Sản phẩm làng nghề Quảng Nam: Mang chuông đi đánh xứ người
Tại Festival Huế 2014, Quảng Nam tham gia Hội chợ thương mại quốc tế với 14 gian hàng sản phẩm thương mại và làng nghề truyền thống. Dù hội chợ đã đi được nửa chặng đường (ngày 18.4 kết thúc) nhưng doanh số bán ra của nhiều gian hàng Quảng Nam vẫn chưa như ý muốn.
Ít người mua
Trong số 14 gian hàng của 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ lần này là Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Thăng Bình, Đông Giang, Tiên Phước và Núi Thành thì sản phẩm thủ công làng nghề chiếm số lượng lớn nhất. Có thể kể đến gốm Lê Đức Hạ (Điện Bàn), hương trầm Quán Hương, bánh phở khô Thành Mỹ (Thăng Bình), thổ cẩm Đhrôồng (Đông Giang), gốm Thanh Hà, đèn lồng Hội An… Đây có thể xem là một trong những chuyến xuất hàng rầm rộ nhất của đoàn Quảng Nam tại các kỳ hội chợ trong nước. Ngoài những sản phẩm đã trở thành thương hiệu, một số sản phẩm mới dịp này cũng được giới thiệu đến người dân Huế và du khách gần xa như hương trầm Quán Hương, nước mắm Cửa Khe, gỗ Ngọc Trị (Thăng Bình) hay chè Quyết Thắng, thổ cẩm Đhrôồng (Đông Giang)... Tuy nhiên, qua 4 ngày hội chợ mở cửa hầu hết gian hàng đều vắng bóng người mua.
Sản phẩm một số làng nghề Quảng Nam chưa mang đặc trưng nên khó cạnh tranh với sản phẩm làng nghề nơi khác.Ảnh: VĨNH LỘC |
Theo anh Ngô Văn Quốc – chủ cơ sở mỹ nghệ Đông Hải (Núi Thành), mỗi ngày gian hàng của anh bán chưa đến 500 nghìn đồng, thậm chí tại gian hàng gỗ Ngọc Trị 3 ngày qua mới chỉ bán được một bình gỗ nhỏ giá 400 nghìn đồng, không đủ chi phí ăn ở cho thành viên trong đoàn. Những gian hàng mỹ nghệ thủ công còn lại như gốm Thanh Hà, gốm Lê Đức Hạ hay hương trầm Quán Hương, nước mắm Cửa Khe… dù được xem là bán chạy hơn do giá tiền thấp, sản phẩm nhỏ gọn, đa dạng nhưng doanh thu cũng chưa đến một triệu đồng mỗi ngày. Anh Quốc cho rằng, nguyên nhân chính là do năm nay có quá nhiều gian hàng tham gia, sức mua thấp. Bên cạnh đó, vị trí các gian hàng Quảng Nam nằm khuất xa với bên ngoài nên cũng hạn chế khách đến tham quan mua sắm. “Ở các hội chợ khác một ngày tôi bán được 4 - 5 triệu đồng, còn ở đây thì tiền lời tính chưa đủ ngày công” - anh Quốc nói. Một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là mẫu mã sản phẩm một số làng nghề Quảng Nam chưa có sự khác biệt đặc trưng nên khó cạnh tranh với sản phẩm làng nghề nơi khác. “Hy vọng những ngày tới, nhất là ngày cuối cùng sẽ bán được hàng vì tâm lý chung của người mua thường chờ đến ngày bế mạc” - anh Quốc tâm sự.
Cơ hội quảng bá
Theo ông Lê Đình Đối – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn công nghiệp Quảng Nam (Sở Công Thương), để tạo điều kiện cho các cơ sở, làng nghề tham gia hội chợ, trung tâm đã hỗ trợ 50% chi phí thuê mặt bằng tại mỗi gian hàng, các chi phí còn lại (chủ yếu là vận chuyển) đều do địa phương cử đi chi trả. Tuy nhiên, tùy vào từng nơi mà mức hỗ trợ cũng khác nhau, như Điện Bàn, Thăng Bình hỗ trợ 50%; Hội An hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển. Riêng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đông Giang hỗ trợ trọn gói 100% chi phí ăn ở, đi lại cho đoàn… Đặc biệt, Hội chợ thương mại quốc tế Festival Huế 2014 được xem là có quy mô lớn từ trước đến nay, do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức với trên 600 gian hàng của hơn 350 doanh nghiệp và 26 tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Ninh Bình… Ngoài ra, còn có hàng chục gian hàng của doanh nghiệp FDI đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ là Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Malaysia, Mỹ, Pháp, Đức… nên việc tham gia hội chợ của các làng nghề Quảng Nam sẽ là cơ hội tốt để các cơ sở nâng cao tính cạnh tranh cũng như liên kết xúc tiến thương mại.
Bà Ngụy Thị Bê – cơ sở sản xuất gốm Ngụy Trung Hậu (Thanh Hà, Hội An) cho rằng, mục đích tham gia hội chợ không chỉ là bán hàng mà còn hướng đến quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phảm thủ công mỹ nghệ làng nghề. Tại Hội chợ Festival Huế lần này cơ sở sản xuất gốm của bà ngoài việc bán sản phẩm cũng sẽ tập trung vào việc tìm đối tác để làm đại lý phân phối gốm Thanh Hà tại Huế. Tuy nhiên, đến nay ngoài cơ sở làng nghề hương truyền thống Tấn Hiếu (làng Quán Hương – Thăng Bình) đã ký được một hợp đồng thì mục đích này vẫn chưa đạt được với các cơ sở, làng nghề và doanh nghiệp Quảng Nam. “Thật ra tìm đại lý phân phối, bán sỉ tại Huế sau này mới quan trọng chứ bán lẻ từng con tò he vài nghìn như vậy thì ăn thua gì” - bà Bê nói.
Dù doanh thu của các gian hàng Quảng Nam tại hội chợ vẫn chưa như ý muốn nhưng không thể phủ nhận một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ làng nghề xứ Quảng bước đầu đã được người dân Huế và du khách biết đến. Đặc biệt, hội chợ cũng là dịp để các doanh nghiệp, làng nghề Quảng Nam nhìn nhận lại những lợi thế cũng như hạn chế của mình để có những thay đổi, điều chỉnh, nhất là trong việc cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong thời gian đến.
VĨNH LỘC