Tiểu thương trước ngày về chợ mới Tam Kỳ: Lo lắng vì bố trí bất hợp lý
Những ngày qua, nhiều tiểu thương tụ tập trước Ban quản lý chợ Tam Kỳ phản đối việc bố trí sạp hàng, ki-ốt kinh doanh không hợp lý; tiền thuê mặt bằng cao khi về chợ mới.
Tiểu thương lên tiếng
Ban quản lý chợ Tam Kỳ vừa công khai bố trí kinh doanh, buôn bán tầng 1 dành cho các ngành hàng ăn uống, giải khát, sạp hàng, kho để hàng, bãi xe; tầng 2 với các ngành áo quần, giày dép, mỹ phẩm, tạp hóa, hàng khô, hàng gạo và tầng 3 dùng làm dịch vụ cắt tóc, may mặc, khu dịch vụ cà phê… Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương phản ảnh, việc bố trí này chưa được lấy ý kiến rộng rãi từ người buôn bán; vị trí, địa điểm kinh doanh của nhiều mặt hàng bất cập. Tiểu thương buôn bán hàng gạo cho rằng, mặt hàng này vận chuyển nặng nề, không thể đưa lên tầng trên cùng với mỹ phẩm, tạp hóa được, trong khi ở tầng 1 lại dành quá nhiều diện tích cho bãi giữ xe, kho hàng. Bà Hòa (65 tuổi) kinh doanh hàng ngũ cốc lâu năm ở chợ, nói: “Hơn mấy chục năm buôn bán ở chợ Tam Kỳ, tôi thấy họ sắp xếp tréo ngoe. Trong khi các ngành hàng ăn uống, giải khát ở dưới, thì hàng khô như ngũ cốc, gạo, mắm muối, hành tỏi đưa lên cao. Không phải tôi muốn lấy cái lợi về mình nhưng bố trí như vậy thấy nghịch quá. Việc sắp xếp ngành hàng kinh doanh tại các tầng rất lộn xộn”.
Tiểu thương tập trung trước Ban quản lý chợ Tam Kỳ bày tỏ sự không đồng tình với cách sắp xếp, phân lô buôn bán, kinh doanh. Ảnh: M.H |
Theo nhiều tiểu thương, lợi thế kinh doanh tốt nhất nằm ở tầng 1, nhưng Ban quản lý chợ Tam Kỳ bố trí “bên trọng bên khinh”. Chẳng hạn, trong sơ đồ phân lô, 25 điểm ki-ốt kinh doanh tại tầng 1 có 8 ki-ốt được cấp quyền sử dụng đất cho 8 hộ dân. Nhiều người thắc mắc, vì sao tại quyết định phê duyệt phương án huy động tiền cho thuê điểm kinh doanh ở chợ Tam Kỳ (số 1011/QĐ-UBND, ngày 18.2.2014), Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - ông Trần Nam Hưng lại ưu ái 8 ki-ốt này? “Đã quy định kinh doanh vải, quần áo ở tầng 2, nhưng họ vẫn bố trí thêm 2 điểm kinh doanh vải ở tầng 1 và 9 điểm kinh doanh áo quần tại tầng 1 để “ưu tiên” cho người ngoài vào buôn bán…” – một tiểu thương nói.
Không đồng tình với cách sắp xếp, phân lô buôn bán, kinh doanh, những ngày qua, nhiều tiểu thương tụ tập trước Ban quản lý chợ Tam Kỳ bày tỏ bức xúc, gây ồn ào tại khu vực này.
Gây khó cho tiểu thương?
Theo quyết định phê duyệt phương án huy động tiền cho thuê điểm kinh doanh ở chợ Tam Kỳ (số 1011/QĐ-UBND, ngày 18.2.2014), các tiểu thương phải đặt trước tiền thuê điểm kinh doanh có thời hạn với ki-ốt là 7 năm và 5 năm đối với sạp hàng, nộp tiền 2 đợt trong năm 2014. Tiểu thương muốn đăng ký bốc thăm các ki-ốt, sạp hàng kinh doanh tại chợ mới Tam Kỳ phải đóng trước cho Ban quản lý chợ Tam Kỳ 10 triệu đồng/ki-ốt và 5 triệu đồng/sạp hàng. Khi bốc thăm trúng, phải đóng đủ 60% số tiền thuê mặt bằng với thời gian 5 - 7 năm trong vòng 10 ngày đầu tính từ thời điểm bốc thăm và 40% số tiền còn lại phải đóng đầy đủ trong năm khi đặt chân vào kinh doanh. |
Tại cuộc làm việc vào trưa 18.3 với các đơn vị có liên quan của TP.Tam Kỳ, nhiều ý kiến của tiểu thương phản ảnh là bố trí ki-ốt, sạp hàng tại các tầng 1, 2 và 3 không hợp lý. Thêm nữa, giá thuê mặt bằng cao, mức thu trước tiền cho thuê điểm kinh doanh có thời hạn từ 5 - 7 năm là quá cao. Bà Nguyễn Thị Xuân – Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ cho biết, mỗi mét vuông mặt bằng đóng cao nhất từ 200 - 250 nghìn đồng là không cao so với chợ Tam Kỳ cũ (cao nhất 180 nghìn đồng/m2). Trong quyết định phê duyệt phương án huy động tiền cho thuê điểm kinh doanh tại chợ Tam Kỳ dẫn ra cơ sở để đưa ra giá trên là tham khảo từ chợ Trung tâm Thương mại Tam Kỳ, chợ Trung tâm Tam Kỳ cũ và chợ An Sơn. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế, không thấy chợ nào cho thuê mặt bằng cao nhất vượt 180 nghìn đồng/m2.
Theo nhiều tiểu thương, cách thức huy động vốn của UBND TP.Tam Kỳ chẳng khác nào gây khó cho tiểu thương. Quy định đóng tiền trước cao vì thời gian thuê dài năm chẳng khác gì đẩy người kinh doanh, buôn bán vào đường phải cầm cố tài sản để vay mượn mới có tiền đóng đủ. Trong một diễn biến khác, nhiều người tỏ ra thắc mắc về bố trí diện tích giữ xe khá lớn ở tầng 1 – nơi kinh doanh lý tưởng. Thông tin từ chủ đầu tư dự án, tổng diện tích mặt sàn của chợ mới Tam Kỳ là 11.000m2. Diện tích tầng 1 là 3.670m2, nhưng bãi giữ xe chiếm hết 2.361m2(!?). Trả lời về việc vì sao phải cấp “bìa đỏ” cho 8 ki-ốt tại tầng 1, bà Xuân giải thích, do trước đây chính quyền TP.Tam Kỳ đã cấp “bìa đỏ” cho 8 hộ dân có ki-ốt trong khu vực chợ Tam Kỳ cũ nên phải ưu tiên quyền lợi cho họ trước. Tuy nhiên, theo luật định, đất trong chợ chỉ cho thuê mặt bằng có thời hạn, tuyệt nhiên không thể cấp “bìa đỏ” được. Việc ai tùy tiện ký quyết định công nhận “bìa đỏ” cho 8 hộ tiểu thương tại chợ Tam Kỳ rất cần các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Theo Ban quản lý chợ Tam Kỳ, tổng vốn cho dự án xây chợ mới gần 90 tỷ đồng, dự kiến tháng 9 tới sẽ đưa vào hoạt động. Lý do tiểu thương đóng trước tiền thuê mặt bằng cho 5 - 7 năm sau là để địa phương nhanh chóng thu hồi vốn thanh toán cho đơn vị thi công.
MỸ HỮU