Xuân về vùng đất "ba sông"

VĂN PHIN 30/01/2014 13:24

(Xuân Giáp Ngọ) - Chúng tôi về Tam Giang (Núi Thành) vào một buổi sáng cuối năm. Sau những ngày mưa tầm tã, vùng đất “ba sông” này bừng lên dưới ánh nắng vàng tươi. Ốc đảo không còn đìu hiu trên những con đường cát trắng chật hẹp quanh co… Một sức sống mãnh liệt đang tràn về trong những ngày xuân ở vùng đất anh hùng.

Còn thương cây mắm cây bần

Nhớ ngày còn nhỏ, tôi thường theo cha đi đánh cá trên sông Trường Giang, đoạn sông thuộc xã Tam Giang. Trong ký ức tuổi thơ tôi ngày ấy, vùng sông nước này là một kỳ quan. Những rừng mắm, rừng bần, đước trải dài mát rượi, và trong thế giới hoang sơ đó là cả một kho tàng các loài thủy sinh lạ lẫm, nào cua, nào còng có cái càng to đỏ chói, rồi chim cò, chim diệc, chim nông và đủ loại cá tôm tha thẩn trong dòng nước trong veo... Cây mắm cây bần thân thương và gắn bó với nhiều người Tam Giang. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi cha tôi nói rằng chính rừng mắm, rừng bần là nơi du kích, bộ đội ẩn nấp và vùng đất Tam Giang luôn làm kẻ thù khiếp sợ vì người dân nơi đây rất gan dạ, anh hùng… Khi lớn lên, có nhiều điều kiện để tìm hiểu, gắn bó với đất và người Tam Giang, tôi càng thấm thía hơn, những gì mà vùng ốc đảo này trải qua là cả một chặng đường dài đầy chông gai, bão tố.

Cây cầu nối liền ốc đảo Tam Giang với thị trấn Núi Thành.Ảnh: VĂN PHIN
Cây cầu nối liền ốc đảo Tam Giang với thị trấn Núi Thành.Ảnh: VĂN PHIN

Tam Giang - vùng đất “ba sông” với cát trắng nằm ở phía đông huyện Núi Thành, được bao bọc bởi 3 con sông: sông Truờng Giang, sông Trạm và sông Bến Ván. Với địa thế sông nước bao quanh, rừng mắm, rừng bần dày đặc, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tam Giang được mệnh danh là “cái nôi cách mạng”. Người dân Tam Giang giàu lòng yêu nước. Khi có quân thù đến, người dân nơi đây ẩn mình dưới lòng cát hoặc nhờ sông nước, rừng mắm rừng bần để cản bước quân thù. Bằng tình yêu quê hương và lòng yêu nước nồng nàn, dù quân thù ở sát nách với trăm mưu nghìn kế, với đạn bom tơi bời, người dân Tam Giang vẫn đoàn kết, chịu bao gian khổ, hy sinh tạo nên một trận địa vững chắc để bộ đội về đóng quân, cùng du kích bất ngờ tập kích, tấn công vào sào huyệt quân thù. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, người dân Tam Giang không những bám trụ giữ làng, nuôi giấu cán bộ cách mạng và bộ đội, bảo vệ các cơ quan quan trọng của tỉnh và các vị lãnh đạo như đồng chí Võ Toàn (tức Võ Chí Công), Nguyễn Sắc Kim… mà còn đưa hơn 900 thanh niên thoát ly tham gia cách mạng, đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm cho kháng chiến. Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong kháng chiến, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Tam Giang đã được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Vươn lên Diêm Trường - Tam Giang

Bước ra khỏi chiến tranh, Diêm Trường - Tam Giang sau ngày giải phóng là một vùng cát trắng. Toàn xã có 6.000 nhân khẩu nhưng chỉ có 267ha đất sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Trồng lúa đồi, lúa ba trăng, gặp năm mưa thuận gió hòa, năng suất cũng chỉ đạt 10 - 12 ang/sào, còn nắng hạn kéo dài mất mùa thì người dân phải vã mồ hôi với cuộc mưu sinh. Ở vùng sông nước như trước đây, ngư dân Tam Giang ra khơi với những chiếc thuyền công suất máy nhỏ nên sản lượng không đáng là bao, bà con sống ven sông phải bươn chải bằng các nghề rớ, lưới, xiếc… Đời sống nhân dân thường xuyên gặp khó khăn. Câu ca xưa ngày nào vẫn hiện hữu sau lũy tre làng Tam Giang thuở ấy: “Diêm Trường là nậu có tài/ Nấu sét chén gạo nồi hai cùng đầy”.

Dẫu có khó khăn, “một hột gạo cõng năm bảy củ khoai” để “sét chén gạo nồi hai cũng đầy” nhưng nguời Tam Giang vẫn không chùn bước. Địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Cùng với cây cầu vững chắc, về Tam Giang bây giờ chúng tôi thẳng bước trên những con đường bê tông thoáng đãng, sạch đẹp, không còn xoãi chân trong cát trắng nóng bỏng như năm nào. Ngoài trục đường chính từ cầu Tam Giang đến thôn Đông Xuân, toàn xã đã xây dựng hơn 15km đường bê tông, tạo nên một hệ giao thông kết nối liên hoàn. Hơn 10 năm qua, Tam Giang đầu tư trên 15 tỷ đồng cho các công trình như trường học, trạm y tế, đường giao thông, kênh mương thủy lợi. Ngoài ra, từ nguồn vốn bãi ngang ven biển và các nguồn vốn khác, địa phương đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng hàng chục công trình hạ tầng.

Ông Lương Công Danh - Bí thư Đảng ủy xã Tam Giang chia sẻ, Tam Giang bốn bề sông nước, là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã Tam Giang nêu rõ: xu hướng phát triển của xã là ngư nghiệp - nông nghiệp và thương mại dịch vụ. Thực hiện đúng hướng đó, Tam Giang biết phát huy lợi thế sông nước, tổ chức sản xuất nhiều nghề, từng bước khắc phục khó khăn. Những năm qua, xác định nghề khai thác hải sản là mũi nhọn, ngư dân Tam Giang tập trung đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất máy lớn. Người dân Tam Giang có biệt tài về nghề câu mực khơi và hiện nay địa phương có đội tàu câu mực khơi hùng hậu nhất tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lúc - cán bộ phụ trách thủy sản xã Tam Giang cho biết: “Sau giải phóng, toàn xã có chừng 6 - 7 chiếc thuyền gắn máy công suất chỉ 10 - 22CV, đến nay địa phương có đến 57 phương tiện khai thác hải sản với tổng công suất máy 33.730CV, trong đó có 42 tàu câu mực khơi, công suất máy 30.153CV. Năm 2013, toàn xã khai thác được 10.492 tấn hải sản các loại, trong đó mực khô 9.958 tấn, doanh thu hơn 172 tỷ đồng”.

 Ngành nông nghiệp Tam Giang cũng có những bước tiến vượt bậc. Từ vùng đất cát được ví von “Tam Giang đất tốt trồng hành…”, chỉ trồng khoai lang, đậu phụng nhưng từ khi có nguồn nước từ hồ Thái Xuân, xã đã vận động nhân dân đưa các cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao và sản xuất, nuôi trồng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năng suất lúa năm 2005 chỉ 30 tạ/ha đến nay tăng lên 50 đến 60 tạ/ha.

Về Tam Giang hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay diệu kỳ. Một mùa xuân mới đang chớm về trên Diêm Trường – Tam Giang anh dũng.

VĂN PHIN

VĂN PHIN