Luồng đầu tư mới ở ngành dệt may

TRUNG LỘ 05/04/2014 08:08

Sau hơn một năm, kể từ khi Tập đoàn Dệt may Việt Nam cùng UBND tỉnh ký kết chương trình hợp tác đầu tư triển khai các dự án dệt may trên địa bàn Quảng Nam, đến nay đã có nhiều dự án lớn khởi công và đi vào hoạt động sản xuất, mở ra cơ hội mới cho ngành dệt may phát triển.

Nhiều dự án mới

Chỉ sau 3 tháng ký kết chương trình hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dệt may Việt Nam và UBND tỉnh, dự án đầu tiên được khởi công xây dựng là nhà máy may Hòa Thọ - Hiệp Đức được đầu tư tại huyện Hiệp Đức. Đây là dự án được huy động vốn đầu tư của 3 doanh nghiệp (DN) tham gia gồm Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (Dệt may Hòa Thọ), Công ty CP Đầu tư Vinatex (Đà Nẵng) và Công ty TNHH Tuấn Đạt. Nhà máy may Hòa Thọ - Hiệp Đức được lắp đặt mới 8 dây chuyền sản xuất với tổng vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng và đang giải quyết việc làm cho 400 lao động địa phương. Cùng thời điểm nay, Dệt may Hòa Thọ đã hoàn tất các thủ tục và chuẩn bị khởi công thêm 2 dự án nhà máy may vào cuối tháng 4 này. Đó là dự án nhà máy may Bình Phục (Thăng Bình) với diện tích thuê đất 6ha, lắp đặt 12 chuyền may, tạo việc làm cho 640 lao động địa phương, tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng và dự án nhà máy tại xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) với quy mô lắp đặt 10 chuyền may, giải quyết việc làm cho 600 lao động, tổng vốn giai đoạn I lên đến 40 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra của Dệt may Hòa Thọ phấn đấu đưa 2 dự án đi vào sản xuất trong tháng 8.2014.

Để được hưởng thuế suất 0%, nguyên phụ liệu ngành dệt may phải được sản xuất tại các nước thành viên TPP.
Để được hưởng thuế suất 0%, nguyên phụ liệu ngành dệt may phải được sản xuất tại các nước thành viên TPP.

Không dừng lại đầu tư các dự án nhà máy may mới, Dệt may Hòa Thọ cũng đang xúc tiến lập các dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng các nhà máy may trực thuộc trên địa bàn Quảng Nam. Cụ thể, đầu tư thêm cơ sở và lắp đặt thêm 2 chuyền sản xuất hàng dệt kim ở Công ty May Hòa Thọ - Điện Bàn; dự án đầu tư mở rộng lắp đặt thêm 7 chuyền may ở Công ty May Hòa Thọ - Duy Xuyên; dự án cải tạo và đầu tư mở rộng nhà xưởng dây chuyền khâu cắt và khâu hoàn thiện ở Công ty May Hòa Thọ - Hội An. Riêng 3 dự án đầu tư nâng cấp mở rộng với tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Một dự án được xem sẽ tạo đột phá trong chiến lược phát triển của DN để chủ động nguồn nguyên phụ liệu cho ngành dệt may trong thời gian đến là dự án Khu liên hợp sợi - dệt nhuộm - may Hương An tại Cụm công nghiệp Quế Sơn (khu nhà máy đường cũ). Theo ông Trần Văn Phổ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Dệt may Hòa Thọ, đến nay các thủ tục đầu tư đã cơ bản hoàn tất, nếu như trong năm nay, về thủ tục thuê đất được hoàn tất và nhận bàn giao, Dệt may Hòa Thọ sẽ triển khai đầu tư ngay. Trước mắt sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sợi quy mô từ 2 - 3 vạn cọc sợi, dự án nhà máy dệt nhuộm 20 triệu mét vuông/năm và nhà máy may với 20 chuyền may. “Đây là một trong số các dự án nằm trong kế hoạch tăng tốc đầu tư của Dệt may Hòa Thọ nhằm thực hiện mục tiêu đạt 3.000 tỷ đồng ở năm 2014 và chuẩn bị nắm bắt cơ hội từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ được ký kết ngay trong năm nay” – ông Phổ nói.

