Đưa sản phẩm Quảng Nam vào siêu thị

CHIÊU THỤC ANH 24/03/2014 13:32

Thời gian gần đây, một số hàng nông sản thực phẩm “made in Quảng Nam” được đưa vào bày bán trên kệ siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Về lâu dài, rất cần những cái bắt tay của cơ sở sản xuất và siêu thị để mở rộng thị trường của các loại nông sản này.

Quy trình chặt chẽ

Bánh da dẻo Phú Thạnh (thôn Dưỡng Mộng Tây, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) đã có mặt trên kệ siêu thị được hơn 6 tháng nay. Nhưng để có được quãng thời gian bày bán đó, ông Lương Văn Vui và nhân viên phải mất khoảng thời gian khá dài, tính bằng năm, để hoàn thiện thủ tục theo quy trình đưa hàng lên kệ của hệ thống siêu thị Co.opMart.  “Vì vốn không quen với quy trình làm việc của cơ quan quản lý nhà nước nên chúng tôi mất cả năm trời để được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thẩm định cơ sở sản xuất, quy trình chế biến... Sau đó là hoàn tất những hồ sơ, thủ tục liên quan khi đưa hàng vào siêu thị” -  ông Lương Văn Vui (chủ cơ sở sản xuất bánh Phú Thạnh) chia sẻ.

Nhờ đưa sản phẩm bánh tét, bánh chưng vào siêu thị mà cơ sở bánh Năm Lệ được nhiều người biết đến nhiều hơn. Ảnh: THỤC ANH
Nhờ đưa sản phẩm bánh tét, bánh chưng vào siêu thị mà cơ sở bánh Năm Lệ được nhiều người biết đến nhiều hơn. Ảnh: THỤC ANH

Cũng giống như cơ sở sản xuất bánh Phú Thạnh, các cơ sở sản xuất hàng nông sản tại Quảng Nam như bánh tét, bánh chưng Năm Lệ (thôn Kim Đới, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ); mắm tôm Thanh Vịnh (thôn Long Bình, Tam Nghĩa, Núi Thành); trứng gà Văn Học (xã Tam An, Phú Ninh), bánh dừa nướng Bảo Linh (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ); rau Trường Xuân (TP.Tam Kỳ)... đều mất khá nhiều thời gian và công sức để hoàn thiện thủ tục các loại giấy tờ, mẫu sản phẩm khi đưa hàng vào siêu thị. Bà Trịnh Thị Lệ (chủ cơ sở sản xuất bánh tét Năm Lệ), cho biết, trước đây đi siêu thị nhưng không thấy mặt hàng bánh chưng bánh tét được bày bán trong khi bánh của cơ sở bà sản xuất ra tiêu thụ mạnh ở thị trường bên ngoài. Thế là bà mạnh dạn đặt vấn đề với siêu thị và được ủng hộ nhiệt tình. Tuy nhiên, bà cũng vấp phải thời gian khá lâu để đưa bánh lên kệ.

“Chúng tôi từng cảm thấy rất mệt mỏi và chán nản khi phải vật lộn với các loại giấy tờ vì vốn chỉ quen với việc sản xuất và đưa ra thị trường. Tuy nhiên, khi đã vượt qua quy trình đó rồi lại cảm thấy yêu cầu của siêu thị là hoàn toàn đúng đắn. Không chỉ có lợi cho riêng nhà sản xuất chúng tôi, siêu thị mà cả khách hàng nữa”
(Bà Lê Thị Thanh Thanh - chủ cơ sở sản xuất mắm tôm Thanh Vịnh)

Trong khi đó, tâm lý chung của người tiêu dùng không riêng trên địa bàn tỉnh, là luôn cảm thấy an tâm khi mua hàng trong siêu thị. Bởi họ được đảm bảo niềm tin phần nào đó về nguồn gốc sản xuất, quy trình chế biến, các vấn đề liên quan đến ATVSTP. “Gia đình chúng tôi đã hình thành thói quen mua sắm trong siêu thị từ đồ gia dụng đến thực phẩm chế biến. Mỗi tuần đi siêu thị mua sắm một lần, từ cái nhỏ nhất đến món lớn nhất dù biết giá cả bên ngoài rẻ hơn. Nhưng tôi chấp nhận sự chênh lệch giá để có sự an toàn. Vì thế mà thấy siêu thị có hàng hóa sản xuất trong tỉnh, chúng tôi ủng hộ nhiệt tình” - bà Nguyễn Thị Thùy An (thôn Phú Thịnh, xã Tam Vinh, Phú Ninh), chia sẻ. Thực tế, các nhà sản xuất nông sản tại Quảng Nam lâu nay vẫn chưa quen với các quy chuẩn, quy trình, khi “đụng” thường dễ ngã lòng. Đã có một số mặt hàng nông sản thực phẩm đặt vấn đề đưa hàng vào siêu thị từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thấy lên kệ. Hỏi ra mới hay, họ cảm thấy đuối sức khi làm giấy tờ, thủ tục vì ngành hàng đặc thù, phải kiểm tra từng loại trong hàng chục loại. Trong khi đó, mặt hàng của cơ sở này khá tiếng tăm, cung cấp lượng lớn nguồn hàng cho thị trường bên ngoài và có quầy hàng riêng ở chợ Trung tâm thương mại TP.Tam Kỳ.

