Xây dựng khu phố chợ
Các khu phố chợ đã và đang được hình thành trên địa bàn tỉnh, thể hiện xu thế tất yếu của quá trình đô thị hóa.
Theo ThS. Lê Tú, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam, nếu bóc tách chữ “đô thị” thì “đô” mang ý nghĩa về mặt chính trị, còn “thị” là phố, là chợ, thể hiện điểm nhấn kinh tế, giao thương buôn bán. Chợ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển không gian đô thị; và ngược lại, lịch sử hình thành, phát triển đô thị luôn gắn liền với chợ. Song, không gian diễn ra các hoạt động giao thương của nhiều chợ cũ tồn tại không ít hạn chế. “Tốc độ phát triển dân số và đô thị ngày càng tăng. Giao thông ngày càng thuận lợi, thu nhập cải thiện giúp cho người dân sử dụng xe máy, ô tô đi chợ nhiều hơn. Vì vậy, chợ trung tâm tềnh toàng, không gian chật chội sẽ không đáp ứng nhu cầu ấy” - ông Lê Tú nói. Thế nên, quy hoạch và triển khai xây dựng “chợ trong phố” là xu thế lựa chọn tất yếu. Chợ mới nằm giữa phố mới có diện tích lớn hơn, thỏa mãn tiện ích bắt buộc về độ bền chắc và thẩm mỹ cao, ki ốt khang trang, khu xử lý nước thải hiện đại, nơi thu gom rác thải bài bản, điểm giữ xe an toàn, lối thoát hiểm rộng rãi, hệ thống phòng cháy chữa cháy đảm bảo, hạ tầng giao thông khớp nối không gây ách tắc mỗi khi họp chợ.
Chợ Vĩnh Điện hôm nay.Ảnh: CÔNG TÚ |
“Chợ trong phố” kết hợp giữa ở và kinh doanh, phù hợp triết lý của người phương Đông là “nhất cận thị, nhị cận giang”. Không gian thương mại dịch vụ nhờ đó được lan tỏa, nhiều hộ dân nằm cận kề cũng sẽ tổ chức buôn bán khiến cả khu vực rộng lớn sôi động. Xây dựng “chợ trong phố” ở các vị trí mới còn giải quyết bài toán kinh phí cho chính quyền sở tại thông qua xã hội hóa đầu tư kết hợp khai thác quỹ đất.
“Nhiều dự án khu phố chợ đang và sẽ tiếp tục xây dựng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, như Điện Nam Trung, Thanh Quýt (Điện Bàn), Tam Anh, Cây Trâm (Núi Thành), Hà Lam (Thăng Bình), Phú Thịnh (Phú Ninh)… Điều lo ngại là các địa phương tính toán xây dựng chợ dựa trên quy mô dân số hiện tại. Vì vậy, nếu phát triển không gian đô thị mà không dự trữ quỹ đất cho mở rộng chợ, nó sẽ lại thành “cái áo chật” chỉ sau 20 - 30 năm. Các địa phương cũng phải giám sát, yêu cầu nhà đầu tư “đổi đất lấy hạ tầng” tuân thủ theo tiêu chuẩn thiết kế chợ. Cần dung hòa lợi ích các bên, tránh xảy ra việc doanh nghiệp muốn tăng tối đa diện tích khai thác quỹ đất mà cố ý thu hẹp không gian chợ”. (ThS. Lê Tú - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam) |
Vĩnh Điện có thể là ví dụ điển hình cho việc xây dựng chợ trong phố. Chợ Vĩnh Điện cũ (thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn) nằm ven quốc lộ 1 chật chội ẩm thấp, dễ xảy ra cháy nổ, không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của trên 500 hộ tiểu thương. Cộng thêm hàng nghìn công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc mỗi khi đi về trên đoạn đường qua chợ gây ra ách tắc giao thông. Vấn đề triển khai xây dựng chợ mới ở một địa điểm rộng rãi hơn, đảm bảo các tiêu chuẩn liên quan đặt ra cấp thiết. Được UBND tỉnh cho phép, tháng 11.2009, UBND huyện Điện Bàn cùng Công ty CP Đầu tư và xây dựng 501 đã ký hợp đồng xây lắp thực hiện công trình. Khu phố chợ Vĩnh Điện rộng 32ha được triển khai theo quy hoạch chung xây dựng thị trấn Vĩnh Điện, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nguồn vốn từ khai thác quỹ đất.
Ngày 30.11.2011, hạng mục chợ Vĩnh Điện rộng 14.000m2, giá trị xây lắp hơn 30 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Điện - ông Nguyễn Nho Dũng phấn khởi cho biết, chợ mới thu hút trên 600 hộ tiểu thương ở Điện Bàn cũng như vùng lân cận vào buôn bán thường xuyên và gần 200 hộ kinh doanh không cố định. Đặc biệt, chợ có khu ẩm thực được cải tạo từ một số ki ốt không phát huy hết công năng mới đưa vào phục vụ kịp thời cho tiểu thương, người tiêu dùng và công nhân, học sinh.
Bước đầu, chợ Vĩnh Điện đã “kích hoạt” mạnh mẽ hoạt động thương mại dịch vụ cho cả vùng thị trấn mở rộng đông đúc; đồng thời tạo điểm nhấn ấn tượng trong quy hoạch ở địa bàn được xác định là trung tâm thị xã tương lai.
CÔNG TÚ