Khổ vì... con gà mái chết

VĂN SỰ 15/02/2014 09:20

Trưa 12.2, một tờ báo đăng bức ảnh một con gà mái bị chết được ai đó treo lên cành cây trứng cá bên vệ đường. Theo chú thích thì tấm ảnh này được chụp tại thôn Xóm Phường (xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn). Một cán bộ của Chi cục Thú y Quảng Nam cho biết, sau khi nhận được thông tin trên, sáng sớm hôm 13.2 ngành thú y tỉnh và huyện Điện Bàn liền cắt cử nhiều cán bộ về địa phương tìm con gà mái chết để mang đi tiêu hủy nhằm ngăn chặn sự phát tán của mầm bệnh. Khổ nỗi, họ lùng sục khắp các xóm làng nhưng cho đến tận 12 giờ trưa cùng ngày vẫn chưa thấy cái xác gà chết đó. Vị cán bộ này than phiền rằng, con gà nó hành con người. Nói vậy là oan ức cho… con gà lắm, bởi cái xác nó bị treo lên cành cây là do hành động kém ý thức của con người mà. Thế thì trong chuyện này, phải nói cho đúng là con người hành con người.

Nhân cái vụ xác chết con gà, xin quay trở lại chuyện dịch cúm gia cầm. Gần cuối tháng chạp năm ngoài, vi rút cúm A/H5N1 tái bùng phát tại xã Duy Trinh và Duy Châu (huyện Duy Xuyên) khiến 9.255 con vịt của một số hộ dân bị nhiễm bệnh chết hàng loạt. Không dừng lại ở đó, từ mùng 3 đến mùng 9 Tết Giáp Ngọ, ở xã Bình Nguyên và Bình Chánh (Thăng Bình) cũng có 1.990 con vịt bị dính dịch chết với tốc độ nhanh và số lượng nhiều. Triệu chứng lâm sàng và bệnh tích cho thấy đây là bệnh cúm gia cầm. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mấy ngày nay chính quyền các địa phương, ngành liên quan và người chăn nuôi như ngồi trên đống lửa. Bởi, thời điểm này việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn ra rất mạnh, trong khi đó tại nhiều nơi công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch lại chưa được siết chặt. Mặt khác, thời gian qua việc tiêm vắc xin phòng dịch cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm gần như bị thả nổi, con số xấp xỉ 4 triệu con gà, vịt trên toàn tỉnh chưa được tiêm ngừa loại bệnh này là điều đáng lo.

Để phòng ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng, hôm 10.2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện đề nghị chính quyền các địa phương, ngành liên quan khẩn trương triển khai những biện pháp mạnh để chủ động phòng chống vi rút cúm A/H5N1. Ngoài hàng loạt yêu cầu đối với các cơ quan chức năng thì Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo 18 huyện, thành phố giao cho chính quyền cấp xã, thôn quản lý, kiểm soát chặt chẽ các ổ bệnh. Đặc biệt, đối với người chăn nuôi, khi phát hiện gia cầm mắc bệnh chết, nghi nhiễm dịch cúm A/H5N1 phải báo ngay cho cơ quan thú y để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, đồng thời lập tức tiêu hủy toàn bộ số gia cầm bị dính bệnh, tuyệt đối không vứt xác gia cầm bừa bãi. Trong lúc nước sôi lửa bỏng này, muốn công tác phòng chống dịch cúm A/H5N1 mang lại hiệu quả cao thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Hy vọng rằng, trong thời gian tới ý thức phòng chống dịch của cộng đồng sẽ được nâng cao chứ đừng… vứt thí như chuyện con gà mái chết treo lên cành cây trứng cá vừa kể trên. Sự lây lan của dịch cúm gia cầm là không có vùng cấm. Chuyện hàng nghìn hộ chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn vì dịch cúm A/H5N1 trong những năm qua vẫn còn rất mới và thông tin 2 người ở tỉnh Bình Phước, Đồng Tháp vừa chết do bị nhiễm bệnh này là điều rất đáng báo động.

VĂN SỰ

VĂN SỰ