Tiền đề của "tỉnh công nghiệp"

ĐẶNG HÙNG 30/04/2014 09:05

Với nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, những năm qua Quảng Nam gặt hái được nhiều thành công về phát triển công nghiệp, trong đó các khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai đã trở thành nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là tiền đề vững chắc cho lộ trình thành “tỉnh công nghiệp” vào năm 2020.

Nền tảng tăng trưởng

Khi tái lập tỉnh, ngành công nghiệp ở Quảng Nam mới manh nha phát triển, lúc ấy chỉ có KCN Điện Nam - Điện Ngọc được Chính phủ cho phép đầu tư mô hình thí điểm xây dựng KCN trên địa bàn tỉnh. Trong điều kiện ra đời sớm và khó khăn nhiều mặt, KCN Điện Nam - Điện Ngọc đã vượt qua thách thức, đón đầu sự phát triển. Sau 15 năm triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, hiện KCN là địa chỉ đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. KCN Điện Nam - Điện Ngọc được đánh giá là một trong những KCN thành công nhất ở khu vực miền Trung. Đến nay, KCN Điện Nam - Điện Ngọc đã thu hút được 51 dự án đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 2.380 tỷ đồng và 316 triệu USD, giải quyết việc làm cho 22.400 lao động ở địa phương. Riêng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu tại KCN này đã đạt hơn 248 triệu USD (tăng 35,7% so với năm 2012) và chiếm tỷ trọng 41,78% tổng kim ngạch của toàn tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.588 tỷ đồng và chiếm 37,86% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Quảng Nam ưu tiên kêu gọi các dự án công nghệ cao ở các KCN.Ảnh: ĐẶNG HÙNG
Quảng Nam ưu tiên kêu gọi các dự án công nghệ cao ở các KCN.Ảnh: ĐẶNG HÙNG

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 5 KCN đóng vai trò đầu tàu và là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội. Ở khu vực phía bắc của tỉnh có KCN Điện Nam - Điện Ngọc với những lợi thế về vị trí, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đã phát triển khá nhanh thành điểm kinh tế công nghiệp mạnh, có tác dụng lan tỏa cho cả khu vực. Ở phía nam có KCN Bắc Chu Lai, Tam Hiệp (thuộc KKTM Chu Lai) đã phát triển khá thành công, cùng với KCN cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, cảng và hậu cần cảng Tam Hiệp đã làm nòng cốt phát triển KKTM Chu Lai. KCN Thuận Yên đang ở giai đoạn đầu tư kết cấu hạ tầng và bước đầu đã thu hút nhiều dự án đầu tư, từng bước phát triển tạo nền tảng về kinh tế cho TP.Tam Kỳ và giải quyết lao động cư dân đô thị. Tại khu vực trung điểm của tỉnh, KCN Đông Quế Sơn đã ra đời nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội huyện Quế Sơn và các địa phương lân cận.  Thực tế cho thấy từ năm 2001 đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp tạo ra từ các KCN chiếm 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh và tăng lên không ngừng qua các năm. Cụ thể, năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp từ KCN đã đạt 900 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 45 triệu USD, chiếm 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Kết thúc năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp ở các KCN đạt gần 20.000 tỷ đồng, chiếm gần 44% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh và xuất khẩu gần 586 triệu USD, chiếm trên 57% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Một trong những KCN phát triển hiệu quả ở Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Một trong những KCN phát triển hiệu quả ở Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Kêu gọi dự án công nghệ cao

Cùng với đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở các KCN,  Quảng Nam đang tiếp tục triển khai một số KCN như KCN Phú Xuân (Phú Ninh), KCN Tam Thăng (Tam Kỳ), KCN Nam Tam Anh (Núi Thành). Ngoài ra, để chuẩn bị cho giai đoạn 2015 - 2020, hiện nay Quảng Nam đang trình đề nghị Trung ương quy hoạch nâng cấp một số cụm công nghiệp thành KCN như Đại Tân (Đại Lộc), Hà Lam - Chợ Được (Thăng Bình) và An Lưu (Điện Bàn).

Trong những năm qua, mặc dù Quảng Nam đã tập trung ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế nhưng hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng nhìn chung vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển, còn nhiều hạn chế. Để tạo môi trường thu hút đầu tư bền vững, việc phát triển cơ sở hạ tầng nhanh và đồng bộ là một trong những mục tiêu chủ yếu của tỉnh trong các năm tới. Hiện nay, các dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh thi công để kịp tiến độ. Cụ thể, một số công trình giao thông trọng điểm như cầu Cửa Đại nối tuyến giao thông Hội An - Núi Thành đang tập trung nguồn vốn để cơ bản hoàn thành trước năm 2015; dự án 3 tuyến đường cứu nạn cứu hộ huyện Thăng Bình - Tam Kỳ - Núi Thành đang tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ; đường Nam Quảng Nam đã chuyển thành quốc lộ 40B, cơ bản đã đầu tư xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1, tiếp tục thúc đẩy đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn 2 vào những năm đến. Dự án mở rộng quốc lộ 1 (85km) và dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đoạn qua địa bàn tỉnh đang được tích cực triển khai, đã và đang tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện dự án đảm bảo tiến độ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, những năm gần đây, Quảng Nam đã có sự thay đổi trong cơ cấu các ngành nghề kêu gọi đầu tư. Quảng Nam không đặt mục tiêu kêu gọi các dự án có vốn lớn nhằm “lấp đầy” các KCN mà chú trọng vào chất lượng dự án, ưu tiên các ngành nghề thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật cao, điện - điện tử, công nghiệp hỗ trợ và các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, công nghệ sinh học và dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp; thu hút đầu tư có chọn lọc, hạn chế các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn đến môi trường. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư mới tại KKTM Chu Lai, trong đó xác định các dự án có quy mô lớn (từ 500 triệu USD trở lên) hoặc dự án có ý nghĩa kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng sẽ có cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội. Cơ chế ưu đãi cụ thể sẽ được Ban quản lý KKTM Chu Lai tham mưu, sau đó UBND tỉnh đề xuất các bộ ngành trung ương miễn giảm tiền sử dụng đất đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án xây dựng ký túc xá sinh viên, nhà ở công nhân, công trình công cộng có mục đích kinh doanh (xã hội hóa) thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao.

ĐẶNG HÙNG

ĐẶNG HÙNG