Thương lắm Hốc Tráng
Làng Hốc Tráng (thuộc thôn Đức Phú, xã Tam Sơn, Núi Thành) với gần 30 hộ nằm đơn độc giữa rừng nhiều năm đò ngang cách trở, rình rập tai nạn giao thông đường thủy. Nơi đây chưa một người dân nào được công nhận quyền sở hữu nhà ở, đất đai và chỉ sản xuất theo con nước.
Đò ngang cách trở
“Ốc đảo” Hốc Tráng nằm ở lưng chừng núi, bốn bề là hồ nước lênh láng, biệt lập với thế giới bên ngoài. Từ đây, muốn về trung tâm xã Tam Sơn có thể theo đường thủy và đi bộ vòng vèo dưới chân núi gần 10km. Đây là con đường mà vào năm 2007, bộ đội của Sư đoàn 315 (đóng chân tại huyện Núi Thành) vất vả khai phá hàng tháng trời, song vẫn còn nham nhở. Người dân chỉ lưu thông vào mùa khô, còn mùa mưa gần như… đứng bánh. Do vậy, xuồng ghe thường được sử dụng làm phương tiện lưu thông chính. Thế nhưng, ở khu vực này, hay xảy ra gió chướng, luôn tiềm ẩn tai nạn đường thủy nội địa. Năm 2013, trong lúc đưa con đi học qua lòng hồ, một cơn lốc xoáy đã lật thuyền nan làm chết hai cha con anh Huỳnh Xuân Chúc và Huỳnh Xuân Vụ (học lớp 4). Trước đó, không lâu ông Trần Quang Võ - Trưởng thôn Đức Phú (sinh sống ở Hốc Tráng) cũng tử nạn trong một vụ lật ghe. Nhiều người dân địa phương cho biết, nằm ở phía thượng nguồn của lòng hồ Phú Ninh, Hốc Tráng thường hứng những cơn lốc xoáy hiểm hóc, trong khi phần lớn ghe xuồng tham gia đánh bắt cá của người dân hoặc chở học sinh vượt lòng hồ đi học đều nhỏ nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. “Gần như năm nào nơi đây cũng bị lật xuồng. Lòng hồ này có cái “noi” về chết nước. Nhà nào ở ốc đảo hoang vu này cũng đều trang bị thuyền nan làm phương tiện đi lại và kế sinh nhai” – bà Võ Thị Mai, người dân ở Hốc Tráng nói.
Cách trở đò ngang đã làm cho sự học của các em gian khó trăm bề. Đường sá cách trở nên các học sinh tiểu học, THCS phải chèo xuồng cả tiếng đồng hồ mới đến trường. Ông Huỳnh Ngọc Chính – Trưởng thôn Đức Phú than thở: “Mỗi lần tổ chức họp hành gì cũng khó vận động người dân Hốc Tráng tham gia. Suốt ngày thì họ lo làm ăn, ban đêm trời tối thui như mực có ai dám vượt lòng hồ. Ngôi làng ấy gần như tách biệt với đất liền, dai dẳng sự nghèo khó”. Và cũng theo ông Chính, từ trước đến nay chưa có cán bộ nào ở huyện một lần đặt chân đến Hốc Tráng tìm hiểu đời sống của người dân tại đây. “Cán bộ có đến đây thì mới hiểu khó khăn, nguyện vọng chính đáng của bà con. Tôi khẳng định rằng, mấy chục năm nay chưa có lãnh đạo huyện, tỉnh nào đặt chân đến “ốc đảo” quạnh vắng này để tìm hiểu, tiếp xúc cử tri như mong mỏi của bà con địa phương” – ông Chính quả quyết.
Xuồng nan là phương tiện qua lại phổ biến của người dân Hốc Tráng.Ảnh: H. P |
Vươn lên trong gian khó
Chở tôi tròng trành trên chiếc xuồng nhỏ xíu, Trưởng thôn Chính nhớ chi li từng thửa ruộng của người dân sở tại ngập sâu dưới lòng hồ. Mất hết đất trồng trọt, họ quyết di chuyển lên núi cao trồng rừng, khai hoang ruộng. Mỗi năm, nông dân Hốc Tráng chỉ sản xuất mỗi vụ lúa, hoa màu hè thu, vì thời điểm này mực nước ở lòng hồ xuống thấp. Những thửa ruộng ít ỏi sát chân nước. Ngoài canh tác hoa màu, người dân còn tận dụng thời gian đánh bắt cá trên hồ. Đất sản xuất canh tác bền vững lâu nay, song thực tế cho đến nay người dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngay cả đất ở ổn định hàng chục năm nay vẫn chưa được Nhà nước công nhận. Ông Huỳnh Hùng – Chủ tịch UBND xã Tam Sơn giải thích, vì đất của người dân ở Hốc Tráng nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ Phú Ninh nên cơ quan chức năng của huyện đang xem xét giải quyết. Do đó, người dân không thể thế chấp vay vốn ngân hàng để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính quyền thôn xác nhận thêm, địa phương đã kiến nghị nhiều năm nay nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có cơ quan nào dứt khoát trả lời cấp hay không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Đất sản xuất hiếm hoi, người dân Hốc Tráng canh tác theo con nước. |
Dù đời sống cơ cực, khan hiếm tư liệu sản xuất, nhưng người dân Hốc Tráng rất có ý thức bảo vệ rừng, giàu nghị lực thoát nghèo và có nhiều em học hành thành đạt. Trong số 27 hộ nơi đây thì chỉ có 3 hộ nghèo đều rơi vào đối tượng người già mất sức lao động, không nơi nương tựa. Việc học sinh bỏ học giữa chừng rất hy hữu xảy ra. Trưởng thôn Chính tự hào, Đức Phú có truyền thống là vùng đất hiếu học; và tuyệt vời hơn khi ở nơi hoang vu, biệt lập như Hốc Tráng, năm 2013 vẫn có em đỗ đại học. Trước đây, Đức Phú được công nhận là thôn đặc biệt khó khăn, hưởng lợi các dự án đầu tư của Nhà nước. Với nỗ lực vượt khó vươn lên vùng đất này hiện đã ra khỏi danh sách địa phương được hưởng Chương trình 135 của Chính phủ.
Chủ tịch UBND xã Tam Sơn Huỳnh Hùng cho biết, trên địa bàn xã, Hốc Tráng là nơi xa xôi, cách trở nhất. Khi nào Nhà nước đầu tư con đường mà trước đây bộ đội đã mở vòng vèo qua núi thì mới có cơ hội làm vùng đất này đổi thay.
HỮU PHÚC