Cơ hội đi xa

Sản phẩm đưa vào siêu thị phải đảm bảo quy định về giá cả, dù giá nguyên liệu có tăng cao nhưng nhà sản xuất phải đảm bảo giá đã được ký kết. Điều này không làm phiền lòng các cơ sở sản xuất bởi những mặt lợi từ kênh quảng bá sản phẩm này. Hàng tiêu thụ ổn định. Hơn hết, các sản phẩm đặc sản Quảng Nam có khả năng vươn xa nhiều tỉnh thành, ra nước ngoài, mở rộng thị trường.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, cho rằng, siêu thị rất mong muốn được giới thiệu và bày bán những món hàng nông sản thực phẩm “made in Quảng Nam” để tăng sự lựa chọn cho khách hàng. Bởi, thực tế có nhiều người lựa chọn siêu thị để mua sắm từ cái nhỏ đến cái lớn nhưng vẫn phải ra chợ truyền thống để mua món hàng theo nhu cầu. Ngoài ra,  việc đưa hàng nông sản Quảng Nam vào bày bán là cơ hội giúp người sản xuất, nông dân Quảng Nam thêm kênh tiếp thị, bán hàng. “Tuy nhiên, không phải chúng tôi làm khó các nhà sản xuất mà quy trình của hệ thống siêu thị Co.opMart là thế. Co.opMart Tam Kỳ duyệt hồ sơ lần một rồi chuyển vào TP.Hồ Chí Minh cho tổng Co.op duyệt lần nữa. Nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho khách hàng” - bà Lai nói.  Sự thật không thể chối cãi là hầu hết sản phẩm nông sản “made in Quảng Nam” khi đưa vào siêu thị thời gian qua đã tăng cơ hội và mở rộng thị trường của chính các sản phẩm này. Bà Thanh Thanh cho hay, thời gian gần đây, khá nhiều người đã biết đến và đặt mua sản phẩm của cơ sở bà với số lượng lớn như Công ty Đạm Phú Mỹ, Công ty Dầu khí Petrolimex... “So với thương hiệu mắm tôm Huế, cơ sở chúng tôi chưa có nhiều người biết đến và chiếm thị phần lớn nhưng Tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua, cơ sở chúng tôi phải dùng đến 2 tấn tôm đất để sản xuất ra khoảng 4.000 hũ mắm tôm. Nhiều khách hàng ngoài Hà Nội biết đến cơ sở đã đặt mua qua điện thoại, chuyển tiền vào tài khoản là chúng tôi chuyển hàng ra, không biết mặt mũi khách hàng như thế nào”.

Cơ sở bánh Phú Thạnh đang làm thủ tục để có thể đưa vào siêu thị một số sản phẩm bánh trung thu, bánh nổ, bánh đậu xanh... sau khi thị trường của cơ sở sản xuất mở rộng ở một số tỉnh phía nam. Vấn đề của nông sản Quảng Nam hiện nay ở chỗ, hầu hết là sản phẩm chưa có thương hiệu nên thị trường tiêu thụ mới bó hẹp ở vùng nông thôn. Bên cạnh đó, do chưa quy hoạch được vùng sản xuất và lập kế hoạch cụ thể nên đa số nông dân sản xuất theo phong trào. Mong muốn lớn nhất của các hộ sản xuất là được cơ quan chức năng, siêu thị tư vấn thông tin cho nông dân kỹ năng sản xuất, thị hiếu người tiêu dùng. Qua đó, ký kết các hợp đồng tiêu thụ nông sản, nhằm tăng thu nhập và ổn định đời sống cho nông dân.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH