Thanh niên Tây Giang xuất khẩu lao động về nước: Khó trả nợ

VĂN HÀO 20/01/2014 11:04

Hàng chục lao động ở Tây Giang bỏ về nước trước thời hạn, kéo theo nhiều gia đình lâm vào nợ nần không đủ khả năng hoàn trả; có 25 lao động về đúng hạn hợp đồng nhưng vẫn có đến gần nửa số này đang nợ tiền ngân hàng. Vừa qua, đại diện các bên có buổi đối thoại về thực trạng này.

Đi vay vốn, về trắng tay

Công việc cụ thể của người lao động (NLĐ) khi sang Malaysia làm việc như sản xuất đồ nhựa, điện tử, cơ khí, giày da… với thu nhập bình quân hàng tháng từ 5 - 6 triệu đồng; thông qua Công ty CP Phát triển Liên Việt và Công ty CP Thương mại Châu Hưng làm đầu mối. Mỗi lao động vay Ngân hàng Chính sách huyện 25 triệu đồng để các công ty trên làm thủ tục pháp lý đưa thanh niên sang nước ngoài. Tuy nhiên, các thanh niên này cho biết vì nhiều lý do như môi trường làm việc không đảm bảo, điều kiện ăn ở khó khăn, công ty phá sản… nên họ đành bỏ dở “giấc mơ đổi đời” để về nước.

Huyện Tây Giang vừa có cuộc đối thoại với các bên liên quan về xuất khẩu lao động.                                                                                 Ảnh: V.HÀO
Huyện Tây Giang vừa có cuộc đối thoại với các bên liên quan về xuất khẩu lao động. Ảnh: V.HÀO

Tự ý bỏ công việc sản xuất đồ gỗ để về nước hồi giữa năm 2013, anh Bhnướch Béo (thôn Ađâu, xã Dang) cho biết hiện đang nợ ngân hàng 22,5 triệu đồng. Anh nói: “Tôi làm cả ban ngày lẫn ban đêm nên rất mệt mỏi, cứ mỗi lần xin nghỉ phép là bị họ cắt tiền. Làm ngày trung bình được 21 ringgit Malaysia (khoảng 126 ngàn VNĐ) nhưng tiền ăn đã tốn đến 30 ringgit, hơn nữa vấn đề chỗ ở rất khó khăn”. Còn anh Bhnướch Liễu (thôn Pơning, xã Lăng) thì nợ ngân hàng 23 triệu đồng. Anh tâm sự: “Được trúng tuyển đi lao động nước ngoài, cả gia đình tôi vui mừng vì hy vọng kinh tế gia đình sẽ khấm khá. Nhưng qua bên đó làm việc thì thực tế không phải như vậy, ông chủ là người Trung Quốc. Tôi phải làm việc từ thứ Hai đến Chủ nhật không nghỉ”.

Không chỉ số lao động về trước hạn ôm nợ, đằng này lại có đến 11/25 lao động về đúng hạn nhưng vẫn chưa trả xong nợ cho ngân hàng. Anh Alăng De (thôn Pơning, xã Lăng) cho biết khi sang Malaysia làm việc với nghề sản xuất đồ nhựa, mặc dù về đúng hạn hợp đồng là 3 năm nhưng hiện gia đình vẫn đang nợ ngân hàng với số tiền 10 triệu đồng. Anh nói: “Chúng tôi ở một phòng đến 12 người, an ninh thì không đảm bảo, phải khóa cửa 24/24 giờ vì sợ trộm cắp. Họ bảo rô bốt làm chừng nào thì chúng tôi phải làm chừng ấy. Tiền thì chậm trả khiến chúng tôi cũng không có tiền ăn, tiện tặn lắm mới có ít tiền gửi về gia đình”. Lý giải về nguyên nhân, ông Hồ Minh Long - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Giang cho rằng do số lao động này lương ít, hơn nữa làm không thường xuyên, 1 tháng mà làm được có nửa tháng thì lấy đâu ra tiền, trong khi chi phí ăn ở cao.

Đại diện phía doanh nghiệp tuyển dụng, bà Lê Minh Thùy – Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Liên Việt (chi nhánh miền Nam) cho rằng các thanh niên về nước trước hạn xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về việc đi xuất khẩu lao động. “Các bạn có suy nghĩ khi đi nước ngoài tức là sẽ làm giàu một cách nhanh chóng, không phải làm nhiều nhưng vẫn kiếm được nhiều tiền. Mặt khác, các bạn chưa thích nghi được môi trường kỷ luật, kỹ thuật ở nước ngoài nên dễ dàng mắc phải những lỗi nhỏ của nhà máy; quen sống với môi trường tự do của gia đình như đi trễ về sớm và điều đó là không thể chấp nhận được. Về vấn đề thu nhập chưa cao ở một số nhà máy làm lao động nản, nguyên do là thời gian đó (năm 2010) không chỉ ở Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới bị phá sản” - bà Thùy nói.

