Biên mậu còn xa…

TRỊNH DŨNG 12/02/2014 10:51

Hoạt động thương mại biên giới giữa Quảng Nam và Sê Kông (Lào) vẫn chưa có những chuyển biến đột phá. Lượng hàng hóa trao đổi và xuất nhập khẩu qua cửa khẩu hay các chợ biên giới vẫn còn quá nhỏ lẻ.

Nhỏ lẻ

Khu đất kẹp giữa hai sườn núi được chọn xây dựng khu chợ biên giới chỉ mới hoàn thành việc san ủi mặt bằng và kè đá hộc. Chỉ 4/6 công trình hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang mới được đưa vào sử dụng. Số còn lại như hệ thống nước tiểu khu I, trạm kiểm soát liên hợp vẫn chỉ là những dự án dở dang hoặc còn nằm trên giấy vì thiếu vốn. Hơn 83,3 tỷ đồng đầu tư trong vòng 8 năm qua, kể từ ngày khai trương (21.2.2006) đến nay vẫn không đủ để hoàn thiện đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng. Ngay năm 2013, không có công trình nào được đầu tư mới, chỉ vỏn vẹn được ngân sách trung ương hỗ trợ 2,7 tỷ đồng để bố trí cho 2 công trình chuyển tiếp. Tại cửa khẩu hiện thời chỉ có trạm biên phòng, vài cán bộ hải quan và vài ba căn nhà nằm ẩn mình trong sương trắng. Thiếu bến bãi vận tải, kho tập kết hàng hóa, những xe hàng đầy gỗ dừng ngay bên vệ đường, giữa ngổn ngang cây rừng và đất đá. Thi thoảng vài chiếc xe đầu kéo chở gỗ, xe tải chở vật tư xây dựng phục vụ công trình thủy điện cuốn bụi đỏ mịt mù qua lại cửa khẩu. Vài ba người đàn bà Giẻ Triêng, Tà Riềng mỗi sáng gùi gà, rau, cam, dưa, chuối… từ bên kia biên giới đi về phía Việt Nam, ghé hàng quán bên đường đổi muối, mua vài thứ hàng thiết yếu và nhiều người khác qua lại thăm thân nhân.

Một tiệm tạp hóa ở cửa khẩu Nam Giang phục vụ việc trao đổi, mua bán hàng hóa thiết yếu của người dân biên giới Việt - Lào.      Ảnh: MINH ĐỨC.
Một tiệm tạp hóa ở cửa khẩu Nam Giang phục vụ việc trao đổi, mua bán hàng hóa thiết yếu của người dân biên giới Việt - Lào. Ảnh: MINH ĐỨC.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đã gia tăng. Con số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2013 đạt 27,8 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2012 của 28 doanh nghiệp đăng ký thủ tục qua cửa khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng phục vụ công trình thủy điện Xekaman 3 tại Lào và mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là điện năng, gỗ các loại và các loại máy móc tái nhập. Theo thống kê của Sở Công Thương, doanh số thanh toán qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn Quảng Nam liên quan đến hoạt động thương mại biên giới năm 2013 chỉ hơn 65,8 tỷ đồng, tương đương 3.128.200USD. Các giao dịch chủ yếu là nhập khẩu gỗ từ Lào và nguyên liệu sản xuất kính. Tuy nhiên, con số ấy vẫn quá ít ỏi so với kỳ vọng của nhiều người sau 8 năm khai thông cửa khẩu. Nguyên nhân được xác định là dân số hai bên khu vực cửa khẩu quá ít, doanh nghiệp chưa chủ động tìm kiếm thị trường, thiếu kế hoạch quy hoạch, phối hợp đầu tư. Một nguyên nhân quan trọng không kém khiến hiệu suất giao thương thấp là dù đã chính thức trở thành cửa khẩu quốc gia, nhưng cửa khẩu Nam Giang vẫn chưa được Bộ Công Thương cho phép lưu thông hàng hóa chính ngạch…

Khát vọng

Không riêng gì cửa khẩu Nam Giang, hoạt động thương mại biên giới tại 12 xã của 2 huyện Tây Giang và Nam Giang, giáp với tỉnh Sê Kông vẫn rơi vào cảnh ảm đạm nhiều năm qua vì cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại tuyến biên giới, khu vực cửa khẩu còn lạc hậu, yếu kém. Dọc tuyến biên giới chỉ có 5 chợ với quy mô nhỏ, chủ yếu là chợ tạm. Đó là 4 chợ tại xã Lăng, A Nông, Bha Lêê, A Tiêng ở Tây Giang và  chợ Chà Vàl. Khu kinh tế cửa khẩu còn đang trong quá trình xây dựng. Chưa có cơ quan kiểm tra liên ngành như kiểm dịch động thực vật, trạm y tế, kho bạc, ngân hàng. Kể cả khu vực kiểm tra hải quan chưa được xây dựng. Việc kiểm tra hàng hóa, xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh còn nhiều khó khăn. Hiện trạng dân cư thưa thớt và cuộc sống chủ yếu dựa vào tự cung, tự cấp, sống nhờ vào nương rẫy và chăn nuôi gia súc đã trở thành lực cản lớn cho việc phát triển biên mậu đôi bên. Theo các cuộc khảo sát, thương mại biên giới chỉ tập trung ở cửa hàng thương mại và một số hộ buôn bán nhỏ lẻ. Tỷ lệ trao đổi thấp, chưa ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh hai nước, chủ yếu là mua bán hàng tiêu dùng, các nhu yếu phẩm như gạo, muối, lương thực, thực phẩm, dầu lửa. Hình thức thanh toán trong trao đổi, buôn bán bằng tiền mặt, tiền thanh toán là đồng Việt Nam và kíp Lào.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tiềm năng biên mậu giữa Quảng Nam và các tỉnh Nam Lào có rất nhiều cơ hội phát triển thông theo cửa khẩu Nam Giang và các chợ biên giới. Tuy nhiên, trên thực tế cần phải có một cái nhìn dài hơi và cụ thể hơn để tiếp sức cho các cuộc hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên trở thành hiện thực. Theo Sở Công Thương, năm 2014 sẽ xây dựng các chương trình, dự án cụ thể, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào khu vực biên giới nhằm phát triển thương mại biên giới. Sẽ tạo điều kiện hơn nữa thúc đẩy hợp tác trao đổi hàng hóa qua lại, đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích thương mại thông qua việc tổ chức các phiên chợ giới thiệu sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại, xuất khẩu trực tiếp với Lào. Theo ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công Thương, ngành đã lên kế hoạch kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án thương mại, hạ tầng kinh tế kỹ thuật. Đặc biệt là hệ thống chợ và đầu tư phát triển kinh doanh trên địa bàn các huyện, xã biên giới để khai thác lợi thế biên mậu. “Vấn đề quan trọng là việc tìm và bố trí vốn để đầu tư xây dựng chợ thuộc các xã biên giới, tăng nguồn vốn để phát triển cửa khẩu. Để tạo động lực cho thương mại biên giới phát triển, Quảng Nam cần đề nghị Bộ Công Thương cho phép lưu thông hàng hóa chính ngạch qua cửa khẩu kèm theo việc ghi vốn đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 14D nối đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Nam Giang và bố trí vốn xây dựng hạ tầng đồng bộ như đường giao thông, mạng lưới liên lạc, điện nước và các dịch vụ hỗ trợ khác tại cửa khẩu” - ông Thử nói.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG