Gian nan xóa điện vùng "lõm"
Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh vẫn còn “lõm” điện do trước đây chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống mạng lưới điện xuống cấp, trong khi đó việc đầu tư nâng cấp lưới điện sau khi tiếp nhận từ các địa phương hiện gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn.
Thực tế từ Tam Kỳ
Nhiều năm trước, trên địa bàn Tam Kỳ có rất nhiều khu vực thường xuyên bị thiếu điện. Đặc biệt vào những giờ cao điểm (từ 10 – 12 giờ và từ 17 – 19 giờ) ở nhiều khu vực như Tam Ngọc, Trường Xuân, Tam Phú…, điện áp không ổn định đã làm cho nhiều thiết bị điện không sử dụng được, hoặc hay bị hư hỏng do điện áp tăng giảm đột ngột. Để có điện dùng, các hộ dân đã phải sử dụng nhiều giải pháp như dùng ổn áp, kích điện nhưng vẫn không thay đổi được tình trạng trên. Nghịch lý là nhiều khu vực ở vùng nông thôn có nguồn cung ứng điện ổn định nhưng ngay TP.Tam Kỳ có đến hàng chục khu vực vẫn còn “lõm” điện, điện áp không ổn định. Theo ông Thái Văn Trương - Giám đốc Điện lực Tam Kỳ, tồn tại nghịch lý trên do trước đây, Điện lực Tam Kỳ chỉ trực tiếp đầu tư và bán điện ở các phường nội thị, còn các xã, phường lân cận thì do các HTX nông nghiệp và tổ chức kinh doanh điện nông thôn trực tiếp quản lý và bán điện. Nguồn vốn đầu tư cho các công trình điện chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhân dân và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư có hạn, nhiều hạng mục công trình điện đầu tư chắp vá, chỉ ưu tiên tập trung đầu tư ở khu dân cư đông đúc, còn ở vùng thưa dân cư thì “bỏ ngỏ”. Các hộ dân muốn có điện phải tự túc kéo dây, không theo quy chuẩn kỹ thuật nào. Từ khi thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành điện quản lý, Điện lực Tam Kỳ mới chính thức tiếp nhận toàn bộ lưới điện các xã phường trên địa bàn. Thực trạng chung của lưới điện sau khi ngành điện tiếp nhận phần lớn thiết kế không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, bán kính cấp điện tương đối lớn, đường dây nhỏ, manh mún nhiều chủng loại, vừa mất an toàn vừa gây tổn thất điện năng, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Để đầu tư nâng cấp, nâng cao chất lượng điện cung ứng thì cần nguồn vốn đầu tư khá lớn.
Điện lực Tam Kỳ nâng cấp nguồn và lưới điện cho xã Tam Thăng. |
Trước thực trạng đó, ngay từ năm 2011, UBND TP.Tam Kỳ và Công ty Điện lực Quảng Nam đã lập dự án đầu tư cung cấp điện cho các vùng “lõm” trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ kéo mới gần 20km đường dây trung, hạ thế và cải tạo, lắp mới 3 trạm biến áp (TBA) ở xã Tam Thăng, Tam Phú. Sau 3 năm triển khai đầu tư, đến nay toàn thành phố đã tổ chức đóng điện 25 công trình (gồm kéo mới hơn 15km đường dây trung, hạ thế và đã lắp mới 2 TBA xã Tam Phú, Tam Thăng). Theo ông Trương, kế hoạch các hạng mục còn lại của dự án hoàn thiện lưới điện khu vực TP.Tam Kỳ sẽ phấn đấu hoàn thành dứt điểm trong năm 2014 và sẽ cơ bản xóa điện vùng “lõm” trên địa bàn Tam Kỳ.
Nỗ lực nâng cấp lưới điện
Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 30% số hộ được cấp điện nhưng điện lưới cung cấp chưa đảm bảo chất lượng. Nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, các dự án cấp điện trước đây chỉ đưa điện đến những vùng địa hình, khu dân cư thuận lợi, còn ở những vùng dân cư thưa thớt, địa hình cách trở thì chưa tính đến. Để từng bước nâng cao chất lượng cung ứng và phủ điện ở các khu dân cư còn “lõm điện”, những năm qua, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã tranh thủ các nguồn vốn tổ chức quốc tế, triển khai nhiều dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, dự án đầu tư cấp điện cho 49 xã thuộc 9 huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Phú Ninh, Núi Thành, Hiệp Đức, Quế Sơn và Nông Sơn bằng nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) với tổng kinh phí 189 tỷ đồng. Quy mô xây dựng mới và cải tạo 432km đường dây trung hạ thế, 30 TBA, lắp đặt mới và thay thế gần 47.000 công tơ. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành nghiệm thu và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2014. Mới đây, EVNCPC đã có quyết định phê duyệt triển khai 2 dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn trên địa bàn Quảng Nam. Đó là dự án phân phối hiệu quả (DEF) vay vốn ADB có quy mô xây dựng 162km đường dây, thay mới 54 TBA, dung lượng 16.780kVA, triển khai đầu tư ở 7 huyện, thành phố. Dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn vay vốn từ ADB (giai đoạn 2) với tổng vốn đầu tư hơn 429 tỷ đồng. Theo đó, kéo mới và cải tạo 54km đường dây trung áp, 88 TBA cung cấp điện cho 136 xã, 12 thị trấn, 10 phường thuộc 17 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, dự án đang xúc tiến triển khai thi công và hoàn thành vào cuối năm 2015.
Như vậy, trong vòng 4 năm (2011- 2014), chưa tính phần vốn đối ứng cho các đơn vị trực thuộc đầu tư cho các công trình hoàn thiện chống quá tải, sửa chữa lớn, nguồn vốn của EVNCPC đã đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện khu vực nông thôn ở Quảng Nam đã lên đến 674 tỷ đồng. Nhờ đó, các dự án đưa vào sử dụng, bước đầu đã nâng cao hiệu quả và khả năng cung cấp điện. Tuy nhiên, theo ước tính tổng nguồn vốn đầu tư trên mới chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu vốn cải tạo, nâng cấp và mở rộng lưới điện ở Quảng Nam. Số vốn còn thiếu vẫn khá lớn, chủ yếu đầu tư, mở rộng “phủ điện” lại rơi vào ở các xã miền núi, vùng sâu vùng xa. Theo ông Trần Đình Thanh - Tổng Giám đốc EVNCPC, các nguồn vốn đầu tư cho các công trình điện hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay thương mại, nhưng tình hình chung là kinh doanh điện nông thôn, miền núi hiệu quả thấp nên việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại gặp khó khăn. Chính vì vậy, trong những năm đến, Quảng Nam cũng cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi để tập trung đầu tư, nâng cấp cải tạo lưới điện.
HÀ ĐẶNG