Quản lý còn lỏng lẻo

Nhiều thanh niên cho biết khi gặp khó khăn ở nước bạn, họ gọi điện về cho Công ty CP Phát triển Liên Việt nhờ giúp đỡ nhưng điện thì lúc được, lúc không; về đến sân bay nhưng không có ai đón như hợp đồng thỏa thuận. Abing Pới (thôn Pơning, xã Lăng) bức xúc: “Khi tôi gọi điện cho bên Công ty Liên Việt thì họ bảo về tới Hà Nội sẽ có người đón, nhưng khi về đến nơi thì không thấy ai đón cả. Tôi mượn một người bạn ở Nam Định 2 triệu đồng thuê taxi đi mà không biết sẽ đi đâu. Lúc đó người tài xế hỏi, tôi nói muốn về Tây Giang thì được người này mua giùm vé xe để tôi trở về nhà”.

Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Giang, từ năm 2010 - 2013, địa phương có 115 thanh niên tham gia xuất khẩu lao động; trong đó 51 lao động còn đang làm việc, 64 lao động đã về nước. Tổng số người đang nợ ngân hàng là 70 với số tiền hơn 1,27 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Nam - Phó Chủ tịch UBND xã A tiêng cho biết: “Giữa công ty môi giới và NLĐ chưa phối hợp chặt chẽ. Nhiều điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng, ví dụ NLĐ đóng tiền triệu để được mua va li, giày dép… thì họ cần phải biết mỗi vật dụng này chính xác là bao nhiêu tiền. Hơn nữa, công ty cần xem lại trách nhiệm trong việc đưa đi đón về”. Ông Nguyễn Công Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết trách nhiệm quản lý của công ty cầu nối chưa toàn diện, mỗi nhà máy sử dụng lao động có ông chủ riêng, cách ứng xử riêng và NLĐ cần biết rõ điều đó. “Công ty Liên Việt cần tăng cường trách nhiệm để nắm rõ tâm lý NLĐ, cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, thông báo kịp thời những khó khăn của lao động mình đưa sang làm việc” - ông Thành nói. Về vấn đề này, bà Lê Minh Thùy thừa nhận công ty còn lỏng lẻo trong quản lý lao động đi xuất ngoại. “Chúng tôi tiếp thu ý kiến của các bạn để có biện pháp chấn chỉnh về công tác quản lý và điều hành. Về trường hợp không có người đón ở sân bay, đại diện công ty xin được thứ lỗi, đó là do sơ suất của chúng tôi. Từ ngày quản lý ở văn phòng phía Nam, chúng tôi đều bố trí người ra đón, thanh lý hợp đồng. Còn ở Hà Nội, chúng tôi sẽ kiến nghị để quản lý chặt chẽ hơn” - bà Thùy nói.

Làm gì để trả nợ?

Trong số 64 lao động của Tây Giang đã về nước thì có đến 61 lao động chưa có việc làm và 39 lao động đang nợ tiền ngân hàng từ 4 - 25 triệu đồng. Để các gia đình có đủ số tiền trả nợ không phải là chuyện một sớm một chiều khi đa số họ là hộ nghèo của địa phương. Ông Hồ Minh Long cho biết đến tháng 3.2014, Phòng LĐ-TB&XH huyện sẽ phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh mở các sàn giao dịch việc làm để các thanh niên tìm kiếm công việc cho mình. Hơn nữa, phòng sẽ triển khai các lớp đào tạo nghề cho các thanh niên có nhu cầu học nghề. Ông Nguyễn Công Thành cho biết, năm nay huyện sẽ triển khai Nghị quyết số 13 do Huyện ủy ban hành, trong đó vận động các thanh niên này tham gia lao động công ích. “Chúng tôi thông cảm và chia sẻ với những khó khăn mà nhiều lao động ở địa phương đang gánh phải. Trước mắt, yêu cầu các xã tạo mọi điều kiện để các thanh niên này có việc làm tạm thời. Tiếp đến, huyện sẽ khảo sát lực lượng lao động theo vùng để tạo việc làm cho các em trả dần nợ ngân hàng” - ông Thành cho biết thêm. Về phía doanh nghiệp tuyển dụng, bà Thùy cho biết sẽ cho nợ 100% chi phí và sẽ khấu trừ dần vào tiền lương nếu những lao động đã về nước có ý định tiếp tục đi xuất khẩu lao động, nghĩa là lần đi này các thanh niên không cần vay tiền Ngân hàng Chính sách huyện.

VĂN HÀO

VĂN HÀO