn. Tổng cầu tiêu dùng liên tục cải thiện vẫn chưa cao, tổng mức đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước chỉ mới giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng tín dụng hầu như âm mặc dù lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm. Điều này cho thấy chỉ số “bất an”, “thiếu bền vững” của kinh tế Quảng Nam vẫn hiện hữu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng đang có sự bất hợp lý giữa sản xuất và tín dụng, nhu cầu đầu tư và tốc độ giải ngân. Cụ thể, vốn không tăng, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn nhưng số liệu sản xuất tăng vẫn cần một câu trả lời cụ thể. Riêng tốc độ giải ngân vốn đầu tư mới chỉ 25% là quá thấp, cần tìm nguyên nhân xử lý để khơi dòng tiền đến đúng địa chỉ cần đến. Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN&PTNT lo ngại sản xuất nông nghiệp gặp bất lợi khi dự báo của khí tượng thủy văn thời tiết sắp tới sẽ khắc nghiệt. Trong khi các hồ tích nước không đạt yêu cầu mà sông nhiễm mặn gia tăng. Ông Quang nói nếu như các nhà máy thủy điện cam kết hạn chế phát điện từ ngày 10 - 15.5 và phát điện liên tục từ 31.5 thì cũng chỉ đủ nước tưới cho ½hơn một nửa diện tích. Số còn lại phải tăng cường chống hạn, nhưng công văn xin ứng tiền gửi đi đã lâu mà vẫn chưa thấy hồi âm từ các cơ quan quản lý khác!
Bài toán tăng trưởng để đạt kế hoạch năm 2014 vẫn đang là vấn đề nan giải. Tăng tổng cầu thì không còn cách nào khác là khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất; hỗ trợ cho nông dân về giá nông sản, giảm lãi suất, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tiếp cận vốn vay ngân hàng và chi mạnh cho đầu tư phát triển. Trong khi lập luận chủ đạo hiện nay của ngân hàng là tỷ lệ nợ xấu lớn (3,5%), doanh nghiệp không đạt chuẩn tiếp cận vốn, cạn kiệt tài sản thế chấp nên khó có thể làm tăng cầu tín dụng thì xu hướng dễ thấy nhất của Quảng Nam hiện thời vẫn là chuyện hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, chính quyền đã trì hoãn việc cưỡng chế thuế, phong tỏa tài khoản của các doanh nghiệp nợ với một quan điểm là cùng tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, phục hồi sản xuất để nuôi giữ lao động và thu hồi nợ. Một vấn đề quan trọng không kém là chính quyền sẽ mở cuộc kiểm tra, đôn đốc để nhanh chóng hoàn tất việc giải phóng mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường cao tốc (ngày 31.5 quốc lộ 1 và 30.6 là đường cao tốc), bàn giao cho nhà đầu tư cho đúng kế hoạch. Chính quyền và cơ quan quản lý sẽ nhanh chóng đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như cầu Cửa Đại, các tuyến ven biển, cầu Kỳ Phú I & II, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng; gia tăng đầu tư các dự án đầu tư ven biển, tại các khu cụm công nghiệp…
TRỊNH DŨNG