Hiệu quả từ phân vi sinh hữu cơ

HOÀNG YÊN - TRÚC LY 14/04/2014 11:50

Hiện nay, đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang áp dụng phương thức canh tác: bón phân vi sinh giúp tăng năng suất trồng lúa nước. Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học này đã đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

NĂM ngoái, mô hình sử dụng phân vi sinh canh tác lúa cải tiến SRI được triển khai đã cho năng suất cao, người dân ai nấy đều phấn khởi. Năm nay, mô hình bón phân vi sinh càng được bà con hưởng ứng. Trưởng thôn Tà Vàng (xã A Tiêng), anh Pơloong Nhốt cho biết: “Trước đây, bà con thôn mình chỉ quen làm theo tự nhiên chứ không dùng phân bón, cũng không biết kỹ thuật canh tác, do đó năng suất rất thấp. Hiện tại, tất cả người dân thôn Tà Vàng đều sử dụng phân vi sinh bón cho đồng ruộng. Vụ hè thu vừa qua, năng suất trồng lúa nước tăng gần 50% so với trước kia. Làm cũng chừng đó diện tích mà lúa nhiều gấp đôi so với trước kia”. Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phân vi sinh hữu cơ, phục vụ trồng lúa nước dựa trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, nhằm xây dựng và phát triển vùng trồng lúa, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Theo đó, nguyên liệu dùng để sản xuất phân hữu cơ vi sinh được dùng từ nguồn phế thải chăn nuôi, phế thải chế biến, phế phụ phẩm trong nông nghiệp, than bùn...  Nhận thấy lợi ích từ phân bón, người dân trên địa bàn huyện Tây Giang áp dụng rộng rãi. Kỹ thuật ủ phân xanh được các cán bộ Phòng Khuyến nông - khuyến ngư huyện hướng dẫn tận tình cho các hộ dân. Đồng thời các chế phẩm sinh học phục vụ việc ủ phân được chuyển giao về cho bà con. Hiện tại, các hộ dân trên địa bàn huyện đã có thể tự mình sản xuất phân vi sinh tại nhà. Vụ hè thu vừa qua, năng suất lúa đạt 40 tạ/ha, khá cao so với canh tác truyền thống, bà con nơi đây rất vui mừng. Đang rải phân cho đám ruộng nhà mình, chị Pơloong Thị Brái (thôn Tà Vàng) chia sẻ: “Chúng tôi rất ngại phải bón phân vô cơ, bởi nó gây bạc màu cho đất. Từ ngày được cán bộ hướng dẫn cho cách làm phân bón bằng những phế phẩm sinh học, tận dụng lá cây rừng và phân gia súc, cho chế phẩm vi sinh Bima vào để ủ tạo ra phân bón kích thích cây trồng phát triển, năng suất trồng lúa cao hơn hẳn. Vụ trước lúa đạt kết quả tốt, vụ này tôi tiếp tục sử dụng loại phân bón này”.

Những đám ruộng được người dân thôn Tà Vàng bón phân hữu cơ vi sinh lên xanh tốt. Ảnh: H.Y
Những đám ruộng được người dân thôn Tà Vàng bón phân hữu cơ vi sinh lên xanh tốt. Ảnh: H.Y

Mô hình này hiện đã được phổ biến rộng rãi tại các xã A Nông, A Tiêng, Lăng, Dang... Ở các xã vùng cao như A Xan, Ga Ri, Ch’Ơm, công tác chuyển giao kỹ thuật cũng đang được xúc tiến, với mong muốn giúp bà con nâng cao năng suất cây trồng. Ông Trần Văn Ta, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Tây Giang cho biết: “Phân hữu cơ vi sinh không ảnh hưởng tới môi trường mà hiệu quả lại cao, do đó bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Sau thành công của việc trồng lúa, chúng tôi cũng mong muốn áp dụng mô hình này vào trồng bắp, khoai, sắn để tăng hiệu quả sản xuất”.

Diện tích trồng lúa ở huyện Tây Giang không nhiều, việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh làm năng suất tăng cao trong khi chi phí thấp, là một hướng canh tác hiệu quả.

HOÀNG YÊN - TRÚC LY

HOÀNG YÊN - TRÚC LY