Phát triển mạng lưới chợ nông thôn

NGUYỄN VĂN SỰ 30/01/2014 16:56

(Xuân Giáp Ngọ) - Những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn huy động, Quảng Nam chú trọng phát triển mạnh mạng lưới chợ nông thôn nhằm giúp người dân tiếp cận gần hơn với thị trường và chuyển dịch sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, xem ra sự đầu tư ấy vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế...

Niềm vui mới

Hơn chục năm trước, muốn bán buồng chuối, bầy gà lấy tiền mua vài cân thịt heo, bánh mứt về lo cho ngày tết, bà Lê Thị Phượng ở thôn Xuân Thái (xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn) phải nhễ nhại cuốc bộ hơn 8 cây số xuống chợ Hương An. Chuyện ấy giờ thành xưa rồi, bởi cách nhà người phụ nữ 57 tuổi ấy không xa vừa mọc lên ngôi chợ An Xuân mới, khang trang, sạch đẹp. Nhìn cảnh mua bán tấp nập, bà Phượng không giấu được niềm vui: “Vậy là cái ước mơ cháy bỏng từ bao đời nay của người dân quê tôi đã thành hiện thực. Tết Giáp Ngọ này, muốn sắm thứ gì, cứ cầm giỏ đi mươi bước chân ra chợ là có chứ không phải nhọc nhằn như trước”.

Mạng lưới chợ nông thôn hình thành giúp người dân gần hơn với thị trường.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Mạng lưới chợ nông thôn hình thành giúp người dân gần hơn với thị trường.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ông Võ Văn Khôi – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thọ cho biết, ngay sau khi triển khai thực hiện mô hình nông thôn mới, xã ưu tiên đầu tư xây dựng ngay ngôi chợ mới An Xuân trên diện tích 2.800 mét vuông nhằm đáp ứng nhu cầu bức bách của người dân. Công trình này có tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 876 triệu đồng, phần còn lại do địa phương bỏ ra. “Sau 9 tháng khẩn trương thi công, đến nay ngôi chợ ấy đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với ít nhất 10 gian hàng các loại được bày bán. Từ giờ trở đi, gần 1.700 gia đình ở Phú Thọ không còn phải vượt 7 - 15 cây số xuống Hương An, lên Quế Châu, vào Hà Lam mua thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống thường nhật”- ông Khôi nói.

Chợ Trà Kiệu thuộc xã Duy Sơn là một trong số ít chợ đầu mối quan trọng ở huyện Duy Xuyên. Tuy nhiên, do đưa vào sử dụng cách đây đã hàng chục năm nên rất nhiều hạng mục chính của công trình xuống cấp, hư hỏng nặng. Đặc biệt, vì không có hệ thống xử lý nước và các loại chất thải nên thời gian qua môi trường sống tại khu vực này ô nhiễm nghiêm trọng. Trước thực trạng ấy, tháng 10.2011, khi bắt tay vào thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới, xã Duy Sơn lập tức chọn tiêu chí chợ triển khai đầu tiên. Ngoài số tiền hơn 1,8 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Duy Xuyên đã bỏ ra thêm gần 11,2 tỷ đồng để xây mới khu phố chợ Trà Kiệu. Ông Ngô Phi Thâm - Chủ tịch UBND xã hồ hởi: “Bây giờ, khu phố chợ ấy hình thành với không dưới 250 gian hàng bày bán nhiều chủng loại hàng hóa, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương giữa địa phương với các vùng lân cận và mở ra cho Duy Sơn nhiều cơ hội phát triển trong tương lai”.

Chợ An Xuân, chợ Trà Kiệu chỉ là 2 trong 41 ngôi chợ ở Quảng Nam được nâng cấp, sửa chữa, xây mới, với vốn đầu tư khoảng 90 tỷ đồng, trong thời gian qua để phục vụ nhu cầu thiết yếu của cư dân nông thôn...