Công ty May Tuấn Đạt đang tăng tốc đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ, thiết bị hiện đại để đón đầu TPP.
Công ty May Tuấn Đạt đang tăng tốc đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ, thiết bị hiện đại để đón đầu TPP.

Thách thức trước TPP

Theo ông Trần Văn Phổ, TPP là thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi ký kết, TPP sẽ loại bỏ từ 90% trở lên các rào cản thương mại đối với hàng hóa, dịch vụ (dệt may, giày da, nông sản...) của đối tác tham gia hiệp định và đưa ra lộ trình giảm thuế suất các mặt hàng về 0%. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của DN dệt may trong nước là nguồn nguyên liệu nội địa cung cấp cho dệt may, nhất là mặt hàng sợi chưa đáp ứng mà phải nhập khẩu. Vì nguyên liệu bông trong nước hiện nay chỉ cung cấp được từ 1 - 3% cho sản xuất sợi, còn nguyên liệu vải chỉ cung cấp được từ 20 - 25% cho ngành may nội địa và xuất khẩu.

Nhà máy may Hòa Thọ - Hiệp Đức đi vào sản xuất, bước đầu giải quyết việc làm cho 400 lao động địa phương.
Nhà máy may Hòa Thọ - Hiệp Đức đi vào sản xuất, bước đầu giải quyết việc làm cho 400 lao động địa phương.
Cần tập trung đầu tư chuyển đổi phương thức may truyền thống
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, ngành dệt may được coi là một trong những ngành có nhiều lợi thế khi TPP được ký kết, nhưng điều quan trọng là các DN dệt may ở Quảng Nam có đáp ứng được yêu cầu để được hưởng lợi thế đó hay không đang là câu chuyện cần phải bàn. Ngay từ thời điểm này, không còn con đường nào khác, các DN dệt may Quảng Nam cần phải xây dựng chiến lược cụ thể, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư chuyển đổi phương pháp gia công truyền thống CMT (cắt – ráp – hoàn thiện) sang phương thức FOB (mua nguyên liệu - bán thành phẩm), từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất và sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế. Ngoài ra, các DN dệt may cũng cần nhanh nhạy nắm bắt thông tin, củng cố nguồn lực chất lượng cao, đầu tư phát triển về công nghệ, kỹ năng quản lý, tăng năng lực cạnh tranh để có thể tận dụng tối đa cơ hội và ứng phó được với những thách thức từ TPP.

Trước những cơ hội và thách thức trước ngưỡng cửa TPP, trong chương trình ký kết hợp tác đầu tư đối với Quảng Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang xác định Quảng Nam là một trong những tỉnh thành trọng điểm để phát triển ngành dệt may của cả nước. Trong những năm đến, Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc đầu tư vào địa bàn tỉnh những dự án công nghiệp phụ trợ với quy mô lớn, hiện đại để chủ động cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành may trong nước. Theo đó, cùng với xúc tiến triển khai đầu tư các khu liên hợp sợi - dệt nhuộm - may Hương An, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang tiến hành điều tra, lập dự án đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu trồng bông trên địa bàn tỉnh. DN đã xác định 3 địa phương gồm Thăng Bình, Duy Xuyên và Đại Lộc có khả năng trồng bông trang trại theo công nghệ có tưới. Từ nay đến năm 2020, Dệt may Hòa Thọ sẽ tiến hành quy hoạch trồng khoảng 10.000ha cây nguyên liệu bông, trong đó giai đoạn đầu sẽ triển khai trồng khoảng 2.000ha cây bông.

TPP đặt ra quy định về quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may của các nước thành viên để được hưởng thuế suất 0%, đó là công thức “từ sợi trở đi”, tức là các công đoạn từ kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và may phải được sản xuất tại các nước thành viên TPP. Điều này đã gây khó cho các DN may ở Quảng Nam vốn chủ yếu may hàng gia công. Chẳng phải ngẫu nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư ở ngành dệt may nước ngoài đã đến Quảng Nam khảo sát, nghiên cứu và triển khai đầu tư các dự án quy mô lớn, đồng bộ, khép kín; đặc biệt xúc tiến đầu tư các dự án công nghiệp phụ trợ của ngành dệt may như sợi, dệt, nhuộm... để đón đầu khi TPP có hiệu lực.

TRUNG LỘ

TRUNG LỘ