Nghề sửa quần áo: vốn ít, thu nhập ổn định

CHÂU NỮ - CẨM GIANG 27/02/2014 12:04

Chỉ cần biết nghề may và một ít vốn để mua máy may là đã có thể làm nghề sửa quần áo. Đơn giản vậy nhưng thu nhập từ nghề này khá ổn định.

Ở Tam Kỳ, thợ sửa quần áo tập trung nhiều nhất ở chợ Tam Kỳ và chợ Trung tâm Thương mại - những nơi có khá đông sinh viên và công nhân thường đến mua sắm. Còn ở nông thôn, rất ít nơi có thợ chuyên nghề sửa quần áo như ở phố, chỉ có thợ may chuyên nghiệp thỉnh thoảng nhận sửa quần áo như một kiểu “làm thêm” khi khách có nhu cầu. Nhà gần chợ nên chị Nguyễn Thị Trang ở Đại Thắng (Đại Lộc) làm nghề sửa quần áo tại nhà và nhận may những đồ đơn giản. Chị Trang cho biết, thu nhập mỗi ngày của chị bằng ngày công lao động, khoảng trên dưới 100 nghìn đồng nhưng được ngồi trong mát chứ không quá vất vả, lại vừa có thể quán xuyến công việc gia đình. Còn đa số thợ sửa quần áo ở phố đều đặt máy may sát vỉa hè hoặc những điểm thuận lợi cho việc giao dịch, che một cây dù nhỏ và họ cũng đối mặt với nắng mưa hằng ngày. Chưa kể có trường hợp lấn chiếm vỉa hè, bị đẩy đuổi thường xuyên nên vừa làm, vừa phải canh chừng lực lượng chức năng để kịp dọn hàng.

Chị Đào quê ở Tam Xuân 1, Núi Thành hành nghề ven chợ Tam Kỳ chia sẻ, sửa quần áo vốn là nghề tay trái của mình. “Chừ thì nghề phụ lại trở thành nghề chính, thu nhập chính, nuôi cả nhà” - chị Đào nói. Để có chỗ làm ổn định, không bị lực lượng chức năng đẩy đuổi, chị Đào thuê mặt bằng mỗi năm hơn 8 triệu đồng, thu nhập mỗi ngày hơn 100 nghìn đồng. Khi có hàng nhiều, chị phải mang về nhà để làm ban đêm mới kịp giao cho khách. Dù là thợ lành nghề, có nhiều năm kinh nghiệm nhưng chị cho biết vẫn phải vừa làm vừa tự học thêm vì hầu như thợ may nào cũng chỉ học may chứ không học sửa quần áo. Có một số món đồ, sửa cho khéo, cho đẹp còn khó khăn cả may đồ mới.

Nghề sửa quần áo tưởng đơn giản vậy nhưng để làm vừa ý khách hàng không phải là chuyện dễ. Nhận thấy đây là nghề ít vốn, dễ làm, thu nhập ổn định nên nhiều người chỉ học may qua loa là đã hành nghề. Nhiều khách hàng không biết, cứ thế giao hàng. Đến khi thấy thợ sửa không vừa ý hoặc  làm hỏng món đồ thì nảy sinh cãi cọ giữa khách hàng và thợ. “Trông đơn giản vậy chứ làm nghề này phải tỉ mẫn, cẩn thận, chiều khách” - chị Đào nói. Còn chị Nguyễn Thị Hường, sửa đồ tại chợ Hà Lam (Thăng Bình) thì cho biết với khách hàng khó tính, nhiều khi họ yêu cầu phải sửa đi sửa lại mới chịu trả tiền. “Là lao động chính trong nhà, chỉ bỏ 400 nghìn đồng mua chiếc máy may cũ để làm nghề, mỗi ngày kiếm được 100 - 120 nghìn đồng ở thôn quê như vậy xem ra khá ổn định” - chị Hường nói.

Cứ cần mẫn, lặng lẽ cóp nhặt, nhiều người thợ sửa quần áo có thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống gia đình...

CHÂU NỮ - CẨM GIANG

CHÂU NỮ - CẨM GIANG