Mô hình vườn rau gia đình
Mô hình vườn rau gia đình khi đưa vào thực hiện giúp người dân Nam Trà My không những cải thiện bữa ăn mà còn giúp tăng đáng kể nguồn thu nhập.
Trạm dịch vụ kỹ thuật tổng hợp nông nghiệp Nam Trà My phối hợp với Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ Quảng Nam đưa mô hình vườn rau gia đình phát triển tại Nam Trà My, đã làm thay đổi tập quán dùng thực phẩm của nhiều hộ dân. Thay vì chỉ dựa vào thu hái tự nhiên, nhiều gia đình đã tự sản xuất các loại rau thực phẩm ngay tại vườn nhà phục vụ bữa ăn hàng ngày, cải thiện chế độ dinh dưỡng, hứa hẹn sẽ trở thành hàng hóa phục vụ thị trường tăng thu nhập cho các hộ dân tham gia. Chị Hồ Thị Mười (tổ 6, thôn 1, Trà Mai) chia sẻ: “Trước đây, tôi đã có ý định trồng rau theo kiểu sản xuất hàng hóa với công nghệ cao nhưng không có vốn làm. Từ khi Trạm dịch vụ Nam Trà My đưa vào mô hình vườn rau gia đình tôi đăng ký tham gia ngay. Nhờ có vườn rộng nên được chọn làm vườn rau gia đình. Tôi được trang bị đầy đủ công nghệ, từ hệ thống phun sương, làm giàn che, được học kỹ thuật và được cung cấp giống. Giờ đây chỉ việc trồng và chờ ngày thu hoạch mà thôi. Thu hoạch đạt kết quả, tôi sẽ chuyển giao cho nhiều hộ nông dân khác phát triển mô hình này tại địa phương”.
Vườn rau có đầy đủ giàn che, hệ thống phun sương của hộ chị Hồ Thị Mười. Ảnh: H.Yên |
Về quy trình lựa chọn giống, các gia đình phải cam kết đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, chất lượng đã đăng ký. Các loại rau được chọn vẫn là loại rau địa phương như rau dớn, rau lủi, su su... Dự án sẽ hỗ trợ một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần thiết để nông dân sản xuất vụ đầu, người hưởng lợi cam kết sẽ tự lo phân hữu cơ theo quy trình, số lần và lượng bón theo đúng quy trình đã hướng dẫn mà không được sử dụng các chất kích thích, hóa chất bảo vệ thực vật đã cấm sử dụng trong quá trình sản xuất rau. Đồng thời việc xây dựng vườn rau phải đúng yêu cầu như: chọn đất phù hợp, tưới tiêu theo nhu cầu sinh trưởng phát triển của từng giai đoạn phát triển của cây trồng và phù hợp theo mùa. Có lưới che nắng nóng và chống mưa lớn, tùy theo địa hình, không gian mà lựa chọn thiết kế cho phù hợp.
Ông Phan Nguyên Duy, Trạm trưởng dịch vụ kỹ thuật tổng hợp Nông nghiệp Nam Trà My cho biết: “Đây là mô hình mẫu cho nông dân địa phương học tập nhân rộng, phát triển ra cộng đồng. Từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tạo công ăn việc làm cho người dân nghèo một cách bền vững, hạn chế tình trạng du canh, phát rừng làm nương rẫy, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học. Mô hình vườn rau gia đình thành công sẽ góp phần hình thành phương thức sản xuất mới, tăng năng suất, chất lượng thực phẩm tại địa phương, từng bước tạo ra được sản phẩm hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo của địa phương, nơi phần lớn là đồng bào dân tộc còn nghèo khó”.
HOÀNG YÊN