Cạnh tranh thị trường du lịch

QUỐC HẢI 26/04/2014 07:47

Chất lượng dịch vụ và lợi ích cộng đồng là yếu tố quyết định để phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh cạnh tranh thị trường gay gắt như hiện nay.

Cạnh tranh bằng gì?

Ba năm qua, Hội An Eco Tour đã đưa vào khai thác chương trình du lịch cộng đồng “Cưỡi trâu cày ruộng” tại xã Cẩm Thanh, thu hút đông đảo du khách quốc tế tham gia. Trước đó, Hội An Eco Tour đã phát triển ngày càng hiệu quả các sản phẩm du lịch liên quan đến đời sống sinh hoạt của nông dân, ngư dân và môi trường sinh thái như tour “Khám phá rừng dừa Bảy Mẫu” bằng thúng chai kết hợp vớt rác bảo vệ môi trường, “Một ngày làm cư dân các làng nghề truyền thống”…

Tour “Cưỡi trâu cày ruộng” của Eco Tour thu hút du khách.Ảnh: QUỐC HẢI
Tour “Cưỡi trâu cày ruộng” của Eco Tour thu hút du khách.Ảnh: QUỐC HẢI

Mỗi năm, hơn 8.000 lượt khách sử dụng dịch vụ của Hội An Eco Tour, hầu hết là khách nước ngoài, trong đó nhiều nhất là khách châu Âu. Các doanh nghiệp lữ hành khác tại Hội An khó có thể cạnh tranh thương hiệu Eco Tour với các chương trình này. Tuy nhiên, tình trạng “nhái” tour và “làm gì có độc quyền” trong sản phẩm du lịch diễn ra lâu nay đã “chia sẻ” một phần không nhỏ thị trường khách đến với công ty. Dù vậy, để làm ăn lâu dài, phát triển du lịch theo hướng sinh thái bền vững, ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Du lịch Khoa Trần Hội An cho rằng, hoạt động du lịch phải chia sẻ lợi ích cùng cộng đồng chứ không thể vì lợi ích riêng. Ông Khoa nói: “Người nông dân, ngư dân là nhân tố rất quan trọng góp phần tạo nên thành công. Chúng tôi không làm du lịch theo kiểu mỗi mình làm được rồi bỏ túi riêng”.

Còn với khách sạn Hội An, sau 22 năm hoạt động đến nay, thương hiệu đã được định vị, trở thành “cánh chim đầu đàn” của ngành du lịch Quảng Nam. Thế nhưng, trước tình hình hàng loạt các khu resort, khách sạn của các tập đoàn du lịch nổi tiếng đầu tư trên địa bàn, cung dư thừa mà cầu thì càng ngày càng giảm như hiện nay, doanh nghiệp buộc phải có chiến lược cạnh tranh phù hợp, lâu dài để đứng vững trên thị trường. Bà Lê Thị Thu Thủy - Giám đốc điều hành khách sạn Hội An cho biết: “Phục vụ du lịch, chất lượng là hàng đầu và việc này phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Mình có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường là nhờ cạnh tranh về chất lượng chứ không thể cạnh tranh về giá. Trên quan điểm như vậy, khách sạn Hội An luôn đầu tư chất lượng sản phẩm qua hai khía cạnh, phần cứng là phần cơ sở vật chất và phần mềm là yếu tố con người trong phục vụ du lịch”.

Du khách tham quan phố cổ Hội An.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Du khách tham quan phố cổ Hội An.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Phát triển bền vững

Tại điểm đến nổi tiếng cả nước như phố cổ Hội An, xu hướng khách từ các hãng lữ hành truyền thống giảm dần, trong khi đó, hàng loạt khách sạn, khu resort mới ra đời với nhiều thương hiệu mới nổi tiếng đã khiến cho mỗi doanh nghiệp tại đây có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh trong lúc nguồn nhân lực trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Ứng phó tình hình đó, bắt buộc các doanh nghiệp đều phải có chiến lược riêng, đặc biệt là đầu tư cho công tác phân tích thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh để đưa ra giải pháp tìm kiếm thị trường phù hợp.

Hiện tất cả nhà đầu tư đều nhận ra rằng, một khi biết khuếch trương, chọn lựa từng phân khúc thị trường cộng với thương hiệu mạnh, được khách hàng tín nhiệm thì sẽ có thị phần với giá dịch vụ cao. Thêm vào đó, cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ đúng chuẩn, lợi thế khác biệt trong sản phẩm dịch vụ, tạo ấn tượng cho khách hàng và có tiềm lực về tài chính thì chất lượng dịch vụ sẽ ngày càng cao. Tuy nhiên, nếu phục vụ thiếu thân thiện, chu đáo, nhiệt tình; nhân viên không gắn bó hoặc có mối quan hệ chưa tốt với các hãng lữ hành thì hiệu quả khai thác thị trường của doanh nghiệp sẽ bị tác động không nhỏ. Vì thế, tìm kiếm thị phần để tăng trưởng doanh thu bền vững luôn là bài toán khó. “Chính việc chú trọng vào doanh thu đã nảy sinh khá nhiều hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như copy tour, hạ giá tour để “ngắt ngọn” – ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An nói.

Vì thế, liên tục hơn 10 năm qua, chính quyền TP. Hội An và ngành du lịch Quảng Nam đã tổ chức hàng chục cuộc gặp mặt, tọa đàm cùng các doanh nghiệp để lắng nghe và định hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến sự cạnh tranh không lành mạnh trong môi trường du lịch địa phương. Thế nhưng, tình trạng copy tour vẫn không giảm, tỷ lệ khách quay trở lại ngày càng ít, doanh thu của ngành du lịch chủ yếu vẫn từ dịch vụ lưu trú là chính. Thêm nữa, tình trạng đưa khách “đi chui” trốn vé tham quan diễn ra không giảm, tỷ lệ trốn vé trọn gói tham quan quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An có tháng chiếm đến 45% tổng lượt khách. Đề cập về vấn đề này, ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhấn mạnh: “Mỗi doanh nghiệp phải nhận thức được rằng chất lượng và ứng xử văn minh, văn hóa trong quá trình kinh doanh dịch vụ chính là điều cơ bản để phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Cộng đồng cư dân, chủ doanh nghiệp, nhân viên khi làm gì cũng phải nghĩ mình là người Hội An, làm thế nào để không tổn hại đến uy tín của Hội An”.

QUỐC HẢI

QUỐC HẢI