Những mô hình sinh kế hiệu quả

ĐOÀN ĐẠO 21/01/2014 11:57

Thời gian qua, nhiều gia đình ở Hiệp Đức ăn nên làm ra nhờ những mô hình sản xuất được huyện hỗ trợ kinh phí.
Dẫn chúng tôi ra thăm mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học, anh Nguyễn Văn Kế (thôn 4, Hiệp Thuận, Hiệp Đức) quả quyết: “Hiện nay, gia đình tôi đang trong thời gian vừa nuôi vừa học tập rút kinh nghiệm. Nhưng quả thật đây là mô hình phù hợp tạo thu nhập khá cho người dân. Tôi đang nuôi 16 con heo lấy thịt, khoảng 2 tháng nữa xuất chuồng. Ước tính khi bán sẽ thu lãi khoảng 500 ngàn đồng/con. Nếu nuôi tốt khoảng 3 - 4 lứa mỗi năm thì thu nhập sẽ rất cao vì hiện nay đầu ra cho con heo khá tốt”. Tháng 8.2013, Phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức hỗ trợ gia đình anh Kế tiền mua bột cưa, máng ăn, men vi sinh và con giống với số tiền 18 triệu đồng. Và gia đình anh có trách nhiệm xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật để triển khai mô hình điểm đầu tiên trên toàn huyện Hiệp Đức.

Mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học đang trở thành sinh kế bền vững cho người dân vùng nông thôn Hiệp Đức. Ảnh: Đ.ĐẠO
Mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học đang trở thành sinh kế bền vững cho người dân vùng nông thôn Hiệp Đức. Ảnh: Đ.ĐẠO

Một mô hình cũng khá thành công đang được nhiều gia đình ở Hiệp Đức áp dụng là nuôi heo hướng nạc. Khởi nguồn của mô hình này từ đề tài khoa học do Trạm Khuyến nông – khuyến lâm Hiệp Đức triển khai năm 2012. Ông Phan Nghị, Trưởng trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện, cho biết: “Năm 2012, chúng tôi chọn hộ ông Trần Ngọc Quang (thôn 3, Hiệp Thuận) để thực hiện đề tài này. Sau khi heo giống sinh sản, hộ chăn nuôi giữ lại 30% số lượng heo con. Số còn lại chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cho các hộ khác, cứ thế chúng tôi dần nhân rộng ra”. Chị Nguyễn Thị Duy Khanh (thôn 1, Quế Lưu) chia sẻ: “Tháng 8.2013 tôi được hỗ trợ một con heo giống từ mô hình nuôi heo hướng nạc. Mô hình này giúp được khá nhiều bà con đang thiếu vốn chăn nuôi có được heo giống ban đầu. Nếu các hộ nhận heo biết phát triển thì có thể trở thành sinh kế ổn định, đặc biệt là ở vùng nông thôn”.

Theo ông Huỳnh Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức, ngoài các cây cao su, cây keo nguyên liệu, Phòng NN&PTNT huyện đang nỗ lực tìm kiếm các mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác phù hợp với vùng nông thôn. Các mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học, nuôi bồ câu… được triển khai thí điểm, nếu cho hiệu quả cao thì địa phương nhân rộng cho bà con trên địa bàn. Trong năm 2013, địa phương đã hỗ trợ hàng loạt mô hình sản xuất khác nhau với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Cũng theo ông Năm, ngoài mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học, mô hình nuôi bồ câu cũng đem lại nhiều thành công. Từ năm 2012 đến nay, huyện đã hỗ trợ cho 25 hộ gia đình 500 con bồ câu giống với kinh phí khoảng 100 triệu đồng, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con thực hiện. Hiện nay các hộ trên đã bắt đầu có thu nhập từ việc nuôi bồ câu này. Ngoài ra, Phòng NN&PTNT Hiệp Đức cũng hỗ trợ các mô hình trồng sắn cho đồng bào dân tộc ở xã Phước Gia với diện tích 4ha, hỗ trợ nông dân giống lúa cạn P6 đột biến, làm 12 mô hình tự sản xuất phân bokashi… giúp người dân nâng cao năng suất trồng trọt.

Theo kế hoạch, năm 2014, ngành nông nghiệp Hiệp Đức sẽ tập trung xây dựng 20 mô hình kinh tế, 50 vườn điểm từ kinh phí của huyện. Từ 600 triệu đồng ngân sách huyện giao, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ bà con 5.800 cây giống trụ Đại Bình, thanh trà, măng cụt… Nói đến hướng đi trong thời gian đến, ông Huỳnh Năm cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để đưa về địa phương những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện địa phương. Đặc biệt là chú trọng vào các cây trồng, vật nuôi mà thị trường đang có nhu cầu lớn, có tính ổn định cao. Mục tiêu của ngành nông nghiệp Hiệp Đức là cố gắng đưa được một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ở lĩnh vực chăn nuôi, rau sạch về đóng chân trên địa bàn huyện để tạo đầu ra sản phẩm cho người dân địa phương”.

ĐOÀN ĐẠO

ĐOÀN ĐẠO