5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X): Xoay chuyển theo kinh tế thị trường

HỮU PHÚC 01/05/2014 09:19

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN tạo sự đồng thuận, quyết tâm chính trị cao, giúp Quảng Nam có nhiều bước đột phá. Thế nhưng, thực tiễn đặt ra nhiều khó khăn thách thức trên con đường hội nhập kinh tế với tốc độ tăng trưởng chậm; nguồn lực đầu tư thấp lại chưa đồng bộ, thiếu liên kết…

Kích cầu tăng trưởng

Khi Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) ra đời, Tỉnh ủy đã có chương trình hành động theo hướng phát triển mạnh các thành phần kinh tế, đa dạng hóa loại hình sản xuất, kinh doanh. Hàng loạt nông, lâm trường vốn “dậm chân tại chỗ” được thay đổi, sắp xếp tinh gọn hơn. Từ 2011 đến nay, có 7 nông, lâm trường đã chuyển đổi, cổ phần hóa cơ bản tái cơ cấu lực lượng lao động, giải quyết dứt điểm về tồn tại tài chính. Thể chế kinh tế thị trường mở ra sân chơi lành mạnh, bình đẳng, khuyến khích vai trò tự chủ của người dân. Đặc biệt, những cơ chế, chính sách hỗ trợ kích cầu phát triển khu vực miền núi, nông thôn được cụ thể hóa. Các đề án khuyến khích, phát triển cây cao su tiểu điền, cây sâm Ngọc Linh, sâm ba kích, cây tiêu và một số cây trồng chủ lực khác… nhằm xây dựng thị trường hàng hóa thể hiện rõ nét hướng đi.

Kinh tế biển góp phần tăng trưởng kinh tế chung ở Quảng Nam.
Kinh tế biển góp phần tăng trưởng kinh tế chung ở Quảng Nam.

Điểm về thành quả 5 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho rằng, một trong những điểm sáng nhất là hạ tầng đã “thay áo mới”. Giai đoạn 2008 - 2013, hơn 69,2 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã ưu tiên phần lớn đầu tư hạ tầng công cho miền núi, nông thôn và giảm nghèo. Nỗ lực lớn của tỉnh là gắn kết chuỗi hạ tầng có sân bay, bến cảng và từng bước hoàn thiện hạ tầng ở các khu công nghiệp, khu kinh tế. Khu kinh tế mở Chu Lai có 89 dự án đầu tư với vốn đăng ký 1,5 tỷ USD, trong đó 60 dự án đã đi vào hoạt động, còn  Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc hiện có 40 dự án đang hoạt động… đã minh chứng cho sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Theo ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư, cuộc xoay chuyển của kinh tế thị trường, định hướng XHCH là cộng hưởng nguồn lực đầu tư. Năm năm qua, vốn nhà nước chiếm khoảng 70% trong phát triển hạ tầng, nhưng không thể phủ nhận sự trợ giúp nguồn vốn ODA, FDI… “Hiện, Quảng Nam có 20 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA đang triển khai xây dựng hạ tầng, giảm nghèo cho miền núi. Tính ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, không phải là thấp” – ông Tri cho biết. Trong khi đó, với lợi thế là vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản, theo lộ trình, Quảng Nam đã cụ thể hóa cơ chế, chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả khai thác.

Được mùa thanh trà ở Tiên Phước.
Được mùa thanh trà ở Tiên Phước.

Tỷ trọng cơ cấu kinh tế tăng trưởng với lao động phi nông nghiệp chiếm 45,2%, lao động nông nghiệp gần 55%. Mỗi năm chuyển dịch bình quân 1,4% lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy giữa tháng 4, ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, đột phá của tỉnh 5 năm qua là có sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển tốt dịch vụ du lịch. “Quảng Nam rất có kinh nghiệm làm du lịch, tự làm hấp dẫn mình. Gốc rễ của kinh tế thị trường là doanh nghiệp làm “bà đỡ”, lan tỏa và kết nối từ nội lực, nguồn lực của người dân. Nguyên tắc của kinh tế thị trường là cạnh tranh sòng phẳng chứ không thể có chuyện quan liêu, bao cấp” – ông Vương Đình Huệ nói.

Những thách thức…

Mặc dù hội nhập vào sân chơi lớn, nhưng kinh tế Quảng Nam có lúc rơi vào tình trạng “đuối sức” trong chặng đua đường dài. Đến nay toàn tỉnh có 4.250 doanh nghiệp nội địa hoạt động thì doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 93% với quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, vốn ít, trình độ quản lý yếu và công nghệ lạc hậu dẫn đến năng lực cạnh tranh kém trên thị trường. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, giai đoạn 2008 - 2013, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của tỉnh gần 12%, GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 1.475USD (thấp hơn mức bình quân của cả nước là 1.960USD). Mặt khác, Quảng Nam đang có tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Đây là cản lực làm trì trệ nền kinh tế. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho biết, chính sách thu hút nhà đầu tư lên miền núi gần như bất thành, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn. “Chính sách hỗ trợ cho người nghèo thực sự “có vấn đề”, tạo kẽ hở để người dân tách hộ nhằm hưởng chính sách. Vì vậy, sắp tới UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, thí điểm việc thưởng cho đối tượng thoát nghèo” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.

Để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X), Tỉnh ủy lãnh đạo phát triển đồng bộ các loại thị trường, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước theo cơ chế thị trường bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Theo đó, chủ trương là tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đa dạng thị trường hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời chú trọng tăng trưởng xanh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững.
                                           Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải

Mặc dù được đánh giá cao về thị trường nông sản, song điểm yếu của ngành nông nghiệp Quảng Nam là năng suất cây trồng, con vật nuôi và chất lượng sản phẩm thấp. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – ông Lê Muộn nhìn nhận, cái khó chung vẫn là đầu ra cho nông sản quá bấp bênh, thiếu ổn định. Nhà nước định hướng quy hoạch vùng trồng, có cơ chế khuyến khích hỗ trợ cho nông dân nhưng không đảm bảo chắc chắn sẽ lo thị trường lâu dài. Do vậy, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nông thôn thời gian qua còn chậm. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể về Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X), lãnh đạo tỉnh thẳng thắn, thu hút các dự án “đòn bẩy” gặp sức ép cạnh tranh ghê gớm từ các khu kinh tế trong vùng. Chất lượng quy hoạch kinh tế - xã hội chưa cao, hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu vốn, nguồn nhân lực hạn chế, giảm nghèo chưa vững chắc… luôn đặt ra thách thức lớn với sự phát triển của tỉnh.

Theo ông Vương Đình Huệ, Quảng Nam có đường bờ biển dài, với nhiều di sản văn hóa mang tầm quốc gia, nhân loại nên cần đẩy mạnh thị trường du lịch mang tính thương hiệu, liên kết phát triển vùng. Vì vậy, trong vùng duyên hải miền Trung gồm Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận phải hợp tác đầu tư kinh tế biển, du lịch, hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh ngành công nghiệp lợi thế. Về giải quyết “khát vốn” kéo dài, ông Vương Đình Huệ lưu ý, sẽ xem xét, đề xuất với Trung ương cơ chế phân bổ vốn đầu tư công theo kế hoạch trung hạn thay cho kế hoạch hằng năm.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC