"Taxi" vùng cao
Mỗi ngày, trên các tuyến đường từ thị trấn Khâm Đức lên các xã Phước Chánh, Phước Thành, Phước Lộc… (huyện Phước Sơn), những chiếc “taxi” vùng cao vẫn cần mẫn chở những chuyến hàng phục vụ người dân.
Gian nan đường đi
Cách đây hơn 2 năm, khi con đường lên các xã vùng cao huyện miền núi Phước Sơn chưa có, giá cả các mặt hàng tiêu dùng nơi đây rất đắt đỏ. Để có được một miếng thịt, con cá không phải dễ với người dân bởi phải cách hơn một tuần mới có một chuyến hàng chở lên đây. Phương tiện để bà con xuống thị trấn Khâm Đức hoặc ngược lại chủ yếu là đi bằng loại xe Minks, các loại xe khác hầu như không thể đi được. Do vậy, lúc nào ở thị trấn Khâm Đức cũng có gần 20 xe thồ đứng đợi khách để chở lên vùng cao. Anh Phạm Trọng Ý (phóng viên Đài truyền thanh huyện Phước Sơn) chia sẻ: “Mỗi lần lên công tác ở các xã vùng cao Phước Sơn tôi phải bỏ ra tiền triệu để đi, chưa tính chi phí ở lại qua đêm cho xe ôm. Tính từ trung tâm thị trấn đến Phước Lộc (xã xa nhất vùng cao Phước Sơn) cũng chỉ chừng 60 cây số đường rừng, nhưng vào mùa mưa muốn đi cũng phải mất hơn nửa ngày mới đến nơi. Có hôm người và xe ngã lăn, tôi chỉ kịp ôm chiếc máy quay để nó không hư còn người thì thương tích đầy mình”.
Hằng ngày những chiếc “taxi” vẫn cần mẫn chở người và hàng lên vùng cao Phước Sơn. Ảnh: H.Y |
Nhiều tay lái xe thồ “xịn” vẫn còn ngao ngán chuyện chở hàng, chở người lên vùng cao Phước Sơn. Anh Đinh Tiến Vũ, một tay xe ôm có tiếng ở Khâm Đức, thở dài: “Cũng vì mưu sinh mình mới đi, chứ đi xe thồ lên vùng cao như thế này nguy hiểm tính mạng lắm, ngã xe là chuyện như cơm bữa, cho nên chi phí cho mỗi chuyến đi lên vùng cao tương đối cao, tùy vào thời tiết nắng mưa. Trước đây, vào những ngày giáp tết như thế này, trời thường mưa lâm thâm, đường đi trơn trượt nên giá xe thồ đi Phước Chánh, Phước Kim mất khoảng 1,5 triệu đồng, còn Phước Thành, Phước Lộc giá phải trên 2 triệu đồng”.
Khi vùng cao Phước Sơn bắt đầu có đường thì những chiếc ô tô con (được người dân gọi là taxi vùng cao) cũng ra đời theo. Theo chân những chuyến “taxi” chở hàng, chúng tôi vẫn cảm thấy lo lắng vì con đường lởm chởm đá rất khó đi, một bên là vực sâu, một bên là vách núi. Dù vậy các tài xế vẫn rất chắc tay. Ông Nguyễn Văn Bốn (một chủ xe “taxi” trú thị trấn Khâm Đức) tự hào nói: “Ngày nào cũng đi quen rồi, mỗi ngày 2 chuyến ngược xuôi lên vùng cao bỏ hàng cho người dân. Lỡ hẹn với đồng bào mà không mang hàng lên, bà con trông chờ cũng tội bởi hầu hết người dân là dân tộc thiểu số, đời sống còn rất nhiều khó khăn do sự chia cắt của núi rừng”.
“Gánh” hàng lên vùng cao
Mỗi ngày, trên các tuyến đường từ thị trấn Khâm Đức đi các xã Phước Chánh, Phước Công, Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc có hơn 6 chiếc “taxi” như thế. Bình quân mỗi chuyến đi và về của mỗi xe khoảng 50km với hơn 8 triệu đồng tiền hàng. Xe chở hàng bỏ tất cả các mối bán hàng trên vùng cao này, thay vì những cái “chợ di động” như xưa. Chủ xe thường là những người chở hàng thuê hoặc chồng chở hàng lên cho vợ bán. So với chi phí để xuống trung tâm cụm xã hay chợ huyện để mua sắm vật dụng và thực phẩm, giá cả hàng hóa do các chiếc xe này chở lên rẻ hơn nhiều.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, những chiếc “taxi” vùng cao vẫn cần mẫn chuyên chở những chuyến hàng ngược xuôi. Anh Nguyễn Văn Sỹ (quê ở tỉnh Hưng Yên) vào đây lập nghiệp, là chủ của một chiếc “taxi vùng cao” cho biết: “Trước đây anh làm phụ xe, sau đó thấy nhu cầu của nhân dân vùng cao, vợ chồng anh tích góp mua được chiếc xe cũ để chở hàng. Sáng sớm, từ Khâm Đức anh bốc vác hàng và chở lên cho các tiệm hàng hóa nhỏ, mỗi chuyến như thế anh lời khoảng 500 – 600 nghìn đồng. Nắng mưa gì cũng quen rồi, xe còn chạy được thì mình cứ đi thôi. Đi thì mình có thêm đồng ra đồng vào, bình thường anh chỉ chở hàng hóa, nhưng thỉnh thoảng nhận chở công nhân làm vàng, cán bộ xã đi công tác và người dân nhưng lấy giá hữu nghị là 70 nghìn đồng/người”. Những ngày cận tết công nhân làm vàng ra vô nhiều, anh Sỹ tranh thủ chở để kiếm thêm thu nhập, mỗi ngày anh đi 2 chuyến, có khi đi vào ban đêm với giá khoảng 200 nghìn đồng/người.
Thiếu tá Phạm Văn Sơn - Đội trưởng Đội CSGT (Công an huyện Phước Sơn) cho biết, sau mùa mưa bão năm 2011, những chiếc xe ô tô con chở hàng bắt đầu xuất hiện, đã giải quyết được nhu cầu của người dân. Những ô tô này vẫn còn trong thời gian kiểm định nên Công an huyện Phước Sơn vẫn cho những lưu hành, nhưng bắt buộc phải gỡ tấm biển “taxi vùng cao” bởi chưa đáp ứng một số điều kiện như phải có tuyến xe, đồng hồ báo cước, thiết bị giám sát hành trình và máy chủ… Dù giúp được rất nhiều cho bà con vùng cao trong việc giao thương hàng hóa, nhưng những chiếc xe cũ kỹ này đã xuống cấp nghiêm trọng. Thực tế, đã có những chuyến hàng, xe bị hư hỏng nặng phải nằm chờ giữa đường hơn 2 ngày để sửa chữa. Rồi đây những chiếc xe này cũng sẽ lùi vào quá khứ khi con đường lên các xã vùng cao hoàn thành, thay vào đó là những chiếc xe tải nhỏ, xe buýt… Mặc dù vậy, người dân vùng cao Phước Sơn sẽ không bao giờ quên những chiếc xe từng một thời “gánh” hàng lên vùng cao.
HOÀNG YÊN