Xưởng gỗ mỹ nghệ của chàng trai 8X
Không chỉ tạo việc làm cho chính mình, chàng trai sinh năm 1989 Trần Hữu Quốc (thôn Đồng Hành, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) còn dạy nghề điêu khắc miễn phí cho một số thanh niên địa phương...
Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Trần Hữu Quốc chỉ học đến lớp bảy. 14 tuổi, Quốc đã xa gia đình, khăn gói ra làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng) học nghề. Hơn 2 năm mày mò học hỏi, tay nghề Quốc đã vững. Được chủ giữ lại làm với mức lương khá cao nhưng Quốc quyết định quay về lập nghiệp tại quê nhà, với mong ước làm giàu trên chính mảnh đất quê nhà bằng việc điêu khắc đồ gỗ mỹ nghệ, đồng thời tạo việc làm cho một số thanh niên địa phương. Cơ sở mỹ nghệ gỗ phong thủy Tài Thần (chuyên về gỗ xá xị) với những sản phẩm đặc thù như hình tượng cóc ba chân, thần tài, thổ địa, hồ lô phong thủy, tượng Phật Quan âm, Di lặc, tranh đồng hồ và một số đồ mỹ nghệ khác... của Quốc ra đời từ đó. Quốc nhớ lại: “Vào năm 2008, ban đầu mọi thứ đều rất khó khăn, nếu không có sự động viên từ gia đình bè bạn, có lẽ xưởng gỗ này của tôi sẽ không tồn tại được lâu. Mà cái được lớn nhất khi mở xưởng tại địa phương là lúc nào cần cũng có người phụ việc - là những thanh niên địa phương, nhất là trong lúc cao điểm”.
Trần Hữu Quốc tại cơ sở của mình. |
Sản phẩm Quốc làm ra được tiêu thụ chủ yếu ở Tam Kỳ và các huyện lân cận. Ngoài ra, Quốc còn nhận gia công một số mặt hàng, nhiều nhất là tượng Phật, bàn ghế từ rễ cây theo đơn đặt hàng của khách, có người đến từ các tỉnh khác, cả ở TP.Hồ Chí Minh... Theo Quốc, bên cạnh việc thiếu vốn, một khó khăn nữa đối với cơ sở Tài Thần là sản phẩm của Quốc đa số là “hàng nằm” nên đôi khi tiêu thụ chậm. Dù vậy, thu nhập từ xưởng cũng đủ Quốc chi phí cho bản thân và giúp gia đình. Quan trọng hơn, Quốc đã tạo việc làm và giúp cho một số thanh niên trong xã học nghề tại cơ sở. Tại Hội hoa xuân Giáp Ngọ vừa rồi, một số thanh niên ở Tam Ngọc đã giúp Quốc mở một gian hàng bày bán đồ mỹ nghệ của xưởng Tài Thần và thu hút được khá đông khách hàng tham quan, mua hàng.
Trần Hữu Quốc cho biết dự định trong năm 2014 sẽ đầu tư thêm máy tiện, mở rộng sản xuất một số mặt hàng gia dụng và làm đá phong thủy. “Nếu khu du lịch sinh thái Phú Ninh phát triển, thu hút được nhiều khách du lịch, tôi sẽ đầu tư sản xuất và mở một cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm. Với tôi bây giờ, lợi thế lớn nhất là lao động, vì địa phương còn nhiều thanh niên chưa có việc làm. Tuy nhiên, trở ngại lớn vẫn là vốn đầu tư cho xưởng và đầu ra cho sản phẩm. Để cơ sở phát triển, không còn cách nào khác là mình phải tự thân vận động, tìm nơi tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm” - lời Quốc.
Bí thư Xã đoàn Tam Ngọc Trần Thị Kim Phượng đánh giá cao xưởng mỹ nghệ Tài Thần của Quốc trong việc tạo việc làm cho thanh niên địa phương. “Anh Quốc là một tấm gương thanh niên làm kinh tế và tạo việc là cho thanh niên. Đoàn xã cũng đã có chủ trương giúp cơ sở Tài Thần vay vốn để phát triển nhưng hiện tại vẫn còn vướng một số thủ tục” - chị Trần Thị Kim Phượng nói.
CẨM GIANG - CHÂU NỮ