Tìm hướng khai thác hiệu quả

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT 04/01/2014 11:14

Làm thế nào để “mở lối” khai thác hiệu quả tài nguyên sông nước tại Quảng Nam là vấn đề đặt ra tại hội nghị bàn cách tiếp cận tổng hợp sinh thái - văn hóa và phát triển bền vững trong quản lý lưu vực sông được tổ chức mới đây tại TP.Hội An.

HỘI nghị do Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh phối hợp với Chương trình định cư con người của Liên hiệp quốc và Trung tâm Đào tạo đô thị quốc tế Hàn Quốc tổ chức đã thu hút sự trao đổi nhiệt tình của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, quản lý trong và ngoài nước. Câu trả lời là liên kết vùng để tạo xúc tác cạnh tranh, khai thông lợi thế của từng địa phương và toàn vùng, đồng thời giải quyết các vấn đề mà địa phương không thể quán xuyến hết như ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên chung...

Tìm lối đi

Phân nhánh lớn theo dòng chảy xuyên suốt trên địa bàn tỉnh, hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đã tạo nên các Đak Di, Nậm Nin, sông Tiên, sông Khang, Khe Diên, Bà Rén, Cổ Cò, sông Côn, sông Bung, sông Hoài…, những dòng sông có thể hút hồn những ai đã từng thăm viếng. Tuy nhiên, ngoài giá trị lớn về thủy điện, du lịch sông nước của Quảng Nam vẫn chưa tận dụng hiệu quả tiềm năng này. Định hướng của Quảng Nam là mở tuyến du lịch sông nước dọc sông Thu Bồn, từ Hội An lên Duy Xuyên; kêu gọi đầu tư khai thác du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Nam Giang); mở các dịch vụ khai thác du lịch tại thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My); mở tuyến du lịch trên sông Cổ Cò nối TP.Hội An với TP.Đà Nẵng…

Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch sông nước tại Quảng Nam chưa phát triển vì nguồn lực chưa đảm bảo; sự liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp ngoài tỉnh còn yếu. Để phát triển du lịch sông nước cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố liên kết vùng. TS. Hồ Kỳ Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP.Đà Nẵng nêu ví dụ về sự hợp tác mạnh mẽ giữa Quảng Nam với TP.Đà Nẵng để phát triển du lịch trên sông Cổ Cò, bởi dòng sông này kết nối hai địa phương. “Các hệ thống sông lớn thường chảy qua nhiều địa phương, vì thế để phát triển tài nguyên sông nước nói chung, du lịch sông nước nói riêng, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương trên cơ sở thống nhất về quan điểm quản lý sông, qua đó chia sẻ lợi ích chung, cùng bảo vệ môi trường sinh thái. Điều đó có ý nghĩa lớn trong bối cảnh hợp tác hiện nay. Tính liên kết, lan tỏa này mang lại lợi ích cho toàn vùng, đồng thời kết nối đa ngành, đa lĩnh vực” - TS. Minh nói. TS.Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP.Đà Nẵng) cho rằng, để khai thông phát triển tài nguyên sông nước, Quảng Nam cần chú trọng phục hồi và bảo tồn không gian cảnh quan, kiến trúc theo quy luật tự nhiên; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, khơi thông dòng chảy, điều tiết lũ lụt; phục hồi “phẩm chất” vốn có của nước; kiểm soát chất lượng nước đi đôi với cải thiện sinh kế cho người dân; đặc biệt coi trọng phát triển du lịch sinh thái sông nước.

Kết nối phát triển

Sau khi thống nhất về tính vĩ mô trong liên kết vùng để phát triển tài nguyên sông nước, hội nghị cũng đã có điểm nhìn chung về khơi thông sông Cổ Cò phục vụ phát triển du lịch sinh thái sông nước – ví dụ điển hình về liên kết vùng ở khu vực duyên hải miền Trung vào thời điểm này. Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn nhấn mạnh, trong quy hoạch khu vực sông Cổ Cò thì xây dựng khu vực dân cư dọc hai bên sông Cổ Cò trở thành đô thị lấy thế mạnh là du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái là điều rất quan trọng. Cốt lõi là bảo tồn môi trường tự nhiên hai bên sông làm tiền đề thuận lợi để triển khai các chương trình phát triển bền vững cho toàn vùng. “Định hướng xây dựng nên một khu đô thị mới và các khu nghỉ dưỡng hai bên sông mang đẳng cấp quốc gia và quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, mạnh và bền vững của khu vực duyên hải miền Trung sẽ giúp chúng ta có cơ sở để bóc tách từng phần việc cụ thể, chi tiết từng công đoạn triển khai. Theo đó, trong tương lai sẽ có tuyến du lịch sông Hàn - Ngũ Hành Sơn - Trà Quế - rừng dừa Cẩm Thanh - phố cổ Hội An. Tại các điểm lẻ dọc theo tuyến du lịch này sẽ có các điểm dừng chân mà du khách có thể trải nghiệm về ẩm thực, giải trí theo cách của mình. Nhiều loại tàu du lịch sẽ được bố trí dọc theo tuyến khám phá này” - ông Lê Trí Thanh nói.

Liên quan đến việc quy hoạch và xây dựng khu dân cư dọc hai bên sông Cổ Cò, GS.Kwi Gon Kim - Chủ tịch Trung tâm Đào tạo quốc tế đô thị Hàn Quốc cho rằng, cần quan tâm đến các yếu tố xung quanh vùng bờ sông. Vì vùng bờ sông có thể tạo sức sống cho cả khu vực đô thị phức hợp. Cụ thể, chức năng thân thiện của nguồn nước có thể “song hành” với các chức năng truyền thống, giải trí, văn hóa và thương mại của khu dân cư phức hợp. “Vùng bờ sông có thể tạo nên một điểm nhấn cho hình ảnh đô thị thân thiện. Sự hài hòa giữa vùng bờ sông, khu đô thị, các điểm thu hút du lịch sẽ tạo nên một không gian độc đáo, sinh động, một vùng văn hóa không lộn lẫn” - GS. Kwi Gon Kim nói. Về ý tưởng mới phát triển du lịch sông Cổ Cò, ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Trong thời gian tới, nhân cơ hội xây dựng giao thông du lịch trên sông Cổ Cò kết nối Hội An với Đà Nẵng, chúng tôi sẽ chú trọng đến loại hình du lịch mới là giúp du khách thỏa mãn với cảm giác thư thái, nhàn tản bằng thuyền du lịch. Ngoài giá trị sinh thái đặc hữu với các nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, hệ sinh thái phong phú, du khách đến đây còn được trải nghiệm không khí lịch sử khi gợi lại câu chuyện Huyền Trân công chúa trên đường từ Chiêm Thành trở lại quê hương cũng như vua Minh Mạng đã từng qua đây du ngoạn, thưởng lãm với thuyền rồng”.

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT