Nguy cơ mất mùa vì mặn xâm nhập sâu
Gần một tháng nay, do mặn liên tục xâm nhập sâu với nồng độ cao khiến một số trạm bơm điện trọng yếu ở huyện Điện Bàn vận hành khó khăn dẫn đến nhiều chân ruộng bị thiếu nước tưới.
Trạm bơm hoạt động cầm chừng
Gần 12 giờ trưa hôm qua 26.2, có mặt tại trạm bơm điện Tứ Câu (Điện Ngọc), chúng tôi thấy tất cả các tổ máy của công trình thủy lợi này đều không vận hành. Ông Trương Hoàng Nam - nhân viên của trạm cho biết, do mặn thường xuyên án ngữ trước miệng bể hút với nồng độ 3,5 phần nghìn nên không thể tiến hành bơm tưới. Theo ông Nguyễn Viết Long - Phó Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn, từ thời điểm cận Tết Giáp Ngọ đến nay, vì mặn liên tục xâm nhập với nồng độ cao nên mỗi ngày trạm bơm Tứ Câu chỉ hoạt động được 6 - 9 tiếng đồng hồ.
Nồng độ mặn quá cao khiến trạm bơm Tứ Câu không thể vận hành. Ảnh: VĂN SỰ |
Kéo theo tình trạng nhiễm mặn là nỗi lo lắng của nông dân Điện Ngọc. Nhìn 2 sào lúa không một giọt nước, ông Lê Văn Hà (thôn Tứ Ngân) than phiền: “Mấy đám lúa của tôi nằm ở khu vực cuối kênh nên thường xuyên bị thiếu nước tưới. Lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh và đứng cái làm đòng, nếu thời gian tới tình trạng này vẫn cứ tiếp tục kéo dài thì năng suất giảm là điều không thể tránh khỏi”. Bà Phạm Thị Thi (thôn Ngân Giang) có 3 sào ớt nằm sát khu nhà quản lý của trạm bơm Tứ Câu. Mấy tuần nay, do nước từ trạm bơm bị nhiễm mặn nên bà phải dùng đôi thùng gánh nước dưới cái ao nhỏ gần đó để tưới. Bà Thi nói: “Ruộng ớt đang ra trái non rộ, nếu không chịu khó gánh nước tưới thường xuyên cho cây thì chắc chắn vụ ni sẽ tụt giảm sản lượng nghiêm trọng”.
Ông Nguyễn Viết Long cho biết thêm, ngoài 265ha lúa của nông dân xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn) và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) do trạm bơm Tứ Câu đảm nhận tưới thì 310ha lúa ở các xã Điện Nam Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Bắc... đang đứng trước nguy cơ khô hạn nặng vì từ đầu tháng 2 dương lịch đến nay trạm bơm Cẩm Sa, Thanh Quýt hoạt động rất khó khăn do mặn thường xâm nhập sâu với nồng độ cao.
Đo nồng độ để thực hiện việc bơm lách mặn. Ảnh: VĂN SỰ |
Cần sớm xây dựng đập ngăn mặn
Ông Huỳnh Hiền - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Điện Ngọc 1 cho biết, hiện nay 135ha lúa đông xuân của xã viên thuộc đơn vị quản lý đang bước vào thời kỳ đứng cái làm đòng. Nếu những ngày tới mặn tiếp tục hoành hành khiến trạm bơm Tứ Câu và Thanh Quýt hoạt động cầm chừng thì toàn bộ diện tích lúa sẽ bị khô hạn nặng. Ông Hiền nói: “Nếu thiếu trầm trọng nguồn nước tưới thì sản lượng giảm mạnh là điều không thể tránh khỏi. Đây thực sự là vấn đề rất đáng quan ngại”. Theo ông Hiền, so với đông xuân năm ngoái thì vụ này mặn xuất hiện cùng thời điểm, tuy nhiên nồng độ mặn thì lại tăng lên gấp đôi. Ông Hiền lo lắng: “Vụ trước, thời điểm này nồng độ mặn chỉ khoảng 2 phần nghìn, còn bây giờ đã là 4 phần nghìn và rất nhiều khả năng sẽ còn cao hơn trong thời gian đến. Vì vậy, theo tôi, ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền huyện Điện Bàn cần sớm triển khai thi công đập ngăn mặn trên nhánh sông Vĩnh Điện để đảm bảo nguồn nước ngọt cho các trạm bơm trọng yếu hoạt động ổn định nhằm chủ động tưới cho lúa đông xuân từ nay đến cuối vụ”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu vụ hè thu năm 2013, trước tình trạng mặn xâm nhập sâu với nồng độ cao, từ số tiền 1,7 tỷ đồng do UBND tỉnh cấp, ngành nông nghiệp Quảng Nam và huyện Điện Bàn tiến hành đắp đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt trên nhánh sông Vĩnh Điện (thuộc hệ thống sông Thu Bồn) với chiều dài 104m, chiều cao 8m, cao trình đỉnh 1,30m, bề rộng mặt đập 3m. Nhờ công trình này mà hàng chục trạm bơm điện ở huyện Điện Bàn và các địa phương lân cận hoạt động rất hiệu quả, đảm bảo phục vụ nước tưới cho gần 3.000ha lúa từ đầu đến cuối vụ khiến nông dân hết sức phấn khởi. Tuy nhiên, do trong tháng 10 và 11.2013, lũ lớn xuất hiện nhiều đợt đã cuốn trôi toàn bộ tuyến đập này. Vì thế, suốt một tháng nay nước mặn mới liên tục xâm nhập vào bể hút của các trạm bơm điện ở khu vực hạ du.
Ông Nguyễn Viết Long - Phó Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn thông tin, cách đây vài ngày, các đơn vị liên quan đã tiến hành họp bàn phương án xây dựng lại tuyến đập bổi ngăn mặn để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo ông Long, nếu được phê duyệt thì dự kiến ngày 10.3 hoặc chậm nhất đến ngày 20.3 sẽ bắt tay vào việc xây dựng tuyến đập này và thời gian thi công khoảng một tháng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng đập bổi càng nhanh càng tốt vì mặn đang tấn công với cường suất ngày càng nhiều và nồng độ ngày càng tăng. Ông Huỳnh Hiền - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Điện Ngọc 1 đề nghị: “Theo tôi, ngay từ bây giờ phải xây dựng đập bổi ngăn mặn đó để các trạm bơm có nước ngọt bơm tưới ổn định chứ nếu thi công trễ quá thì khi lúa đông xuân trổ rộ sẽ bị khô hạn nặng dẫn đến mất mùa. Và, tuyến đập này cũng sẽ là lá chắn ngăn mặn xâm nhập ngay từ đầu vụ hè thu 2014 sắp tới”.
VĂN SỰ