"Loạn" thuốc bảo vệ thực vật
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), cả nước hiện có khoảng 5.000 loại thuốc BVTV các loại. Với con số “khủng” này, nông dân dễ lúng túng và nhầm lẫn trong việc chọn lựa và sử dụng.
“Phải thử mới biết”!
Hiện nay, một loại bệnh trên cây trồng có đến hàng trăm loại thuốc BVTV để sử dụng. Loại nào cũng được doanh nghiệp sản xuất quảng cáo rất hay và có thể phòng trị bệnh hiệu quả tức thì. Song chỉ khi sử dụng rồi mới biết thực hư ra sao. Khi cây trồng bị bệnh, nhiều nông dân phải phun tới 3 - 4 loại thuốc BVTV mới tìm được thuốc trị hiệu quả. Trong khi đó, chính các cán bộ làm công tác BVTV tại các trạm BVTV hay chủ cửa hàng chuyên bán thuốc cũng thừa nhận rằng “không thể nào nhớ hết các loại thuốc. Bởi mỗi loại bệnh có đến hàng trăm tên thuốc khác nhau”. Ông Trần Văn Bốn (thôn Mỹ Hạt, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) cho hay: “Mỗi mùa vụ trồng lúa hay trồng rau, nông dân chúng tôi phải đối mặt với đủ loại sâu bệnh. Chúng tôi thường mua theo lời quảng cáo trên báo đài, tư vấn của chủ cửa hàng thuốc BVTV và theo kinh nghiệm trồng trọt của bản thân. Nhưng cũng may rủi, có khi mua về sử dụng là có hiệu quả nhưng có khi thuốc không có tác dụng, phải bỏ mua loại khác. Thuốc BVTV khá đắt và liên tục tăng giá nên việc dùng thử như vậy gây lãng phí và tốn kém rất lớn cho người dân”.
Quá nhiều loại thuốc BVTV khiến người dân lúng túng khi mua và sử dụng. |
Ông Bảy Khoa (thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) chuyên trồng các loại cây ăn quả, cho rằng: “Tôi trồng nhiều loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, bưởi, cam… Loại nào cũng phải dùng thuốc BVTV. Khi cây bị bệnh, muốn tìm loại thuốc thích hợp để chữa trị cũng khó, phải thử mới biết, vì nơi nào cũng quảng cáo thuốc cực tốt”. Theo thống kê sơ bộ của Cục BVTV, hiện có hơn 1.100 loại thuốc trừ sâu với đủ loại giá cả, tên thương mại. Đó còn chưa kể, ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước tình trạng thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép, nhập lậu tràn lan, khó kiểm soát. Cùng một hoạt chất nhưng có nhiều tên thương mại khác nhau khiến nông dân như lạc vào mê hồn trận. Trong khi đó, tại các nước có nền nông nghiệp phát triển, họ quản lý rất chặt các loại thuốc BVTV. Mỗi loại bệnh chỉ có vài loại thuốc đặc dụng và chỉ có một cơ quan chính thống cung cấp thông tin, chứ không phải mạnh công ty nào công ty đó quản lý, truyền thông. Chính sự lỏng lẻo này đã tạo ra “mê cung” cho nông dân và cả đơn vị quản lý.
Khó quản lý
“Sử dụng thuốc BVTV chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài ngành nông nghiệp chú trọng phát triển mô hình sản xuất sạch, ít dùng thuốc. Thái Lan là nước có nền nông nghiệp rất phát triển, họ chỉ cho lưu hành 3 - 4 loại thuốc cho một thứ bệnh, vừa dễ quản lý và nông dân không lo mua phải thuốc kém chất lượng”. (TS. Võ Mai - Phó Chủ tịch Hiệp hội làm vườn Việt Nam) |
Ngoài những đại lý thuốc BVTV đủ điều kiện được Chi cục BVTV tỉnh cấp giấy chứng nhận chuyên môn, đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này thì trên thực tế, thuốc BVTV vẫn được bày bán tràn lan, công khai trong các cửa hàng, tiệm tạp hóa. Chỉ cần người mua có nhu cầu là được đáp ứng ngay, dù đó là cửa hàng tạp hóa nhỏ. Tại các cửa hàng này, dù người bán có để thuốc trừ sâu ở khu vực riêng nhưng vẫn không thể nào hạn chế được ảnh hưởng của thuốc đến đồ ăn, đồ dùng được bày bán chung. Đó là chưa nói, một số người bán hàng tạp hóa ở nhiều nơi chỉ bỏ thuốc BVTV vào một túi ni lông rồi để lẫn lộn trong đồ dùng.
Theo ông Nguyễn Địch – Phó Chi cục BVTV tỉnh, hằng năm, chi cục đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuốc BVTV định kỳ vào đầu vụ và giữa vụ. Trong 2 năm gần đây, xảy ra nhiều vi phạm nhưng chủ yếu là vi phạm nhãn mác. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 600 đại lý, cửa hàng bán thuốc BVTV. Trong khi đó, lực lượng phụ trách kiểm tra, kiểm soát kinh doanh thuốc BVTV rất mỏng; mỗi trạm BVTV huyện chỉ có 3 - 5 người nhưng làm nhiệm vụ quản lý chuyên môn là chính, chức năng thanh tra, kiểm tra rất hạn chế. Năm 2013, Chi cục BVTV tỉnh tiến hành kiểm tra 60 cơ sở thì có 17 cơ sở vi phạm. Các lỗi vi phạm thường là giấy chứng nhận kinh doanh không đăng ký mặt hàng thuốc BVTV, buôn bán thuốc BVTV không có chứng chỉ hành nghề, buôn bán thuốc BVTV không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thuốc ngoài danh mục, vi phạm nhãn hàng hóa… Đối với các cơ sở tạp hóa, cửa hàng nhỏ lẻ có bán thuốc BVTV thì nằm trong sự quản lý của chính quyền UBND xã, nhưng hầu hết chính quyền các xã đều để ngỏ, không kiểm tra kiểm soát chặt chẽ dẫn đến người nông dân vô tư mua, vô tư sử dụng mà không có hướng dẫn sử dụng hợp lý, đúng liều lượng, loại thuốc…
Mỗi năm Bộ NN&PTNT công bố danh sách dài hàng trăm trang tên các đơn vị, loại thuốc BVTV được sử dụng và loại thuốc không được sử dụng. Nhiều cán bộ làm công tác BVTV cho biết mỗi khi đi kiểm tra, phải đem danh sách công bố tên các loại thuốc của bộ ra đối chiếu chứ không thể nhớ hết tên các loại thuốc.
CHIÊU THỤC ANH