Điểm "nghẽn" của ngành công nghiệp
Điểm “nghẽn” đối với sản xuất công nghiệp Quảng Nam hiện nay là ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) vẫn chưa phát triển, tỷ lệ nội địa hóa một số loại nguyên phụ liệu còn thấp. Có rất nhiều mặt hàng thiết bị, linh kiện chi tiết và các nguyên phụ liệu cho sản xuất công nghiệp tưởng như đơn giản nhưng vẫn phải nhập khẩu, dẫn đến tỷ trọng nhập siêu không thể giảm.
Lệ thuộc vào nhập khẩu
Ngành công nghiệp Quảng Nam trong những năm qua tập trung phát triển chủ yếu theo chiều rộng, trong đó trọng tâm ở các ngành công nghiệp chủ lực: lắp ráp ô tô, thiết bị điện tử, cơ khí, dệt may, da giày... Tuy nhiên các ngành này sản xuất gia công là chủ yếu, các nguyên phụ liệu, thiết bị linh kiện máy móc hầu hết nhập từ nước ngoài nên giá trị gia tăng rất thấp. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, những năm qua Quảng Nam đã ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư chuyên sản xuất các ngành CNPT như sản xuất chi tiết linh kiện, thiết bị máy móc và nguyên phụ liệu phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp như lắp ráp ô tô, thiết bị điện tử, cơ khí, dệt may, da giày... nhưng kết quả đạt được khá khiêm tốn, chưa đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp trong tỉnh.
các nguyên phụ liệu, thiết bị linh kiện máy móc hầu hết nhập từ nước ngoài dẫn đến giá trị gia tăng rất thấp. Ảnh: TRUNG LỘ |
Đối với Quảng Nam, ngành dệt may và sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí được xác định là những ngành chủ lực trong những năm tới. Thế nhưng, hiện tại thì CNPT cung ứng nguyên phụ liệu cho các ngành này lại thiếu và yếu. Cả tỉnh hiện có đến 82 doanh nghiệp may công nghiệp, thu hút hơn 21 nghìn lao động ở địa phương, kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng hơn 20% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất hàng gia công cho các DN nước ngoài nên bị lệ thuộc về thị trường và chịu nhiều thua thiệt hơn so với DN sản xuất làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn). Giá trị xuất khẩu hàng dệt may tuy lớn nhưng chủ yếu là hàng gia công, giá trị gia tăng rất thấp. Có những nguyên phụ liệu tưởng chừng như đơn giản như kim chỉ, dây néo, móc áo, bao bì, nhãn mác... nhưng vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Có nghịch lý tồn tại bấy lâu: Quảng Nam nổi tiếng với các làng nghề truyền thống ươm tơ dệt vải; toàn tỉnh hiện có hơn 1.600 cơ sở ươm tơ, dệt vải nhưng lại có đến 95% sản lượng vải không thể cung cấp nguyên liệu cho ngành may do chất lượng không ổn định, giá thành lại cao... Tương tự, CNPT cho ngành da giày cũng hạn chế. Nhu cầu phụ liệu da chủ yếu nhập khẩu (trên 90%), các nguyên liệu phụ trợ như đế giày, keo dán, chỉ khâu, dây cót... cũng đều phải nhập khẩu.
Tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành lắp ráp ô tô, cơ khí, điện tử - viễn thông ở Quảng Nam chiếm tỷ lệ khá thấp. Riêng về ngành cơ khí, toàn tỉnh hiện nay có đến 1.056 DN, cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ kim loại chế tạo nhưng chỉ có 37 DN chuyên sản xuất lắp ráp, còn lại dưới dạng cá thể, quy mô sản xuất nhỏ lẻ chuyên gia công, gò, hàn. Công nghiệp cơ khí chế tạo vẫn chưa phát triển. Khu liên hợp sản xuất ô tô Chu Lai - Trường Hải ở Khu kinh tế mở Chu Lai được xem là đứng đầu trong các dây chuyền lắp ráp ô tô trong nước về tỷ lệ nội địa hóa, nhưng thực tế ngành CNPT cho sản xuất lắp ráp ô tô tại Quảng Nam còn quá yếu, thiếu đồng bộ từ nhóm cơ khí chế tạo, hóa chất, điện tử, cao su... buộc DN phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Hướng đi mới
Mới đây, UBND tỉnh cũng đã thông qua quy hoạch phát triển CNPT đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tại Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ tập trung ưu tiên phát triển CNPT ngành cơ khí theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, trong đó tập trung nhiều vào lĩnh vực cơ khí trong các ngành sản xuất lắp ráp ô tô, chế tạo thiết bị phục vụ cảng; sản xuất các loại cấu kiện phức tạp; máy móc phục vụ xây dựng cơ bản; phục vụ chế biến thủy hải sản, nông nghiệp thực phẩm và máy công cụ chuyên dùng khác. Ngoài ra, nâng cao trình độ phát triển sản xuất ở các ngành cơ khí hiện có như chế tạo thiết bị điện, điện tử, phương tiện vận tải hạng nhẹ; xe máy các loại… |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, những năm đến, Quảng Nam cần phải xây dựng chiến lược để hoạch định các chính sách nhằm thúc đẩy gia tăng sản xuất nguyên phụ liệu hỗ trợ cho công nghiệp. Trước mắt, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các DN tham gia phát triển ngành CNPT, từ đó tạo ra chuỗi giá trị mới, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Khởi động cho hoạch định chiến lược này, ngay đầu năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành đề án “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020”. Theo đó, phấn đấu giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu ngành dệt may xuống mức 50% và đến năm 2020 đạt giá trị sản xuất công nghiệp 6.800 tỷ đồng; hình thành trung tâm dệt may Quảng Nam với các nhà máy CNPT phục vụ ngành dệt may trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển nhanh ngành CNPT, cùng với việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và ổn định lâu dài nhằm thu hút các nguồn vốn vào đầu tư phát triển CNPT, Quảng Nam cần tập trung đầu tư vào CNPT đối với những ngành quan trọng, những ngành công nghệ cao, những ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội... Khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư vào lĩnh vực CNPT, nhất là khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia đầu tư sản xuất CNPT nhằm đáp ứng linh kiện phụ tùng về số lượng và chất lượng cho các ngành sản xuất công nghiệp chính yếu.
TRUNG LỘ