Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam: "Sản xuất kinh doanh sẽ được cải thiện"
Theo ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam, dù khó khăn của thị trường sẽ vẫn còn tiếp diễn trong năm 2014, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) sẽ được cải thiện. Muốn tháo gỡ khó khăn sản xuất và tiếp cận vốn ngân hàng, DN và ngân hàng phải tự điều chỉnh để được gặp nhau. Nhưng để tạo động lực và sức bật cho tăng trưởng kinh tế cần phải có chính sách tiền tệ nới lỏng, nhất là các điều kiện tiếp cận vốn tín dụng.
P.V:Ông có hy vọng rằng tình hình kinh doanh năm 2014 (DN và ngân hàng) sẽ được cải thiện?
Năm 2013 khép lại, điểm sáng nền kinh tế Việt Nam là sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát đã được kiểm soát, chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) 6,04% thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, DN vẫn phải loay hoay với một số vấn đề tồn tại lâu nay. Đó là vốn, thị trường, chi phí, công nghệ và quản trị DN. Ngân hàng đang vấp phải rủi ro tiềm ẩn về nợ xấu và hệ lụy từ sở hữu chéo trong hệ thống.
Kinh tế vĩ mô ổn định là tiền đề để các cấp, các ngành mạnh dạn trong việc hoạch định chính sách, tạo sức bật mới cho nền kinh tế. DN và người dân sẽ yên tâm hơn trong sản xuất kinh doanh và làm ăn. Hơn nữa, nền kinh tế trải qua một giai đoạn dài bất ổn với nhiều thách thức, các DN và ngân hàng đã và đang rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, tự bốc cho mình những liều thuốc “kháng sinh” đặc trị để thích nghi với môi trường khắc nghiệt của thị trường. Năm 2014, tôi hy vọng DN và ngân hàng sẽ có những bước cải thiện đáng kể trong mục tiêu sản xuất kinh doanh của mình.
Giải phóng hàng tồn kho nhanh và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sẽ tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh (ảnh có tính minh họa). |
P.V:Hiệp hội DN Quảng Nam hỗ trợ như thế nào để tháo gỡ khó khăn cho DN?
Cả nước có khoảng 60.000 DN “chết” (phá sản, giải thể, ngừng hoạt động) trong năm 2013. Riêng Quảng Nam số lượng DN còn hoạt động 4.000/6.000 (hơn 30% số DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động). Điều này chứng tỏ “sức khỏe” của DN yếu đi rõ rệt. Ngoài việc bản thân DN phải tăng cường sức đề kháng, khả năng chịu đựng, sự sáng tạo, cải tiến và ứng phó với thị trường để tăng năng lực cạnh tranh, cần phải có chính sách và giải pháp hữu hiệu từ Chính phủ và chính quyền các cấp. Hiệp hội DN Quảng Nam đã làm rất tốt vai trò cầu nối trung gian, tập hợp những vướng mắc khó khăn của DN và “thỉnh cầu” các kiến nghị đề xuất của DN đến chính quyền các cấp, các sở ban ngành, thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản. Các nội dung kiến nghị của DN đã được xử lý ngay như việc giảm tiền thuê đất, gia hạn thuế, giãn thời hạn nộp thuế, giảm lãi suất vay ngân hàng, tiếp cận vốn ngân hàng, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp được cải thiện, thủ tục hành chính được thay đổi...
Năm 2014, Hiệp hội DN Quảng Nam sẽ tiếp tục song hành với các DN. Hiệp hội sẽ nắm bắt tình hình thực tế của DN, tổ chức các hội nghị đối thoại, hội nghị liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN; làm tốt vai trò tham vấn cho các cấp chính quyền những vấn đề liên quan đến DN. Hiệp hội DN Quảng Nam sẽ lập hộp thư nóng để tập hợp các ý kiến của DN, hàng tháng sẽ gửi đến UBND các cấp và các cơ quan chức năng hỗ trợ xử lý.
P.V:Có tín hiệu lạc quan nào cho DN không khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng năm 2014?
Ngân hàng là người đi vay để cho vay. Huy động tiền gửi mà không cho vay được thì ngân hàng sẽ không tồn tại. Tăng trưởng tín dụng và thừa vốn là vấn đề trăn trở của các tổ chức tín dụng trong năm 2013, vậy tại sao DN khó tiếp cận vốn ngân hàng? Nợ xấu chính là nguyên nhân khiến DN và ngân hàng gặp bế tắc. Ngân hàng không tiêu thụ vốn được mà DN khát vốn là do vẫn còn nợ đọng. Phía ngân hàng muốn cho vay nhưng nếu cho vay mà DN không sử dụng vốn hiệu quả thì khoản vay đó sẽ trở thành nợ xấu. Muốn tháo gỡ điều này, cả hai phía DN và ngân hàng phải tự điều chỉnh để được gặp nhau. Nhưng để tạo động lực và sức bật cho tăng trưởng kinh tế cần phải có chính sách tiền tệ nới lỏng nhất là các điều kiện tiếp cận vốn tín dụng, vì 80% DN của Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh bằng nguồn vốn vay ngân hàng.
P.V:Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội, ông nghĩ cộng đồng DN muốn được nhận hỗ trợ, giải pháp gì từ Chính phủ và chính quyền địa phương nhất?
Khó khăn của DN vẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài. Sản xuất và tiêu thụ vẫn còn bế tắc chưa được khơi thông, chi phí đầu vào cao, nợ xấu gia tăng, hàng tồn kho ứ đọng, nhu cầu tiếp cận vốn vay ngân hàng... vẫn còn khó. Cộng đồng DN rất mong muốn Chính phủ và chính quyền các cấp cần có những chính sách và giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đi vào thực tiễn cuộc sống. Cụ thể là việc mở rộng thị trường, xuất khẩu hàng hóa, giải quyết hàng hóa tồn kho của DN. Giải quyết nhanh chóng và có hiệu quả vấn đề xử lý nợ xấu, nới lỏng chính sách tiếp cận vốn vay ngân hàng để khơi thông nguồn vốn tín dụng cho DN. Ngoài ra, cần giảm chi phí đầu vào (giảm lãi suất vay vốn, thuế suất các loại, giá nguyên nhiên vật liệu, vận chuyển, phí các loại...), cải thiện môi trường đầu tư từ khâu thủ tục đến quá trình triển khai dự án (trước, trong và sau khi dự án triển khai).
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
TRỊNH DŨNG (thực hiện)