Tụt hạng năng lực cạnh tranh

TRỊNH DŨNG 28/03/2014 11:21

Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2013 của Quảng Nam đã bị tụt đến 12 bậc, đứng vị thứ 27, rơi vào nhóm khá. Đây là điều cần phải tiến hành mở những cuộc hội nghị để phân tích, xem xét, đánh giá lại chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền và các cơ quan quản lý, để nâng cao vị thế địa phương trong việc tìm kiếm thu hút các nhà đầu tư.

Liên tục tụt hạng

Những cuộc khảo sát, điều tra, tập hợp “tiếng nói” của 8.093 doanh nghiệp (DN) dân doanh tại 63 tỉnh, thành và phản ánh cảm nhận của 1.609 DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam đã đưa ra một bức tranh PCI 2013 toàn diện về môi trường đầu tư, kinh doanh hiện tại. Chỉ tính riêng vùng duyên hải miền Trung, nếu Đà Nẵng sau vài năm tụt hạng đã trở lại ngôi quán quân thì sự bứt phá của Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi để lọt vào nhóm rất tốt đã cho thấy những nỗ lực của Quảng Nam vẫn chưa đủ cho vùng đất này “thăng hạng”. Kết quả cho thấy, Quảng Nam chỉ đạt 58,76 điểm của 10 chỉ số thành phần, rơi từ nhóm tốt xuống nhóm khá và tụt 12 bậc, đứng vào vị thứ 27 so với 15 của năm 2012. So với vùng duyên hải miền Trung, Quảng Nam đứng vị thứ 6, nhưng lại nằm “chót bảng” của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Năm 2013, nếu như 6 chỉ số thành phần (tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng và thiết chế pháp lý) tăng điểm đôi chút thì 4 chỉ số thành phần còn lại (chi phí gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ DN) rớt điểm thê thảm. Nhất là đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ DN nhiều năm qua vẫn chỉ dừng ở mức 4 hoặc 5 điểm, được xem là điểm yếu nhất của Quảng Nam.

Doanh nghiệp rất cần thêm những cuộc đối thoại và tham vấn. Ảnh: T.D
Doanh nghiệp rất cần thêm những cuộc đối thoại và tham vấn. Ảnh: T.D

Những cuộc khảo sát PCI hay các cuộc điều tra, tham vấn DN về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh gần đây đều không mang lại những dấu hiệu thay đổi khả quan. Hầu hết DN đều muốn thấy sự thay đổi về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và duy trì cơ chế đối thoại giữa chính quyền và DN. Hiện vẫn tồn tại một căn bệnh trầm kha, nhiều năm không giải quyết nổi là chuyện “trên bảo dưới không nghe”. Tất cả chủ trương, vướng mắc… của DN đều đã được chính quyền tỉnh hỗ trợ, giải đáp để vượt qua khó khăn, nhưng về địa phương thì bị ì ạch, tiếp tục ách tắc. Có phải chính vì những quyết sách đã không được thể hiện rõ nét, đồng bộ trên thực tế nên dưới mắt DN, PCI Quảng Nam luôn trồi sụt, tụt hạng liên tục trong vòng 7 năm qua? Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói PCI chính là công cụ để đánh giá bước chuyển quan trọng từ nhà nước cai trị sang nhà nước phục vụ. Quảng Nam đã thường xuyên mở những cuộc đối thoại, trao đổi giữa chính quyền và DN. Sự chuyển tải một cách thông suốt tư tưởng cải thiện PCI từ lãnh đạo tỉnh đến cán bộ nhà nước các cấp là bước chuyển quan trọng của Quảng Nam. “Tuy nhiên, việc ban hành một nghị quyết, văn bản thì rất dễ nhưng chuyển thành hành động để cộng đồng DN cảm nhận được thì vẫn là bước đi còn gian nan hơn” - ông Tuấn nói.

Tự soi mình để cải thiện

Giá trị thực của PCI không nằm ở bản thân xếp hạng. Nhưng chính bảng xếp hạng này đã trở thành động lực tạo ra những cuộc đối thoại công tư thiết thực để thúc đẩy cải cách và tạo ra sự thay đổi. Kết quả chỉ số sụt giảm này hàm chứa một ý nghĩa là rất cần tăng cường tham vấn DN, công khai phản hồi những đề xuất, góp ý của DN. Nhiều DN nói họ cần sự cam kết mạnh mẽ và cụ thể hóa trên thực tế bằng những quyết sách rõ ràng của chính quyền và cơ quan công quyền hơn là mở những cuộc gặp gỡ, đối thoại thường kỳ vốn thường mang tính “chiếu lệ”. Sự tụt hạng chỉ số PCI chưa phải là một thảm họa, nhưng sự thật rằng chính chỉ số này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, vị thế của Quảng Nam. Bởi trên thực tế, rất nhiều nhà đầu tư đã tham khảo và xác định chỉ số PCI để chọn lựa, cân nhắc đầu tư vào những địa phương có điều kiện giống nhau.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, chỉ số PCI mỗi năm là để địa phương tự soi mình để cải cách. Có lẽ hiểu rõ về điều ấy mà mới đây, chính quyền Quảng Nam đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Chỉ thị này gắn trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương, cơ quan, không để lặp lại tình trạng trên “thoáng” dưới không “thông”, chấm dứt việc phớt lờ, thực hiện chưa nhất quán, triệt tiêu cán bộ thừa hành gây khó DN. Mặt khác, cơ chế “một cửa liên thông” giao hẳn cho Ban xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN tỉnh thực hiện sẽ không để DN đầu tư mang cảm giác “đi xin” hơn là hợp tác là minh chứng rõ nhất việc chính quyền tỉnh luôn sát cánh, đồng hành với DN. Tuy nhiên, có thể phải đợi đến khi công bố chỉ số PCI năm 2014 (tăng hay giảm) thì mới có thể khẳng định những cam kết này của Quảng Nam đã đi vào hiện thực hay không?

Tuyên bố cải thiện môi trường hay ưu đãi đầu tư được xem như một “bản cam kết” của chính quyền trước cộng đồng DN. Hàng loạt giải pháp ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư đã được đưa ra. Tuy nhiên, trước một chủ trương đúng, sẽ rất cần đến những con người thừa hành có đủ năng lực. Ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở KH&ĐT nói không thể trì hoãn việc xem xét, nâng cao trách nhiệm cụ thể của từng sở, ban, ngành trước công việc được giao. Rà soát, xem xét chất lượng công việc, trách nhiệm cán bộ công chức, kiểm tra những văn bản, quy định đã ban hành trong vòng 5 năm qua đã thực hiện được bao nhiêu, hiệu quả tới đâu và hoàn thiện các chế tài. Nếu không, sự sụt giảm chỉ số PCI và chất lượng điều hành kinh tế sẽ khó được nâng cao.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG