Ứng dụng KH-CN tại Đông Giang: Cần chiến lược dài hơi
Thời gian gần đây, có khá nhiều chương trình, dự án ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất nông nghiệp được triển khai tại Đông Giang. Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả thiết thực và vấn đề hậu dự án vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhiều dự án
Năm 2013, dự án trồng rau an toàn trên cơ sở hợp tác giữa UBND huyện Đông Giang và Công ty CP Sản xuất rau sạch TP.Hồ Chí Minh được thiết lập. Dự kiến, 20 hộ dân của thôn 1 và 2, xã Ba sẽ tham gia sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa. Theo cam kết, phía công ty hỗ trợ toàn bộ giống rau cho bà con, hỗ trợ kỹ thuật, người dân chỉ cần góp đất, tham gia vào quá trình sản xuất và được hưởng lợi toàn bộ sản phẩm thu được. Công ty đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Dự án được kỳ vọng mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng cao Đông Giang, góp phần tăng thu nhập cho người dân, đối tượng chủ yếu sống nhờ vào nương rẫy. Ông Phan Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Ba thông tin: “Lâu nay, bà con tại xã Ba chỉ trồng rau theo kiểu tự cung tự cấp chứ chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Khi nghe tin có dự án và cam kết từ phía công ty, bà con rất phấn khởi. Địa phương đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất, phía công ty đã khảo sát, đánh giá điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đồng thời tổ chức gieo trồng thí điểm để đánh giá khả năng thích nghi của một số giống rau. Hiện chỉ chờ phía công ty xúc tiến dự án”.
Người dân vẫn loay hoay với những mô hình sản xuất nông nghiệp. Ảnh: H.LIÊN |
Theo ông Phan Hữu Thành - Phòng NN&PTNT huyện Đông Giang, mô hình trồng song mây dưới tán rừng tại Đông Giang được đánh giá cao bởi hiệu quả và mặt xã hội mà nó mang lại. Mô hình đã được đông đảo bà con hưởng ứng. Song mây trồng dưới tán rừng, không chiếm đất, không tốn nhiều công đầu tư, chăm sóc mà hiệu quả lại cao. Gần đây, song mây trên thị trường có sức tiêu thụ rộng rãi, bà con không phải lo sợ về đầu ra. Năm 2010, diện tích trồng song mây của Đông Giang là 1.100ha. Huyện đã phát triển được 900.000 cây giống mây nước, song mật và mô hình đang được định hướng nhân rộng trong dân. Một mô hình đem lại hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế của đồng bào miền núi là mô hình trồng chuối mốc thâm canh được triển khai tại xã Ma Cooih. Loại cây trồng này được định hướng trở thành một trong những cây hàng hóa của vùng cao Đông Giang. Chủ trương của huyện là phát triển vùng trồng chuối với diện tích 550ha vào năm 2015 (hiện khoảng 400ha). Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo nhờ cây chuối mốc. Tại một số nơi của vùng triển khai mô hình đã hình thành một số đầu mối thu mua, bao tiêu sản phẩm. Ước tính, mỗi hecta chuối thâm canh ít nhất đem lại thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng.
Hậu dự án
Tuy nhiên, những mô hình có hiệu quả lâu dài lại không nhiều. Cụ thể như mô hình trồng lúa cải tiến (SRI) ở Đông Giang, nhờ thực hành theo mô hình, năng suất và sản lượng lúa nước tăng lên đáng kể: 45 tạ/ha (vượt 10 tạ/ha so với sản xuất truyền thống). Khi dự án triển khai, bà con được “cầm tay chỉ việc” từ cách chế biến phân vi sinh cho đến quy trình chăm sóc, nhờ vậy mà năng suất và sản lượng tăng cao. Tuy nhiên, mô hình kết thúc thì sản phẩm từ mô hình cũng… đi theo. Ông Phan Hữu Thành cho rằng, bài toán đặt ra trong lĩnh vực ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất trước hết phải thay đổi nhận thức của người dân tham gia. Chỉ khi thay đổi được nhận thức của đồng bào miền núi thì hiệu quả của nguồn vốn đầu tư mới thay đổi.
Mới đây, huyện Đông Giang có chủ trương cấp kinh phí gần 200 triệu đồng đầu tư hình thành vùng trồng rau an toàn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại xã Ba trên cơ sở 5ha đã quy hoạch. Tuy nhiên, huyện cũng đang chờ câu trả lời từ phía công ty rau sạch tại TP.Hồ Chí Minh trong việc xúc tiến dự án, cam kết bao tiêu sản phẩm bởi đầu ra cho nông sản là vấn đề địa phương hết sức quan tâm. Nếu triển khai vùng sản xuất rau mà không tính đến đầu ra sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ. “Không sợ sản xuất cái gì mà chỉ lo ngại giá cả, đầu ra. Việc nhân rộng mô hình một cách thiếu quy hoạch, thiếu tính toán, thiếu khâu liên kết với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm sẽ dẫn tới hệ lụy rất lớn” - ông Thành nói. Đề cập dự án trồng mít cao sản triển khai tại 3 xã trên 6ha với 60 hộ tham gia, ông Thành cho biết thêm, địa phương đang cân nhắc có nên nhân rộng sau khi dự án kết thúc hay không bởi nếu không tính đến đầu ra thì vô tình đẩy người dân vào chỗ khó.
Một vấn đề bức bách nữa là đề tài/dự án KH-CN về miền núi nói chung, Đông Giang nói riêng vẫn còn ít so với nhu cầu thực tiễn, nhất là những đề tài, dự án gắn với sản xuất, mang tính định hướng phát triển kinh tế. “Ngay cả trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, cái mà miền núi cần là cái mới, chứ nếu đưa vào nghiên cứu, ứng dụng những cái mà miền núi đã có hay đã làm được thì dự án/đề tài đó sẽ không thiết thực và gây lãng phí thời gian lẫn ngân sách” - ông Thành nhấn mạnh.
HOÀNG LIÊN