Diện mạo mới của thành phố anh hùng
“Thay da đổi thịt từng ngày” là nhận xét của không ít người con quê hương Tam Kỳ sau một thời gian xa quê. Và diện mạo đô thị tỉnh lỵ này sẽ còn thay đổi nhanh hơn nữa khi thành phố bước vào giai đoạn tăng tốc.
Từ làng ra phố
TP.Tam Kỳ đang tạo ra một diện mạo khác hẳn về kinh tế xã hội so với cách đây vài năm. Hãy bắt đầu từ vùng nông thôn - nơi đang chuyển mình mạnh mẽ với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong thời gian ngắn phát động, đến nay, bộ mặt nông thôn mới đã cơ bản hình thành, nhất là tại các xã Tam Thăng (đạt 14/19 tiêu chí), Tam Ngọc (đạt 13 tiêu chí). Vùng đông còn là nơi khơi dậy tiềm năng du lịch với địa đạo Kỳ Anh, bãi biển Tam Thanh hay Khu du lịch nghỉ dưỡng Phước Lộc Thọ đang được đầu tư xây dựng. Cùng với đó, đời sống của người dân nơi đây được nâng lên đáng kể khi vài năm gần đây chuyển sang sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị. Hiện nền nông nghiệp thành phố dần được hình thành gắn với việc mở rộng, phát triển hệ thống dịch vụ thương mại để trực tiếp tiêu thụ sản phẩm, làm thay đổi lớn về giá trị sản phẩm trong cơ cấu cây trồng, con vật nuôi.
Một góc TP. Tam Kỳ.Ảnh: Phương Thảo |
Trong khi đó, qua việc tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hình ảnh phố phường đã trở nên rõ nét hơn. Nhiều khu dân cư, khu phố mới, công trình phục vụ dân sinh được hình thành. Những trục giao thông đối ngoại như Nam Quảng Nam, Nguyễn Hoàng hay giao thông nội đô được xây mới, mở rộng, nâng cấp tạo nên sự liên kết vùng cũng như “ô bàn cờ” cho thành phố. Đặc biệt, nhiều vùng ven đô sau “giấc ngủ” dài đã được đánh thức, thoát khỏi sự biệt lập với bên ngoài, trong đó đáng kể nhất là vùng ven sông Bàn Thạch thuộc phường Phước Hòa. Nhờ con đường Bạch Đằng được hình thành nên không chỉ người dân mà các ngôi trường như Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Mầm non Vành Khuyên cũng được mở cửa ra phố với mặt tiền thoáng đãng. Tam Kỳ hiện nay giống như một đại công trường với hàng loạt công trình đang triển khai khắp địa bàn thành phố.
Vẫn chỉ mới là những nét chấm phá trong quy hoạch phát triển nhưng có thể nói, bức tranh đô thị Tam Kỳ đang dần hiện rõ và hứa hẹn mang lại nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Càng hy vọng hơn khi đồ án quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được đưa vào thực hiện trong thời gian tới. Theo đồ án, không gian đô thị sẽ được mở rộng về hướng đông với mục tiêu xây dựng Tam Kỳ trở thành đô thị đạt các tiêu chuẩn và đặc trưng của một đô thị sinh thái hiện đại, thân thiện với môi trường; quy hoạch các vùng ven đô theo kiến trúc không gian “làng trong phố - phố trong làng” dựa trên lợi thế sở hữu cả núi, biển, sông, hồ.
Đang “giàu” lên
Mục tiêu của TP.Tam Kỳ trong năm 2014 là duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành kinh tế với các chỉ tiêu chủ yếu như giá trị sản xuất CN-TTCN tăng 20%, giá trị sản xuất ngành TMDV tăng trên 23%, ngành nông nghiệp tăng trên 4%, xuất khẩu 80 triệu USD; tổng thu ngân sách 717 tỷ đồng, trong đó thành phố quản lý thu hơn 276 tỷ đồng. Đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo tốt đời sống nhân dân với chỉ tiêu giải quyết việc làm mới cho trên 4.500 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2,5%, cận nghèo xuống mức 5%. |
Cùng với nhiều gam màu tươi sáng của bức tranh đô thị, một điều dễ thấy là TP.Tam Kỳ đang “giàu” lên một cách nhanh chóng. Sau khi trở thành tỉnh lỵ rồi lên thành phố, đến nay Tam Kỳ đã tạo ra được những chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế. Đặc biệt, khi chọn công nghiệp - thương mại dịch vụ (TMDV) làm khâu đột phá đã tạo ra bước tiến rõ rệt trong công cuộc xây dựng, phát triển thành phố. Bằng các cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư, Khu công nghiệp Trường Xuân và Thuận Yên thu hút nhiều doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động của địa phương cũng như các vùng lân cận. Nhờ đó, góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 3 năm gần đây tăng bình quân mỗi năm gần 25%; trong đó giá trị sản xuất năm 2013 đạt 1.777 tỷ đồng (cách đây 10 năm chỉ 387 tỷ đồng). Ngành TMDV cũng có được bước phát triển mạnh mẽ và trở thành ngành có giá trị sản xuất lớn nhất của thành phố. Giai đoạn 2011 - 2013, giá trị sản xuất của địa phương đạt 9.840 tỷ đồng, tăng bình quân hơn 25%/năm, trong đó riêng năm 2013 đạt hơn 3.966 tỷ đồng (cách đây 10 năm chỉ 804 tỷ đồng). Hiện trên địa bàn thành phố có 445 doanh nghiệp TMDV và 7.390 hộ kinh doanh cá thể cho thấy sự nhộn nhịp trong hoạt động của ngành kinh tế chủ lực này. Cán cân về thu - chi ngân sách so với trước đây cũng có sự chênh lệch khá cách biệt. Nếu như năm 2005 con số thu - chi chỉ ở mức khiêm tốn là 159 - 138 tỷ đồng thì đến năm 2013 đã tăng lên 688 - 546 tỷ đồng, trong đó chi cho đầu tư phát triển lên đến hơn 230 tỷ đồng.
Kinh tế xã hội của thành phố phát triển, thu nhập của người dân tăng lên, đời sống ổn định. Người nghèo trên địa bàn giảm nhanh chóng với tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 3,5%. Điều này mở ra nhiều cơ hội thuận lợi giúp địa phương tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về dân trí, văn hóa. Đến nay, thành phố đã có 11 trong tổng số 13 xã, phường được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục trung học và đang đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2015. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, nhiều công trình văn hóa - thể thao được xây dựng đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân. Đó là thành quả sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và người dân TP.Tam Kỳ trong suốt chặng đường 39 năm kể từ thời khắc lịch sử 24.3.1975.
ANH SẮC