Chợ Trà Kiệu được xây dựng khang trang.Ảnh: VĂN SỰ
Chợ Trà Kiệu được xây dựng khang trang.Ảnh: VĂN SỰ

Nhu cầu lớn

Cách đây không lâu, trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình xây dựng nông thôn mới, ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói: “Hoạt động kinh doanh, thương mại ngày càng phát triển mạnh mẽ, vì thế việc hình thành mạng lưới chợ ở nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan. Mạng lưới này đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề phân phối, lưu thông hàng hóa, phục vụ sản xuất, tiêu dùng, đời sống dân sinh và góp phần tiêu thụ các sản phẩm từ nông nghiệp. Tuy nhiên, các ngành, địa phương ở Quảng Nam phải khảo sát thật kỹ nhu cầu thực tế trước khi quyết định xây dựng chợ, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, dàn trải, hiệu quả thấp”.

Từ bao đời nay, vì không có chợ nên 167 gia đình với 800 nhân khẩu ở xã A Nông thuộc huyện miền núi cao Tây Giang gặp rất nhiều khó khăn trong việc trao đổi hàng hóa. Sản phẩm nông nghiệp làm ra khó tiêu thụ được và muốn mua miếng thịt, con cá, bó rau, củ hành... họ cũng chỉ biết trông chờ vào mấy “cái chợ di động” do những người buôn dưới đồng bằng vận chuyển bằng xe máy lên. Ông Alăng Bao – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết, A Nông là địa phương đầu tiên được huyện Tây Giang chọn triển khai thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua hơn 3 năm thực hiện, xã đã đạt được 13 trong tổng số 19 tiêu chí. Từ nay đến cuối năm 2014, A Nông phấn đấu hoàn thành 6 tiêu chí còn lại để trở thành xã nông thôn mới sớm hơn lộ trình đề ra. Ông Alăng Bao chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi đã tiến hành quy hoạch khu đất rộng 300 mét vuông tại thôn A Rớt để lập thiết kế xây dựng một ngôi chợ. Theo dự toán, ngôi chợ này cần kinh phí đầu tư 400 triệu đồng. Do ngân sách địa phương quá eo hẹp, trong khi phần lớn người dân còn khó khăn nên không thể huy động họ đóng góp, vì vậy chẳng còn cách nào khác là trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên”. Theo ông Alăng Bao, nếu có tiền thì sau Tết Giáp Ngọ này xã sẽ khẩn trương phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện bắt tay thực hiện ngay, nhằm hoàn thành tiêu chí về chợ nông thôn.

Đưa vào sử dụng từ năm 1925, đến nay chợ Bảo An – trung tâm của xã điểm nông thôn mới Điện Quang (huyện Điện Bàn) đã xuống cấp nặng. Vì vậy, việc buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa 2.132 hộ dân nơi đây với các khu vực lân cận gặp không ít trở ngại. Ông Trần Công Quảng – Chủ tịch UBND xã cho biết, bây giờ muốn sửa chữa lại ngôi chợ này thì cần khoảng 5 tỷ đồng, do ngân sách địa phương không kham nổi nên đang chờ sự chi viện từ phía huyện và các đơn vị liên quan ở tỉnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện toàn tỉnh có tổng cộng 160 chợ lớn nhỏ, trong đó hơn 80% nằm ở khu vực nông thôn. Do phần lớn chợ nông thôn được hình thành đã khá lâu, suất đầu tư thấp, quy mô diện tích nhỏ nên nhanh xuống cấp, quá tải và không đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Trước yêu cầu của thực tế, UBND tỉnh vừa chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại đến năm 2020 và định hướng tới năm 2025 trên địa bàn Quảng Nam. Theo đó, từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ tiến hành xây mới 68 chợ và sửa chữa, nâng cấp nhiều ngôi chợ khác với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.276 tỷ đồng.

NGUYỄN VĂN SỰ

NGUYỄN VĂN SỰ