Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Nhìn từ Đà Nẵng

NGUYỄN THANH BÌNH 29/03/2014 10:31

Sau hơn 15 năm, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC) đã góp phần trẻ hóa và làm chuyển biến về chất đội ngũ cán bộ công nhân viên chức,  đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, chiến lược này vẫn còn nhiều “độ vênh” với thực tiễn.

Thành quả

Sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhằm xây dựng và phát triển NLCLC, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Từ đó, thành phố đã triển khai đồng bộ chiến lược  NLCLC, bao gồm 3 nguồn chính. Thứ nhất, tạo nguồn NLCLC từ bậc THPT từ sớm, cụ thể là xây dựng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn theo định hướng chất lượng cao với đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên giỏi và chế độ ưu đãi cho giáo viên – học sinh. Nhờ vậy, đến nay Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã trở thành một trong những trường dẫn đầu trong hệ thống trường chuyên cả nước. Thứ hai, thu hút NLCLC đối với những người tự nguyện đến làm việc lâu dài tại thành phố. Đối tượng khá đa dạng như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, bác sĩ nội trú... Sau 15 năm thực hiện, thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.043 cán bộ, trong đó có 13 tiến sĩ, 224 thạc sĩ, 806 người tốt nghiệp đại học và 45 người tốt nghiệp đại học nước ngoài. Phần lớn số này được bố trí công tác tại các sở, ban, ngành thành phố, còn lại bố trí khối quận, huyện và phường, xã. Nhiều cán bộ thuộc diện thu hút nhân tài này đã trưởng thành tại Đà Nẵng, trong đó có 297 người trở thành đảng viên, 206 người được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên.

Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - một trong những trường dẫn đầu trong hệ thống trường chuyên cả nước.
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - một trong những trường dẫn đầu trong hệ thống trường chuyên cả nước.

Ngoài ra, từ nguồn đào tạo nhân lực theo đề án Phát triển NLCLC của thành phố (Đề án 922), đến cuối tháng 2.2014 đã có 608 lượt người tham gia đào tạo đại học, sau đại học trong nước và quốc tế. Đến nay, đã có 250 học viên được đào tạo theo Đề án 922 về nhận công tác, qua đó có 30 người được bổ nhiệm cán bộ quản lý cấp phòng, cán bộ lãnh đạo cấp sở, tương đương. Ngoài ra, hàng năm thành phố cử ít nhất 20% cán bộ công chức viên chức đang công tác đi đào tạo, bồi dưỡng sau đại học, học lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước. Cụ thể, bình quân giai đoạn 1998 - 2007 có  hơn 2.500 lượt/năm; giai đoạn 2008 - 2013 có 4.000 lượt/năm. Trong đó, chú trọng đào tạo sau đại học, từ năm 2004 đến nay bình quân mỗi năm có đến 100 trường hợp (2 - 3 tiến sĩ).  Đây thực sự là một trong những nguồn lực quý của thành phố, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đột phá mới

Tại Hội nghị tổng kết công tác phát triển NLCLC, ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo và kịp thời của thành phố. Sau hơn 15 năm, công tác phát triển NLCLC đã góp phần trẻ hóa và làm chuyển biến về chất đội ngũ cán bộ công chức viên chức; bổ sung nhiều cán bộ có trình độ, có năng lực, dám nghĩ, dám làm và có khả năng đảm đương dần những trọng trách trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Để có những kết quả đó, thành phố đã mạnh dạn đầu tư gần 560 tỷ đồng cho công tác này.

Tuy nhiên, công tác phát triển NLCLC của TP.Đà Nẵng 15 năm qua vẫn còn nhiều hạn chế. Nổi cộm là việc triển khai các giải pháp phát triển NLCLC gồm thu hút - đào tạo - bồi dưỡng chưa được đồng bộ; việc xây dựng chỉ tiêu ngành nghề cần đào tạo, số lượng con người, vị trí cần thu hút, chưa bám sát vào nhu cầu nhân lực trước mắt cũng như quy hoạch nhân lực dài hạn trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Công tác thu hút còn thiếu tính chủ động, cạnh tranh và bền vững. Chưa thu hút được các chuyên gia đầu ngành, đầu lĩnh vực về làm việc cho thành phố. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa làm tốt việc quản lý, sử dụng NLCLC. Cũng không ít trường hợp cán bộ NLCLC “phá bĩnh”, 26 lượt người vi phạm hợp đồng đào tạo (chiếm 4,28% tổng số học viên). Ngành y tế TP.Đà Nẵng là nơi thụ hưởng nhiều nhất NLCLC (217 người, chiếm 23,6%) nhưng cũng là nơi đang thiếu bác sĩ trầm trọng nhất. Đặc biệt, ngành du lịch thiếu vắng chuyên gia giỏi, còn lĩnh vực văn hóa thì “bỏ trống” không có một học viên nào trong số được thu hút - đào tạo - bồi dưỡng.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ, để công tác phát triển NLCLC hiệu quả, thành phố cần tiếp tục nỗ lực đột phá mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn. Trước hết, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện mũi đột phá thứ năm về phát triển nhanh NLCLC, coi đây là một trong những điều kiện thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đề ra. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tạo nguồn để phát triển, tổ chức đồng bộ công tác dự báo và quy hoạch, triển khai hiệu quả công tác đào tạo - thu hút NLCLC.

NGUYỄN THANH BÌNH

NGUYỄN THANH BÌNH